Sau cái "bắt tay" với THACO, công ty của Bầu Đức giờ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tròn một năm sau ngày “đính ước tỷ đô” với THACO, bức tranh tài chính của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) đã được cải thiện rõ nét khi áp lực vay và dòng tiền đã dần trở nên cân đối hơn.
 
HAGL của Bầu Đức và Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương đã có sự gắn kết chặt chẽ sau 1 năm (Ảnh: CafeF) 
Gần đây, chiến lược của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thay đổi mạnh khi HAGL muốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực cây ăn trái, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp và trở thành một trong những đế chế nông nghiệp tại châu Á với sự “tiếp sức” của THACO. Quyết tâm của bầu Đức đã phần nào thể hiện qua việc HAGL mạnh tay tất toán mảng bất động sản, bò, thủy điện… và chỉ tập trung kế hoạch phát triển vào nông nghiệp.
Những cam kết của THACO được thực hiện ra sao?
Tròn một năm trước, tại lễ ký kết hợp tác chiến lược với HAGL, phía THACO đã cam kết đầu tư, rót vốn hỗ trợ bầu Đức giải quyết khó khăn về dòng tiền, tái cơ cấu nợ,… với khoản tiền lên tới gần 1 tỷ USD. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng “đính ước tỷ đô” này khó có thể thành hiện thực, hoặc chính THACO đang nhắm tới quỹ đất “khủng” của Bầu Đức. Những nghi ngờ này không phải là vô căn cứ khi HAGL là tập đoàn “có máu mặt” ở lĩnh vực đất đai khi sở hữu quỹ đất hơn 80.000 ha, nằm tại khu tam giác phát triển bao gồm Tây Nguyên (Việt Nam), Nam (Lào) và Đông Bắc (Campuchia).
Tuy nhiên, ngay sau khi “bắt tay” với Bầu Đức, THACO đã ngay lập tức thể hiện cam kết của mình bằng việc bỏ ra 7.800 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu và nghiệp vụ mua cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35%.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi tỷ phú Trần Bá Dương chi 1.000 tỷ mua vào 50 triệu cổ phiếu HNG, nhóm THACO đã hoàn tất sở hữu trên 35% vốn tại HAGL Agrico (gồm Chủ tịch Trần Bá Dương  nắm 80 triệu cổ phiếu, THACO và Trân Oanh (308,02 triệu cổ phiếu), ông Nguyễn Hùng Minh - Phó Chủ tịch THACO  nắm 5 triệu cổ phiếu. Tổng sở hữu nhóm THACO lên đến 393,02 triệu đơn vị, tương đương gần 35,5% vốn HAGL Agrico).
Không chỉ vậy, “cánh tay nối dài” của Thaco là Công ty Đại Quang Minh cũng đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để sở hữu đến 65% vốn tại HAGL Myanmar.
Thực tế, dự án Myanmar được đánh giá là rất tiềm năng (Giai đoạn 1 dự án gồm 2 tòa nhà văn phòng diện tích 80.000 m2, 1 trung tâm thương mại có diện tích 36.000 m2 và 1 khách sạn 5 sao Melia với 420 phòng đã đi vào hoạt động. Trong đó, văn phòng cho thuê đã khai thác trên 60% diện tích, trung tâm thương mại lấp đầy 100% diện tích, khách sạn 5 sao Melia đạt công suất phòng trung bình 50-60%). Tuy nhiên, bước vào giai đoạn 2, phía HAGL không đủ khả năng tài chính để tiếp tục khai thác và phía Đại Quang Minh đã đầu tư vào dự án này. 
Chưa kể, THACO cũng cam kết hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay hơn 14.000 tỷ cho bầu Đức…
 
Nông trường chuối của HAGL (Ảnh: HAGL Agrico)
Tất nhiên, đi kèm với việc đầu tư vào các dự án của bầu Đức của THACO là việc “thay máu” nhiều nhân sự chủ chốt tại HAGL Agrico. Tính đến thời điểm hiện tại, HAGL Agrico thay thế 2 thành viên HĐQT, 6 phó tổng, 1 thành viên Ban kiểm soát và Kế toán trưởng.
Chưa kể, mới đây nhất, HAGL Agrico tiếp tục bầu ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch THADI (Công ty Cổ phần Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp) - làm Thành viên HĐQT, thay thế ông Nguyễn Hùng Minh để tập trung chuyên môn.
Cũng cần nói thêm về THADI, đây là doanh nghiệp được THACO thành lập ngày 18/3/2019, với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, đăng ký tại Khu Kinh tế mở Chu Lai để thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp của THACO bao gồm: Nghiên cứu phát triển; nông trường mẫu và khu chăn nuôi mẫu thực nghiệm, sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học; nhà máy chế biến trái cây; phân phối xuất khẩu trái cây cao cấp cho các thị trường nước ngoài…
Cổ đông góp vốn tại THADI gồm THACO (70%), ông Trần Bá Dương (19%) và ông Đỗ Xuân Diện (11%). Trong đó, ông Diện là Chủ tịch HĐQT của THADI, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico.
Sau khi THADI thành lập không lâu, HNG công bố Nghị quyết thông qua chuyển nhượng toàn bộ 99,875% vốn góp tại công ty con - Công ty TNHH Đông Pênh cho THADI. Kế đến, vào tháng 6/2019, HNG cũng lên kế hoạch việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển cao su Đông Dương cho THADI.
Động thái này dẫn đến hoài nghi, HAGL đang bán hàng ngàn ha đất (khoảng 20.000 ha) cho THACO, thậm chí việc THACO thành lập THADI lâu dài sẽ ảnh hưởng đến HAGL Agrico. Tuy nhiên, trả lời thẳng thắn với báo giới, Bầu Đức cho rằng, việc chuyển nhượng 2 công ty con chỉ là chuyển nhượng doanh nghiệp nhằm thu dòng tiền trả nợ đến hạn mà thôi.
“Bức tranh tài chính” các DN của bầu Đức ra sao?
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2019 của HAGL, tổng vay nợ (ngắn và dài hạn) của DN này là 17.628 tỷ đồng, giảm 4.126 tỷ so với đầu kỳ, riêng nợ vay dài hạn giảm đáng kể từ 14.804 tỷ về 11.240 tỷ đồng. Tương tự, HAGL Agrico cũng ghi nhận tổng nợ vay 12.218 tỷ đồng, giảm 3.212 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 9.551 tỷ xuống còn 5.124 tỷ đồng, ngược lại áp lực nợ đến hạn lại tăng khi vay ngắn tăng 1.216 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, áp lực mất cân đối tài chính vẫn còn đè nặng lên các DN của bầu Đức khi hệ số nợ trên vốn vẫn còn tương đối cao, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu.
 
Ý kiến kiểm toán về ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 đối với HAG
Đặc biệt, tính đến ngày 30/6, HAGL có tổng cộng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng là 8.527 tỷ đồng. Trong đó, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của HAGL với số dư nợ tồn đọng 2.549 tỷ đồng. Nhóm nợ tồn đọng có số dư lớn nói trên hiện được bảo lãnh bởi tài sản riêng của Bầu Đức và tài sản của một số công ty cùng cá nhân liên quan khác.
Doanh thu thuần của HAGL sau 6 tháng đầu năm là 923 tỷ đồng, song mức lỗ sau thuế bị điều chỉnh tăng từ 691 tỷ lên 706 tỷ. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán lại đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ với hoạt động của HAGL. Cụ thể, kiểm toán cho biết, nếu trích lập dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 20, HAGL của bầu Đức sẽ phải hạch toán khoản lỗ ròng 6 tháng đầu năm tăng thêm 491 tỷ đồng.
“Nếu HAGL ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán bán niên 2019, chỉ tiêu thu nhập khác sẽ giảm 335 tỷ trong khi chỉ tiêu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 155 tỷ. Khi đó, lỗ trước thuế của HAGL sẽ tăng thêm 335 tỷ, còn lỗ sau thuế tăng thêm 491 tỷ”, đơn vị kiểm toán đánh giá.
 
 Giải trình của HAGL liên quan đến ý kiến ngoại trừ của kiểm toán 
Cũng rơi vào trường hợp tương tự bởi Nghị định 20, sau soát xét, doanh thu HNG đạt 781 tỷ đồng, tăng 2 tỷ so với báo cáo tự lập nhưng giá vốn tăng 16 tỷ lên 549,6 tỷ. Do đó, công ty tăng lỗ thêm 14 tỷ đồng lên 751,6 tỷ. Đồng thời, kiểm toán cũng đưa kết luận ngoại trừ rằng nếu công ty thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế TNDN thì chỉ tiêu thu nhập khác sẽ giảm 192,4 tỷ và chi phí thuế TNDN hiện hành sẽ tăng 59,8 tỷ đồng. Theo đó, lỗ trước thuế và sau thuế sẽ tăng tương ứng 192,4 tỷ và 252,2 tỷ đồng.
Hiện, HAGL đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xem xét điều chỉnh hay thay đổi Nghị định này cho phù hợp nhưng vẫn chưa có kết quả.
Điểm sáng của các DN nhà bầu Đức trong 1 năm qua là đã mua lại trái phiếu trước hạn từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để cơ cấu lại nợ.
Cụ thể, HAGL mua lại 1.120 tỷ đồng hai loại trái phiếu đáo hạn vào cuối 2020 và 2021. Công ty con HAGL Agrico cũng mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu cũng đáo hạn vào cuối  2020 và 2021.
Trước đó, HAG cũng đã chi hơn 625 tỷ đồng (gần 27 triệu USD) để mua lại trước hạn toàn bộ 594 triệu trái phiếu (tương đương 594 tỷ đồng) không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, phát hành ngày 25/8/2015 và đáo hạn 27/12/2021 từ VPBank.
Như vậy, tổng cộng, các công ty của Bầu Đức đã mua lại 3.500 trái phiếu trước hạn từ VPBank.

Hiện, doanh nghiệp của Bầu Đức không còn nợ trái phiếu đối với VPBank nhưng vẫn còn trái phiếu của BIDV, HDBank, CTCP Việt Golden Farm, VietCapitalBank.

Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.