Sẽ còn là ký ức về bến phà Tắc Cậu-Xẻo Rô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là lần thứ 4 tôi đi qua nơi ấy-bến phà Tắc Cậu-Xẻo Rô. Nhưng ở lần sang sông này, trong tôi lại xuất hiện những cảm nhận rất khác. Một chút gì đó băn khoăn, tiếc nuối, rằng, liệu tôi có còn được đặt chân lên phà sang bến trong lần về miệt thứ tiếp theo khi mà chúng sắp sửa hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình…

Chuyến phà về miệt thứ

Từ TP. Hồ Chí Minh về Cà Mau, tôi đến bến phà Tắc Cậu-Xẻo Rô (thuộc tỉnh Kiên Giang) khi trời đã ngả chiều. Những tia nắng cuối ngày chiếu rọi xuống mặt sông ánh lên sắc vàng lấp lánh giữa lăn tăn sóng. Những khóm lục bình mồ côi trôi dật dờ rồi dạt sát vào bờ, nối đuôi nhau tạo thành một tấm thảm xanh trên mặt nước. Xa xa, bên cạnh những chiếc ghe, xuồng của người dân là các con phà đang làm nhiệm vụ đưa đón khách vượt sông Cái Bé, Cái Lớn từ bờ Tắc Cậu sang bờ Xẻo Rô và ngược lại. Tiếng máy nổ, tiếng chuyện trò của khách đợi phà, tiếng sóng vỗ… hòa lẫn vào nhau, tạo nên thứ âm thanh đặc trưng và có phần hối hả nơi bến phà lúc chiều tà.
 

Quang cảnh bến phà nhìn từ bờ Tắc Cậu. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh bến phà nhìn từ bờ Tắc Cậu. Ảnh: Hồng Thi

Phà Tắc Cậu-Xẻo Rô nối liền huyện Châu Thành và huyện An Biên của tỉnh Kiên Giang. Đây là bến phà duy nhất ở miền Tây Nam bộ phải vượt qua hai con sông và chạy dọc một đoạn kênh. Đầu bờ Tắc Cậu cách bờ Xẻo Rô tầm hơn 2 km, riêng đoạn kênh Lộc Tắc nối liền hai con sông Cái Lớn, Cái Bé qua cồn Vĩnh Hòa Phú dài khoảng 200 mét.

Cứ khoảng 5-10 phút lại có một chuyến phà cập bến Tắc Cậu hoặc Xẻo Rô để đưa khách sang sông. Cả người cùng xe máy, ô tô, xe đạp… đều hối hả lên phà. Mấy cô bán nước uống, đồ ăn như: bắp luộc, bánh bông lan, bánh mì, nem, chả… cũng tranh thủ chào hàng mời khách bằng cái chất giọng miền Nam ngọt như mía lùi của mình.

Nhanh chân bước lên phà, nhưng lần này tôi không tìm cho mình một chỗ ngồi ổn định mà đứng bên hông phà tranh thủ ngắm mọi thứ xung quanh. Rồi men theo chiếc thang sắt chắc chắn, tôi nhanh chân tiến lên tầng trên, cố tìm và bắt chuyện với một nhân viên nào đó trên chuyến phà. Anh Trương Quyết Chiến-Tổ trưởng tổ lái hôm ấy đã tâm sự cho tôi nghe rất nhiều về những câu chuyện buồn vui trong nghề lái phà cũng như những kỷ niệm gắn bó của anh với cái bến phà này. “Quy luật con nước lớn ròng hay thời tiết khắc nghiệt, thuận lợi thế nào, anh em tụi tui đều thuộc nằm lòng, lúc nào cũng cố gắng làm sao đưa khách sang sông một cách an toàn và nhanh nhất. Tụi tui trải nghiệm với sông nước cùng cái nghề lái phà này đã nhiều năm rồi mà”-anh Chiến vui vẻ nói.
 

1
 Phà cập bến. Ảnh: Hồng Thi

Rời phà lên bờ Xẻo Rô là coi như đã đặt chân đến vùng miệt thứ. Có lẽ cụm từ “chuyến phà về miệt thứ” mà những người khách phương xa vẫn hay dùng khi nói đến phà Tắc Cậu-Xẻo Rô cũng sinh ra từ đó. Miệt thứ là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Toàn bộ miệt thứ trải dài trên 30 km kể từ sông Cái Lớn tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15 km tính từ bờ biển vào đất liền. Người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch đặt tên cho địa bàn, lần lượt là Thứ Hai, Thứ Ba… tới Thứ Mười Một. Lần hồi những “thứ” ấy được ráp với “miệt” (giống như miệt đồng, miệt vườn) trở thành “miệt thứ”.

Khang trang một cây cầu

Thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp tứ hướng, nhiều người trên chuyến phà tò mò ngó nghiêng nhìn. Một người đàn ông lớn tuổi, dáng người gầy, gương mặt khắc khổ nhưng đôn hậu, vẫy tay gọi tôi lại ngồi cùng với một ánh nhìn cực kỳ ấm áp. Tôi hỏi tên ông, ông cười bảo, cứ gọi ông là ông Sáu cũng được, vì mọi người vẫn hay gọi ông như thế. Nhà ông ở Thứ Mười Một, thuộc ấp Thành Phụng, xã Đông Hưng, huyện An Minh (Kiên Giang). Rồi khi biết tôi từ tận mảnh đất Gia Lai xa xôi xuống đây, ông Sáu mỉm cười và bảo: “Con tranh thủ mà chụp đi, chứ sau này chưa chắc con còn được ngồi phà mà ghi hình sông nước nơi này nữa đâu”.

Nói rồi, ông liền chỉ tay về phía xa xa đối diện. Dõi theo tay ông, ẩn hiện sau những rặng dừa nước xanh rì, tôi trông thấy một cây cầu đang xây dựng dở dang. Phà càng chạy tới, hình dáng cây cầu ấy càng hiện ra rõ nét. Ông Sáu nói rằng, đó là cây cầu Cái Lớn-Cái Bé dài hơn 1.200 mét, một trong số 12 cây cầu trên tuyến đường Minh Lương-Thứ Bảy, thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam, nối liền Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, được khởi công xây dựng cách đây hơn 2 năm (5-2011). “Xem trên ti vi nghe họ nói tiền đầu tư cho cái dự án này cả mấy trăm triệu đô la lận, dự tính là xây trong vòng 3 năm, tức năm sau là dân có cầu đi rồi”-ông Sáu bộc bạch.
 

Niềm mơ ước của người dân đôi bờ dần thành hiện thực. Ảnh: Hồng Thi
Niềm mơ ước của người dân đôi bờ dần thành hiện thực. Ảnh: Hồng Thi

Thế nhưng sau sự mừng vui, phấn khởi trước một cây cầu từ lâu mơ ước đang dần thành hình, ông Sáu cũng không giấu khỏi nỗi niềm tiếc nuối. Với những người đã gắn bó lâu năm với bến phà này như ông đều cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến việc phải chia tay nó. Chỉ một thời gian ngắn nữa, khi tuyến đường Minh Lương-Thứ Bảy hoàn thành, sẽ có nhiều cây cầu vượt sông, cư dân đôi bờ cũng sẽ đi lại dễ dàng, thông suốt. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, những chuyến phà nơi đây sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình sau bao “năm dài tháng rộng” đưa đón khách sang sông.

Rồi đây, cũng giống bao bến phà khác ở miền Tây Nam bộ như Rạch Miễu, Cần Thơ, Mỹ Thuận… bến phà Tắc Cậu-Xẻo Rô sẽ dần chìm vào quên lãng và chỉ còn là kỷ niệm cho mỗi lần nhắc nhớ khi ký ức ùa về…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.