'Siêu giày chạy bộ' đang phá hủy điền kinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc đua “siêu giày chạy bộ” đang diễn ra giữa các hãng thiết bị thể thao lớn nhất. Nike vừa ra mắt sản phẩm giày Alphafly NEXT% để lại rất nhiều những đắn đo về một dòng sản phẩm sẽ phá hủy môn điền kinh chân chính nếu được sử dụng chính thức kể tại Olympic 2020.
Từ giày thời trang sang “siêu giày chạy bộ”
Cuối tuần vừa qua, Nike chính thức ra mắt phiên bản thương mại của dòng giày thể thao chuyên nghiệp với tên gọi Alphafly NEXT%, bản hoàn chỉnh của dòng giày thể thao đã từng giúp ngôi sao tốc độ Eliud Kipchoge phá sâu kỷ lục ở thử thách marathon 2 giờ.
 
VĐV Eliud Kipchoge (Kenya) vượt mục tiêu chạy marathon dưới 2 giờ tại Vienna (Áo) ngày 12/10/2019. Ảnh: AFP
Trong vài năm trở lại đây Nike nổi lên là nhà sản xuất những giày chạy “độc”, “lạ”. Với cặp đôi Nike Vaporfly 4% và Next%, hàng loạt các kỷ lục thế giới về chạy đường dài như marathon, bán marathon của cả nam và nữ lần lượt bị phá vỡ.
Gần đây nhất, tháng 10/2019, VĐV Eliud Kipchoge gây chấn động khi hoàn thành cự ly marathon trong 1 giờ 59 phút 40 giây với sự giúp đỡ tối đa của thời tiết, con người và công nghệ tại giải marathon Vienna (Áo). Trong đó, đôi giày Nike Alphafly trên chân Kipchoge trở thành tâm điểm của sự chú ý, tạo nên một cơn sóng truyền thông vô cùng lớn và phá vỡ được những điều chưa ai làm được trước đó.
Ngay sau đó, nữ VĐV người Kenya Brigid Kosgei cũng sử dụng dòng giày đế cao này để phá kỷ lục marathon nữ thế giới.
Để Eliud Kipchoge phá được cột mốc marathon 2 giờ, mọi thứ được chuẩn bị tại giải marathon diễn ra ở Vienna đều phải hoàn hảo. Từ dàn pacer vừa dẫn tốc, vừa cản gió đến chiếc xe dẫn đường có chiếu laser để đảm bảo Kipchoge chạy ở đúng tốc độ, tất cả đều được lên kế hoạch để VĐV marathon xuất sắc nhất thế giới hiện nay đạt được mục đích. Thành tích này khi ấy của dòng giày đế cao có tới 3 lớp đệm chưa được Liên đoàn điền kinh thế giới công nhận nhưng nó tạo tiền đề để Nike thay đổi một số đặc điểm của dòng giày cho phù hợp hoàn toàn với các quy tắc đặt ra và sau đó đạt được những thành công ngoài dự kiến.
Ở góc độ người dùng nghiệp dư không phải các VĐV chuyên nghiệp cũng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số người phá vỡ được kỷ lục cá nhân. VĐV Bryan Lam cũng chia sẻ đã bỏ ra tới 400 USD, số tiền gần gấp đôi giá bán chiếc giày đế cao để tham gia thử thách điền kinh marathon cho các VĐV nghiệp dư tại Washington. Kết quả, anh hoàn thành nội dung marathon với thành tích 2 giờ 59 phút 30 giây, nhanh hơn thành tích cũ của anh tới 7 phút.
Nike Vaporfly không phải là cái tên hoàn toàn mới. Nike đã giới thiệu với công chúng về dòng sản phẩm ZoomX VaporFly vào năm 2018 trong dự án Breaking2 nhằm phá vỡ giới hạn của con người trong việc chạy marathon cự ly 42.195km. Đại diện cho Nike dùng thử ZoomX VaporFly là ông vua làng điền kinh cự ly marathon Eliud Kipchoge - người đang nắm giữ kỷ lục thế giới với thời gian 2 giờ 1 phút 39 giây lập tại Berlin Marathon 2018. Alphafly là bản cải tiến của dòng Vaporfly giày thành công sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian sắp tới.
Với những thành tích này, “siêu giày chạy bộ” bắt đầu được săn đón và được sử dụng tại các sự kiện điền kinh lớn như Berlin Marathon, Chicago Marathon, Boston Marathon, New York Marathon, Tokyo Marathon,…
Siết chặt quy chuẩn về giày chạy bộ
Từ trước tới nay, giày chạy bộ dùng trong thi đấu chỉ cần đáp ứng yêu cầu không sử dụng công nghệ lò xo tăng lực đẩy. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã cho ra đời những đôi giày thực sự có thể hỗ trợ người dùng chạy tốt hơn mà không cần đến lò xo. Những tấm lót được xếp bằng các loại vật liệu tổng hợp như sợi carbon giúp trợ lực rất tốt cho người chạy. Trong đó, 3 lớp lót carbon của Nike giúp trợ lực ở mũi chân, gót chân...
Dù kết quả không được chính thức công nhận nhưng thành tích vượt kỷ lục của Eliud Kipchoge khiến điền kinh trở thành đề tài nóng trước thềm Olympic 2020. Ảnh: AP
Trong bối cảnh đó, có thể liên hệ với việc Speedo từng ra mắt bộ áo bơi liền LZR Racer nhằm giúp các VĐV vượt tốc trên đường đua xanh. Loại áo bó liền này sau đó cũng bị cấm sử dụng trong các giải đấu chính thức.
Trước sự trợ lực tối đa của công nghệ, rất nhiều VĐV, hãng giày khác yêu cầu Hội đồng Điền kinh Thế giới (WAC) tiến hành điều tra toàn diện về những đôi giày của Nike nhằm đảm bảo tính công bằng và chính trực cho môn thể thao. Một trong những yếu tố công nghệ then chốt trong những đôi giày đế cao là đĩa đệm carbon được nhắc đến khá nhiều. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, loại giày này nếu không có sự kiểm soát cũng sẽ giống như tiếp thêm doping cho các VĐV.
Sau 3 tháng, các nhóm điều tra độc lập của WAC kết luận các công nghệ mới thực sự có thể đem đến lợi thế cho VĐV, tuy nhiên nó không đủ lớn để tạo ra sự khác biệt quá lớn gây ảnh hưởng đến sự công bằng và trung thực trong thi đấu. Nhờ đó, Nike Vaporfly 4% và Next % sẽ không bị cấm sử dụng trong các cuộc thi đấu mà sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy định mới.
Mặc dù không cấm những siêu giày của Nike nhưng WAC vẫn nhân dịp này để đưa ra những quy định cụ thể hơn áp dụng cho giày chạy bộ. Động thái này nhằm đi trước tránh những tiến bộ khoa học có thể đi quá xa. Điều này cũng giống như liên đoàn xe đạp thế giới UCI đưa các quy định nghiêm ngặt về xe đạp thi đấu.
Theo đó, từ ngày 30/4/2020, tất cả những đôi giày chạy bộ sẽ phải đưa ra thị trường ít nhất 4 tháng rồi mới được dùng trong thi đấu chuyên nghiệp. Việc dùng các nguyên mẫu (prototype) sẽ không được chấp nhận.
 
Giày đế cao được giới thiệu trong tuần lễ thời trang New York diễn ra đầu tháng 2/2020. Ảnh: AP
Dưới góc độ kỹ thuật, các đôi giày chạy cũng phải đáp ứng các thông số tiêu chuẩn như phần đế không được dày hơn 40mm. Bên trong giày chỉ được phép có một tấm đệm cứng kéo dài một hoặc toàn bộ chiều dài của đế. Việc xếp chồng các tấm đệm cứng hoặc đặt chúng ở vị trí song song là không được chấp nhận. Trên thực tế, việc đặt các tấm đệm cứng xen kẽ là các lớp đệm được cho là có thể tạo ra các lò xo.
Những điều chỉnh này vẫn tiếp tục gây tranh cãi về việc tại sao lại lấy mốc 40mm khi đây được cho là điểm mấu chốt để bật đèn xanh cho loại giày công nghệ. Trong khi đó, công nghệ ngày càng khiến các môn thể thao trở nên giống đua xe công thức 1. Xe nào nhanh nhất sẽ thắng, không có chỗ cho những sai sót mang tính con người, nơi cả các VĐV nghiệp dư nhưng chăm chỉ cũng có thể tạo đột phá.
Nike sau những điều chỉnh đã ra mắt giày Nike Air Zoom Alphafly Next% mới có 1 tấm lót carbon theo dọc chiều dài của giày với 2 đệm công nghệ Zoom Air ở hai bên của gót giày được nhà sản xuất khẳng định “cải thiện bước chạy và hiệu quả của quá trình chạy”. Ít đệm carbon, kéo đế giày mỏng 39,5mm trong mức độ phù hợp với các quy định chung.
Nike cũng khẳng định dòng sản phẩm này cải thiện hoàn toàn đáp ứng được tính hợp pháp của các quy định từ các cơ quan quản lý điền kinh. Không những thế, Nike còn sẵn sàng ra dòng sản phẩm đế dày này cho các cự ly ngắn từ 100m.
Cuộc tranh luận về Alphafly đã đưa điền kinh trở lại vị trí tâm điểm của sự quan tâm của người hâm mộ, điều từ sau khi Bolt giải nghệ đã trở thành hiếm hoi. Và chắc chắn dòng giày mới thời trang hơn, công nghệ hơn vẫn sẽ còn được nói đến một thời gian nữa.
Với nền tảng luật mới, sẽ ngày càng có nhiều nhà sản xuất thiết bị thể thao chạy đua phát triển giày công nghệ như dòng Adizero Pro của Adidas. Chắc chắn các kỷ lục điền kinh sẽ chính thức bị phá trong thời gian sắp tới.
Minh Thy (Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

(GLO)- Chiều 5-12, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết sẽ tiến hành tuyển sinh cầu thủ trẻ tại Gia Lai nhằm tìm kiếm lứa cầu thủ kế cận cho đội bóng thông qua sự kiện Festival “Chiến binh tương lai HAGL”.

Nữ võ sĩ 15 tuổi lên tuyển trẻ quốc gia

Nữ võ sĩ 15 tuổi lên tuyển trẻ quốc gia

(GLO)- Ngay từ khi còn nhỏ, em Hà Thị Anh Minh (SN 2009, làng Mook Trê, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã phải chịu bao vất vả, khó khăn. Song với nghị lực cùng sự quyết tâm, nữ võ sĩ 15 tuổi này đang là một trong những tài năng trẻ của Taekwondo Gia Lai cũng như đội tuyển trẻ quốc gia.