Sinh tồn ở nơi lạnh thấu xương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bí quyết "sống sót" khi làm việc trong kho đông lạnh đến -25oC là tập trung vào công việc và đừng nghĩ đến cái lạnh.

Nhà khoa học ở Nam Cực, chuyên gia về tuyết lở, nông dân ở bang Alaska - Mỹ, quản lý kho đông lạnh công nghiệp là những công việc lạnh nhất thế giới. Để làm việc được trong môi trường khắc nghiệt âm hàng chục độ C thì mặc ấm thôi vẫn chưa đủ mà người làm nghề cần phải có sự đam mê.

Lạnh đến khó thở

Trong chuyến đi lần thứ 3 trở lại Nam Cực, cô Madi Rosevear, 27 tuổi, làm công việc đo lường sông băng Totten để tìm hiểu cách đại dương làm tan chảy thềm băng. Cô gái trẻ đến từ bang Tasmania - Úc này cho hay rất khó nhìn thấy bất kỳ loài động vật hoang dã nào nơi đây, thậm chí là phần đá không bị tuyết phủ. Đường băng tại cơ sở nghiên cứu chỉ là băng tuyết trong khi không khí lạnh và khô (thường vào khoảng -25oC) đến nỗi có thể lập tức khiến mọi thứ mất độ ẩm và gây khó thở.

Theo cô Rosevear, ưu tiên hàng đầu của nhóm là tìm ra 6 tháp thiết bị trong tuyết được đặt trên sông băng hồi năm trước. Đó là các khung nhôm nhẹ chứa những thiết bị giám sát. Do tác động của dòng chảy sông băng nên các tháp thiết bị này di chuyển khoảng 1 km mỗi năm. Trong khi đó, thách thức lớn nhất của cả nhóm là phải giữ ấm cho đôi tay vì công việc đòi hỏi làm bằng tay trần.

Cũng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt không kém là anh Matt Bennett, 26 tuổi, trưởng nhóm đông lạnh công nghiệp tại kho đông lạnh Chiltern ở TP Peterborough - Anh. Kho đông lạnh ở đây có đến 3 lớp cửa được niêm phong và khóa kín, bất kỳ ai bước vào đây đều cảm nhận được luồng không khí lạnh từ -18 đến -25oC phả vào mặt. Nhiệt độ làm việc bên trong xuống khoảng -30oC và thỉnh thoảng còn có bông tuyết bay lơ lửng.


 

Cô Madi Rosevear (giữa) đứng cạnh hai đồng nhiệp ở trạm nghiên cứu trên sông băng Totten tại Nam Cực. Ảnh: AUSTRALIAN ANTARCTIC DIVISION
Cô Madi Rosevear (giữa) đứng cạnh hai đồng nhiệp ở trạm nghiên cứu trên sông băng Totten tại Nam Cực. Ảnh: AUSTRALIAN ANTARCTIC DIVISION



Để làm việc được trong môi trường khắc nghiệt đòi hỏi anh Bennett phải mang vớ giữ nhiệt, áo ấm, sơ mi, áo nỉ và áo khoác lông. Chưa hết, người cha 3 con này còn mặc thêm bộ áo liền quần, áo khoác chống lạnh, bốt giữ ấm, nón len, khăn choàng cổ, đồ bịt tai và nón bảo hộ. Nhà kho khá tối giống một cái hang này chủ yếu lưu trữ các loại thịt, như thịt bò, thịt cừu, gà và gà tây được chuyển đến từ khắp nơi, trong đó có Tây Ban Nha, Ý, Brazil.

Bất chấp điều kiện làm việc khó khăn, Bennett không hề nản lòng mà còn thấy thích công việc đã làm được 5 năm này. Anh Bennett tiết lộ bí quyết "sinh tồn" trong kho đông lạnh là tập trung vào công việc và đừng nghĩ đến cái lạnh.

Với chuyên môn là dự báo, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ tuyết lở trong 16 năm qua, ông Jimmy Tart, 41 tuổi, không lạ gì với môi trường làm việc lạnh thấu xương. Ông chia sẻ từng bị hạ thân nhiệt trong lúc làm việc hồi năm 2005. Khi đó, ông Tart đứng hơn một giờ trên chiếc xe bán tải ở TP Vail, bang Colorado - Mỹ trong nhiệt độ -40oC. "Tôi không ngừng run rẩy. Tay và chân cảm giác như bị đóng băng" - ông Tart, người hiện làm việc ở bang Utah, kể lại.

-52oC là chuyện thường

Công việc của ông Tart và các cộng sự là gây ra những trận tuyết lở trong tầm kiểm soát ở những khu vực có nguy cơ tuyết lở. Để thực hiện điều đó, nhóm ông Tart thường ném khoảng 1 kg chất nổ vào tuyết. Công việc của họ là giảm thiểu sự nguy hiểm của các trận lở tuyết thật sự đối với công chúng nhưng tính mạng họ đôi khi lại bị đe dọa. Một thành viên trong nhóm ông Tart suýt bị chôn vùi trong trận lở tuyết do họ gây ra hồi năm 2005.

Với ông Mikhail Etigelow, 56 tuổi, môi trường làm việc tại ngôi làng Oymyakon - Nga thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Nhiệt độ ngoài trời ở đó vào mùa đông dao động từ -20 đến -50oC. Vì thế, người đàn ông làm nghề nuôi ngựa này cho biết 100 con ngựa của gia đình ông được gây giống để mọc thêm lông vào mùa đông và có một lớp mỡ để giữ ấm cơ thể, giúp chúng sống được ngoài trời trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp.

Tuy nhiên, kiểu thời tiết này lại là chuyện bình thường đối với khoảng 1.000 người dân ở Oymyakon. Yakutsk là thành phố nằm gần làng này nhất dù khoảng cách giữa hai nơi lên đến 1.000 km. Không ai than phiền trời rét và trường học chỉ đóng cửa khi nhiệt độ xuống còn -52oC. Với người dân địa phương, việc di chuyển đến bất kỳ nơi nào khác có nhiệt độ cao hơn hoặc thời tiết dần ấm lên là điều thật sự khó khăn bởi họ dễ gặp vấn đề về sức khỏe. Tại Oymyakon, trời lạnh đến nỗi gần như không có nhiều bệnh tồn tại.


 

 Bà Renae Zackar bắt cá trên hồ Iliamna. Ảnh: GUARDIAN
Bà Renae Zackar bắt cá trên hồ Iliamna. Ảnh: GUARDIAN



Nhiệt độ tăng cũng là nỗi lo của những người dân sống tại làng Iguigig, bang Alaska - Mỹ, vốn quen sống trong môi trường lạnh có lúc xuống -45oC. Bà Renae Zackar, một phụ nữ 40 tuổi cùng chồng và 5 con sống ở một cửa sông trên hồ Iliamna - nơi thường đóng băng từ tháng 12 đến tháng 5 và được tận dụng làm đường cao tốc để sang làng khác.

Điều kiện để hồ Iliamna đóng băng là nhiệt độ -35oC kéo dài trong 1 tuần nhưng năm nay mất nhiều thời gian hơn thế. Bà Zackar cho biết ít nhất 1/2 nguồn thức ăn của gia đình đến từ các loại cá, cây trồng và động vật săn bắt được. Bên cạnh đó, họ cũng bẫy các loài động vật có lông như chó sói, hải ly, rái cá, linh miêu để lấy lông làm áo ấm cho mùa đông.

Tình trạng hồ Iliamna không đóng băng trong khoảng 2-3 mùa đông suốt 16 năm qua khiến bà Zackar không khỏi hoang mang. Theo bà Zackar, hiện tượng này đồng nghĩa người dân ở đây không thể săn bắt, bẫy động vật cũng như gặp người ở làng khác. Chưa hết, bà còn lo sợ lớp băng vĩnh cửu bên dưới ngôi nhà mình sẽ tan chảy cuốn trôi nhà cửa. Dù lạc quan mọi thứ vẫn ổn trong khoảng 20 năm tới nhưng người phụ nữ này lo ngại nơi đây sẽ biến thành sa mạc trong tương lai khi không còn mưa nhiều và ngày càng ít tuyết hơn.

 

XUÂN MAI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.