Sớm tháo gỡ vướng mắc cho thủy lợi Ia Mơr - Kỳ cuối: Khẩn trương xây dựng vùng tưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến thời điểm này, công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thiện các hạng mục quan trọng để có thể đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là cần chuyển đổi khoảng 7.500 ha đất rừng để có vùng tưới. Hiện địa phương đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ, rà soát và xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, tránh tình trạng công trình xây xong “đắp chiếu”, gây lãng phí nguồn lực đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.
Những vướng mắc phát sinh
Hiện nay, phần lớn diện tích vùng tưới đã được quy hoạch của công trình thủy lợi Ia Mơr đều nằm trên đất rừng. Riêng địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) có trên 7.500 ha đất rừng buộc phải chuyển đổi sang vùng tưới để tạo ra những cánh đồng lúa nước và hoa màu nhằm phát huy hiệu quả dự án. Nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách khi các hạng mục chính của công trình đã hoàn thành, 2 tuyến kênh chính Đông và chính Tây dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Vấn đề còn lại là hệ thống kênh cấp 1, kênh nội đồng và vùng tưới đều vướng vào đất rừng, đòi hỏi phải được chuyển đổi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát hồ Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Diệp
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát hồ Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tại hội nghị sơ kết công tác tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Sở Nông nghiệp và PTNT cần khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề nghị chuyển đổi diện tích đất rừng ở khu vực xã Ia Mơr để xây dựng vùng tưới. “Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ nhận hình thức kỷ luật”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
D.L

Từ năm 2017, khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, nếu chuyển đổi đất rừng phải thực hiện trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, Thông báo kết luận số 191/TB-VPCP năm 2016 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp và các mục đích khác, kể cả các công trình dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án quốc phòng-an ninh đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng chỉ đạo không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng-an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Về chủ trương chuyển đổi đất rừng thành vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mơr, Điều 20 của Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do vậy, sau khi UBND huyện Chư Prông có kết quả khảo sát diện tích rừng quy hoạch vùng tưới, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, xây dựng quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hướng dẫn lập hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất nông nghiệp để gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội thông qua.
Khẩn trương thực hiện thủ tục chuyển đổi
Trong chương trình làm việc tại Gia Lai vào tháng 9-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và tỉnh Gia Lai sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên, đồng thời đề xuất phương án chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất để công trình gần 3.000 tỷ đồng này phát huy hiệu quả cao nhất. Trên thực tế, hơn 4.000 ha đất rừng của tỉnh Đak Lak đã được chuyển đổi sang đất nông nghiệp để nhận nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr, nhưng diện tích đất rừng thuộc xã biên giới Ia Mơr của tỉnh Gia Lai vẫn chưa được chuyển đổi.
Đơn vị thi công đang tiến hành thi công hệ thống cầu máng dẫn nước của kênh Chính Đông qua những vùng trũng, thấp. Ảnh: Minh Nguyễn
Đơn vị thi công đang tiến hành thi công hệ thống cầu máng dẫn nước của kênh Chính Đông qua những vùng trũng, thấp. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Đinh Văn Khẩn-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr: “Qua rà soát, thống kê trong diện tích 10.400 ha rừng do đơn vị quản lý thì có khoảng 4.000 ha dự kiến xây dựng cánh đồng. Chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên tổ chức tuần tra quản lý, bảo vệ nhằm ngăn chặn người dân xâm lấn đất rừng trước khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất nông nghiệp. Trách nhiệm của đơn vị lúc này rất nặng nề, người dân nghe thông tin chuyển đổi thì rất dễ lén lút xâm canh, mở rộng diện tích đất nương rẫy hiện có ở khu vực này”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ vùng tưới để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 98%, chỉ còn khoảng 20 hộ vẫn chưa thống nhất đền bù, giải tỏa. Vì vậy, huyện đang triển khai quyết liệt các giải pháp để bàn giao mặt bằng kịp thời cho đơn vị thi công. Bên cạnh đó, UBND huyện đã thuê Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đẩy nhanh tiến độ điều tra, khảo sát ngoài thực địa nhằm đánh giá hiện trạng khu tưới với phạm vi thực hiện 9.665 ha. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, hơn 40 cán bộ, nhân viên của đơn vị này vẫn đang khẩn trương điều tra khảo sát để sớm có kết quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông khẳng định: “Đến thời điểm này, việc điều tra, khảo sát đã gần như hoàn thành. Hàng tuần, lãnh đạo huyện đều vào kiểm tra và báo cáo tiến độ thực hiện với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tuy vậy, do diện tích khảo sát lớn nên phải được tiến hành hết sức chặt chẽ, chính xác. Dự kiến đầu tháng 3 này, huyện sẽ lập hồ sơ gửi tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương xem xét chuyển đổi để công trình sớm phát huy hiệu quả”.
Cùng thời điểm này, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chư Prông và các đơn vị liên quan chủ động bố trí kiểm tra thực tế công tác điều tra, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành vùng tưới thủy lợi Ia Mơr. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng có văn bản yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tham mưu dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ để kịp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 5-2020.
NGUYỄN DIỆP-MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.