Sẽ không ngồi nhầm lớp nếu người thầy có cái tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tôi cũng đã từng có thời gian đứng trên bục giảng, cũng đã từng phụ trách lớp gần cuối cấp có sĩ số học sinh gần 60 em. Lớp tôi cũng đăng ký thi đua, cũng có học sinh học kém, cũng có nhiều học sinh nói chuyện lẫn quậy phá trong giờ lên lớp.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Cứ mỗi lần tôi quay lưng viết bài trên bảng đen là cả lớp biến thành cái chợ. Thậm chí có những học sinh nam ngồi những bàn học cuối lớp chọc phá nhau rồi đánh nhau ngay trong lúc tôi giảng bài. Lớp tôi cũng đã từng có những học sinh không những không thuộc bảng cửu chương mà còn “tù mù” các phép tính cộng trừ dù các em đang học lớp cuối cấp bậc tiểu học. Tôi cũng đã từng bị những giáo viên dạy các lớp học liền kề phàn nàn: “Lớp thầy T. như một cái chợ làm ảnh hưởng lớp thầy A, cô B”. Tôi cũng đã có những sáng kiến ổn định lớp nhưng bước đầu tất cả đều vô hiệu.

Và tôi cũng đã từng được ông Ủy viên thư ký UBND xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An) P.D.K. cho phép: “Thầy cứ mạnh tay đánh thằng T., cái thằng cháu ngoại ngỗ nghịch này. Tôi nói nó chẳng nghe lời, tôi rất cám ơn thầy”.

Thời gian đó tôi vừa tốt nghiệp khóa sư phạm tỉnh Long An, vẫn còn độc thân. Nhưng đối với các em học sinh ngỗ nghịch, tôi đã không làm như lời ông ngoại em T. Một là không nỡ, hai là tôi bị ám ảnh câu nói: Không có học sinh dốt, học sinh quậy phá mà chỉ có thầy giáo kém hiểu biết. Xin được mở ngoặc đơn, hiểu biết ở đây là chưa thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, tâm sinh lý của học sinh của mình.

Thật lòng mà nói, lúc đó tôi không cảm thấy buồn lòng mà luôn đau đáu “vắt óc, moi tim” ra, để có một biện pháp nào "trừ” được bệnh “nói chuyện trong lớp” và “vực dậy” những học sinh cá biệt bị “đùa” từ lớp dưới lên lớp trên mỗi năm, bắt đầu từ lớp 1.

Tôi phát hiện ra một nguyên nhân cốt lõi là các em chưa học tốt là vì các em chưa “đam mê” trong học tập.

Đó là lý do chính xảy ra cớ sự trong giờ học. Tôi nghĩ rằng, chỉ có tìm mọi cách bằng tình yêu thương, thấu hiểu, khoan dung và độ lượng với các em để đưa các em về “đam mê” học tập mới có thể giải quyết được tất cả.

Quyết tâm như vậy, tôi bắt đầu “gần gũi” với các em hơn. Tôi đi dạy sớm hơn, giờ ra chơi tôi không lên văn phòng như bao giáo viên khác, mà ở lại với các em có khi trên bục giảng, có khi ngồi ở hiên trường để tâm sự với các em: “Em nào không biết làm toán cộng, em nào không biết làm toán trừ, toán nhân, em nào không thuộc bảng cửu chương… lấy tờ giấy nháp ra đây thầy dạy cho”.

Ban đầu chỉ vài em, nhưng sau đó thì hầu như em nào không thuộc, không biết làm toán đều tự mình đến với tôi. Các em đến với tôi một cách thật tự nhiên và hồ hởi. Tất nhiên thân thiết như thế tôi cũng có đôi lần bị cô hiệu trường phê phán: “Trường gần dân, trò gần thầy gần trò là tốt; nhưng thầy thân thiết với học sinh như vậy tôi sợ rằng có ngày trò không ra trò, thầy không ra thầy đó”.

Chỉ hơn 2 tháng sau, lớp 5/3 của tôi làm cho cả Ban Giám hiệu cũng như tập thể trường ngạc nhiên. Cô Hiệu Trưởng P.T. Đ nói : “Thầy làm một việc mà tôi không thể ngờ!”. Cuối năm kết quả lớp vượt khỏi niềm mong ước của tôi và tôi không thể nào quên kết quả học tập lớp 5/3 năm học 1983-1984 cho đến bây giờ.


Nhà trường, thầy cô giáo bao giờ cũng là một người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, giáo dục. Nghề giáo bao giờ cũng là một nghề đặc thù so với nhiều nghề khác, nên đòi hỏi cần có những phẩm chất cao đẹp mà đôi khi những nghề khác chưa cần đến. Chính sự quan tâm, thấu hiểu, bao dung, độ lượng và đôi khi cần cả sự hy sinh là những phẩm chất cao đẹp, là nền tảng kiến tạo một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ cho nhiều thế hệ tương lai: dạy người thông qua dạy chữ.

Bao giờ nghề giáo còn mang lại nhiều đam mê cho nhiều người, bao giờ các trường đào tạo giáo viên và trường học dạy trẻ là một “cửa ải” khó vượt qua cho những ai mang niềm đam mê đó.

Và bao giờ khi nói đến người thầy cô giáo là mọi người “giỡ nón” kính phục; ngày ấy giáo dục ta sẽ không còn “bệnh thành tích” nữa. 

Theo TÚ NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.