Sống trên đỉnh lũ: 6 ngày nhai mì tôm sống, 7 người co cụm trên 1 chiếc giường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến sáng 14-10, những người dân vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) đã có 6 ngày sống trên đỉnh lũ. Lũ dâng lên rồi hạ xuống liên tục đến ba lần trong chừng ấy ngày khiến những người dân ở đây vô cùng mệt mỏi.
 

Sống trên đỉnh lũ, cháu Phùng Xuân Phúc, con anh Kỷ, đã 6 ngày phải ăn sáng bằng mì tôm sống - Ảnh: QUỐC NAM
Sống trên đỉnh lũ, cháu Phùng Xuân Phúc, con anh Kỷ, đã 6 ngày phải ăn sáng bằng mì tôm sống - Ảnh: QUỐC NAM


Đến sáng 14-10, những người dân vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) đã có 6 ngày sống trên đỉnh lũ. Lũ dâng lên rồi hạ xuống liên tục đến ba lần trong chừng ấy ngày khiến những người dân ở đây vô cùng mệt mỏi.

Nhưng đó vẫn chưa phải đã là con số cuối cùng khi hiện tại nước lũ vẫn đang ở mức cao và những trận mưa vẫn tiếp tục dội xuống đầu nguồn. Người dân vùng lũ Quảng Trị vẫn sẽ phải cố gồng mình lên để tiếp tục chống chọi với đợt lũ dai dẳng và có phần "đỏng đảnh" này.

6 ngày nhai mì tôm sống

Nhà anh Phùng Tấn Kỷ (thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang) ngập lũ lâu ngày đến mức những mảng tường đã ố vàng vì bùn đất. Mực nước trong nhà anh đến sáng 14-10 vẫn còn ngập đến gần 1 mét.

Anh chỉ vào những vạch bùn ngang bên vách tường gần cửa "méc" đỉnh lũ cao nhất trong 6 ngày qua. Anh nói đó là dấu vết của trận lũ lần thứ 3 mới lên từ ngày 12-10. Còn dấu vết đỉnh lũ của hai trận lũ trước vào sáng ngày 7 và ngày 9-10 thì đã bị trận lũ sau đó vượt qua nên xóa sạch.


 

 Trên chiếc giường kê cao, cả nhà ông Trà 7 người được ăn bữa cơm sau nhiều ngày nhà hết gạo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trên chiếc giường kê cao, cả nhà ông Trà 7 người được ăn bữa cơm sau nhiều ngày nhà hết gạo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN



Hai vợ chồng anh có 3 người con. 6 ngày rồi cả nhà anh chuyển lên sống trên tra (như gác xép) sát mái nhà. Không điện. Không nước. Nhà không có đò, cả nhà từ sáng đến tối chỉ biết ngồi nhìn đếm nấc của con nước và thở dài.  

Đến giờ ăn sáng, anh Kỷ gọi vợ kéo thùng mì tôm dự trữ ở trên góc bàn lấy 5 gói rồi chia cho 5 người trong nhà. Phúc cầm gói mì tôm xé ra cho vào miệng nhai một cách vô thức ngay trên chiếc ghế kê cao khỏi mặt nước. Ở trên gác xép, mấy mẹ con cũng mở và nhai sống mì tôm.

Anh Kỷ nói từ ngày lũ dâng đầu tiên 8-10 cả nhà đã chuyển lên gác xép sống. Trước đó anh cũng đã mua sẵn mấy thùng mì tôm dự trữ cho qua ngày lũ. Nhưng ngay cả anh cũng không thể ngờ đến hôm nay đã là ngày thứ 6 rồi mà lũ vẫn còn ngập trong nhà. Gói mì anh đưa cho ba đứa con mỗi đứa chỉ nhai được một nửa là trả lại vì ngán. "6 ngày nước lũ lên cũng là 6 ngày mất điện. Ở trên mái nhà cũng chỉ đủ chỗ cho 5 người ngồi chứ không thể bỏ bếp nấu nướng gì. Cả nhà không còn cách nào khác", anh Kỷ kể.

 

 Con gái ông Trà khuấy nước ruốc làm thức ăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Con gái ông Trà khuấy nước ruốc làm thức ăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN


Anh Kỷ cũng nói bình thường mấy đứa con mình thi thoảng cũng thích ăn mì tôm. Nên một hai ngày đầu sáng nào mỗi đứa cũng ăn hết một gói. Nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 thì cả ba đứa đều không còn muốn nhai nữa.

Ngày thứ 4 và thứ 5, anh liều lội ra ngoài rồi tìm đường lên quốc lộ cách đó hơn cây số mua cơm về cho cả nhà ăn. Nhưng mỗi lần lội lụt ngang cổ ra ngoài là một lần mạo hiểm. Nên bữa sáng của gia đình anh Kỷ vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài mì tôm sống.

Xóm anh Kỷ ở có vài chục hộ dân thì hầu như đều ngập sâu vì gần sông. Chỉ trừ một số người được đưa đi tản cư tránh lũ từ trước, còn lại đều phải chung cảnh nhai mì sống qua bữa nhiều ngày qua trên đỉnh lũ.

Nhà 7 người co cụm trên một chiếc giường

Những ngày trên đỉnh lũ, nỗi ám ảnh lớn nhất với người dân ở vùng lũ Hải Lăng là mực nước vừa thấy rút lại lên bất ngờ. Nhất là khi đêm xuống không điện, cả nhà chìm trong bóng tối.

Gia đình 7 người của ông Hồ Thanh Trà (56 tuổi) thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, Quảng Trị đã 6 ngày qua phải co ro trên một chiếc giường kê cao bằng 4 cây ghế quá cửa sổ.


 

Chiếc lò được bà Thảo kê lên cạnh bàn nước để dùng khi hết gas - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chiếc lò được bà Thảo kê lên cạnh bàn nước để dùng khi hết gas - Ảnh: ĐOÀN NHẠN



Bà Lý Thị Lệ Thảo (50 tuổi), vợ ông Trà, cuốn chiếc chiếu lên đầu giường che mớ gối đang rịn nước để có chỗ dọn mâm cơm. Trải qua 7 ngày lũ nhưng đã 4 ngày nay nhà hết gạo, thùng mì tôm cứu trợ là nguồn lương thực chính của gia đình. Người lớn còn gắng chịu, chỉ tội đứa con út bà Thảo mới lên lớp 3 và đứa cháu trai hơn 2 tuổi thèm cơm.

Đứa cháu nhỏ đút mì tôm vào miệng lại nhả ra. Hôm này hàng xóm hay tin, cho nhà ông Trà mấy lon gạo. Cây chuối bị lũ xô đổ xuống, ông Trà lội ra cắt lấy nải chuối xanh làm thức ăn. Cô con gái xắn quần cao quá bắp chân lội sì sụp xuống chỗ chiếc bàn kê bếp, khuấy thêm chén nước ruốc chan cơm. Thế là bữa cơm ngày lũ trên chiếc giường chưa đầy 3 mét vuông diễn ra nhanh gọn. Ăn xong, cả nhà lại ngồi co cụm trên giường nhìn ra mép nước trông trời ngớt mưa.

Từ ăn uống, ngủ nghỉ thậm chí vệ sinh cũng quanh chiếc giường. Xe máy chìm nghỉm trong nước. Thứ quý giá nhất lúc này là một chiếc ghe nhỏ đẩy vào sát mép giường. Ông tính toán nếu nước lên quá giường, cả nhà sẽ ngồi hết vào ghe.

Sống trên đỉnh lũ nhiều ngày, nhà ông Trà không có cách nào khác là phải hứng nước mưa để ăn uống. Chiếc xuồng được tận dụng làm nơi chứa nước mưa. Nhưng nước mưa chỉ để chống khát, không thể đảm bảo vệ sinh. "Cứ hứng xong là phải chờ để lắng cặn và chất bẩn xuống đáy rồi mới dùng", bà Thảo nói

Bà Thảo nhớ lại trận lũ trước trong xã đều có người vì lo vớt lợn, gà mà chết trong dòng lũ, những đứa trẻ hỏng chân xuống giường bị nước cuốn trôi nên bà không dám rời mắt khỏi đứa cháu.

Suốt 5 đêm rồi, đêm nào cả nhà cũng ngồi co ro trên giường. Đêm nào ông Trà cũng gần như thức trắng. Nhắm mắt lại là ông lại giật mình khi nghe tiếng mưa. "Canh con nhỏ, trông chừng nước lên thôi là đã không thể nhắm mắt nổi rồi", ông Trà nói.  

Theo QUỐC NAM - ĐOÀN NHẠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.