SARS-CoV-2 có thể hoạt động lâu hơn thời gian cách ly được khuyến nghị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi nhiều nước giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19, các nhà nghiên cứu Brazil phát hiện rằng mất trung bình 1 tháng để kết quả xét nghiệm của người bệnh có thể trở về âm tính.
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu tím) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu tím) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Qua quan sát một nhóm bệnh nhân COVID-19, các nhà nghiên cứu Brazil phát hiện rằng mất trung bình 1 tháng để kết quả xét nghiệm của người bệnh có thể trở về âm tính.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí y học Frontiers in Medicine trong bối cảnh nhiều nước giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 xuống còn 7, 10 hay 14 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính.
Nghiên cứu trên cũng tái khẳng định vai trò của tiêm phòng, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trong phòng dịch.
Trong số 38 bệnh nhân được quan sát, có 3 bệnh nhân vẫn phát hiện được virus sau hơn 70 ngày.
Đáng chú ý là ở một ca nam 38 tuổi, có các triệu chứng nhẹ trong 20 ngày, virus tiếp tục được phát hiện trong người và tiếp tục sinh sôi trong 232 ngày.
Nếu người này không tiếp tục được chăm sóc y tế, duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, người này có thể đã lây lan virus trong suốt 7 tháng.
Các bác sỹ theo dõi 38 bệnh nhân trên cơ sở hằng tuần, trong thời gian từ tháng 4-11/2020, phối hợp với Nền tảng khoa học USP - Pasteur, một đối tác giữa Viện Pasteur của Pháp và Đại học Sao Paulo (USP) và Quỹ Oswaldo Cruz Foundation (Fiocruz) tại Brazil.
Các bệnh nhân được theo dõi cho đến khi có xét nghiệm PCR âm tính 2 hoặc 3 lần liên tiếp.
Tác giả của nghiên cứu, ông Marielton dos Passos Cunha cho biết: "Trong số 38 ca được theo dõi, 2 người đàn ông và hai phụ nữ là những ca nhiễm không điển hình, vì virus được phát hiện liên tục trên cơ thể họ trong hơn 70 ngày. Dựa trên kết quả này, chúng tôi có thể nói rằng khoảng 8% người nhiễm có thể truyền virus cho người xung quanh trong hơn 2 tháng, dù không có triệu chứng trong giai đoạn cuối."
Một trong các điều phối viên tại Nền tảng khoa học USP - Pasteur, Paola Minoprio cho biết: "Chúng tôi đã muốn biết liệu giai đoạn 14 ngày có thực sự đủ để virus không còn bị phát hiện. Chúng tôi đã kết luận rằng không phải như vậy. Có thể cần 1 tháng để một bệnh nhân chuyển về âm tính và trong một số trường hợp trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân vẫn dương tính trong 71-232 ngày."
Đây không phải bằng chứng đầu tiên cho thấy virus có thể vẫn hoạt động lâu hơn chúng ta nghĩ, dù bệnh nhân chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Đầu năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Viện Y học nhiệt đới của Đại học Sao Paulo (IMT-USP) ở Brazil đã phân tích 29 mẫu dịch mũi hầu của bệnh nhân đã có xét nghiệm dương tính vào ngày thứ 10 kể từ khi có triệu chứng.
Kết quả cho thấy trong 25% trường hợp, virus trong các mẫu phẩm vẫn có thể lây nhiễm vào các tế bào và sinh sôi trong ống nghiệm. Như vậy, về lý thuyết, người khác có thể nhiễm nếu tiếp xúc với giọt bắn nước bọt của các bệnh nhân này.
Nguy cơ nói trên dường như lớn hơn ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.
Trong một tài liệu công bố tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu của trường Y thuộc Đại học Sao Paulo (FM-USP) đã mô tả một ca nhiễm kéo dài ít nhất 218 ngày.
Bệnh nhân khoảng 40 tuổi và đang điều trị bệnh ung thư trước khi mắc COVID-19.
Đầu tháng 12/2020, một bài báo đăng trên nhật báo Y tế New England ghi nhận một ca là nam giới 45 tuổi, có hệ miễn dịch kém, đang mắc bệnh rối loạn máu tự miễn dịch, có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong 143 ngày.
Trong một bài báo đăng trên Cell cuối tháng 12/2021, một nghiên cứu về ca mắc bệnh bạch cầu ở nữ cũng ghi nhận virus SARS-CoV-2 tiếp tục sinh sôi ít nhất 70 ngày, dù bà không có triệu chứng nào của COVID-19.
Trong tuần này, Bộ Y tế Brazil đã giảm thời gian khuyến nghị tự cách ly từ 10 xuống 7 ngày đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, và xuống còn 5 ngày đối với bệnh nhân không có triệu chứng nếu có xét nghiệm âm tính.
Cuối năm 2021, Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cắt giảm khuyến nghị cách ly từ 10 xuống 5 ngày đối với các ca không có triệu chứng, với điều kiện tiếp tục đeo khẩu trang và có xét nghiệm âm tính.
Trong nghiên cứu mới nhất nói trên, sự khác biệt thời gian virus hoạt động giữa nam và nữ là không lớn (trung bình là 22 ngày ở nữ và 33 ngày ở nam giới).
Đối với 3 ca không điển hình, virus vẫn được phát hiện sau 71 ngày ở nữ và 81 ngày ở một trong hai người đàn ông. Tất cả đều ghi nhận triệu chứng nhẹ.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montevideo, Uruguay. Ảnh: AFP/TTXVN
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montevideo, Uruguay. Ảnh: AFP/TTXVN
Trường hợp ca có xét nghiệm dương tính trong 232 ngày, sau đó có 3 lần xét nghiệm âm tính, vốn là một bệnh nhân HIV/AIDS từ năm 2018 nhưng tải lượng virus không đủ cao để máy phát hiện, vì ông đang điều trị bằng thuốc kháng virus.
Ông Minoprio cho biết: "Việc bệnh nhân nói trên dương tính với virus HIV không có nghĩa là không có nguy cơ nhiễm các bệnh khác. Khả năng bệnh nhân phản ứng với một sự lây nhiễm khác tương tự như mọi người và thực tế là ông đã phản ứng với SARS-CoV-2 khi nhiễm. Bệnh nhân này không thuộc loại suy giảm miễn dịch như các bệnh nhân ung thư hoặc người ghép tạng."
Nền tảng khoa học USP- Pasteur đang tiếp tục nghiên cứu các trường hợp này và nhiều trường hợp khác để có đánh giá trên quy mô rộng hơn.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.