Sản xuất thực phẩm dinh dưỡng granola: Hướng đi nhiều tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Gần đây, nhiều người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng các sản phẩm granola-hỗn hợp các loại thực phẩm lành mạnh từ thiên nhiên. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến các loại thực phẩm dinh dưỡng granola.

Granola là loại thực phẩm sạch, lại tiện lợi khi mang theo bên mình, giúp người dùng không mất thời gian chế biến như các loại ngũ cốc xay làm thức uống. Do đó, gần đây, loại thực phẩm dinh dưỡng này được khách hàng ưa chuộng. Chị Phạm Thị Bình-Chủ một cơ sở sản xuất granola ở xã Ia Vê (huyện Chư Prông) chia sẻ: “Thành phần làm granola có đến gần một nửa nguyên liệu sẵn có tại Gia Lai như hạt điều, hạt mắc ca, xoài sấy, mật ong, còn lại là nhập từ những đại lý có uy tín”. Theo chị Bình, granola đã được sử dụng phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ từ rất lâu. Hơn 1 năm nay, người dân Gia Lai bắt đầu dùng nhiều. Cơ sở của chị đang làm 2 loại đóng hộp gồm: một loại từ hạt tự nhiên sấy giòn và một loại sấy phủ mật ong. Ngoài ra, cơ sở đang làm thêm bánh gạo lứt, bánh rong biển để tạo sự đa dạng. Vì là sản phẩm mới nên sản lượng tiêu thụ chưa nhiều. Hy vọng trong tương lai, các sản phẩm này sẽ phổ biến hơn nữa.

Sản phẩm từ granola được các cơ sở ở Gia Lai sản xuất rất phong phú từ hạt đóng hộp đến các loại bánh. Ảnh: V.T

Sản phẩm từ granola được các cơ sở ở Gia Lai sản xuất rất phong phú từ hạt đóng hộp đến các loại bánh. Ảnh: V.T

Cũng tận dụng một số nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chị Phạm Thị Hạnh (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã chế biến sản phẩm granola để phục vụ người tiêu dùng. Năm 2018, chị Hạnh khởi nghiệp với sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng. Sau một thời gian sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn về sản phẩm, bột ngũ cốc của cơ sở đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau này, cơ sở làm thêm một số loại trái cây sấy. Gần đây, cơ sở đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và máy móc để làm sản phẩm granola. “Với các loại hạt chủ đạo, qua mỗi mẻ làm, tôi thử nhiều công thức với gia vị khác nhau, không dùng chất phụ gia để tạo ra hương vị riêng. Cơ sở có sẵn nguồn khách hàng dùng bột ngũ cốc trước nên việc phát triển thị trường tương đối thuận lợi. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, tôi đang tìm tòi thử làm thêm một số sản phẩm và tiến tới xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm”-chị Hạnh cho biết.

Granola là sự kết hợp từ các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng như: mắc ca, hạnh nhân, điều, óc chó, bí xanh, yến mạch cùng với các loại trái cây sấy như nho khô, dừa, xoài, nam việt quất. Tất cả các loại này được nướng giòn vị nguyên bản hoặc được nướng phủ mật ong. Hiện nay, giá bán sản phẩm granola dao động ở mức 230-350 ngàn đồng/kg. Sản phẩm phong phú từ dạng hạt đóng hộp đến các loại bánh như thanh cơm gạo lứt, thanh rong biển, thanh ngũ cốc, rong biển kẹp hạt, bánh thuyền, bánh đồng tiền... Chị Nguyễn Trần Mỹ Duyên (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi dùng granola để bổ sung dinh dưỡng cho bữa sáng và giảm cân. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, tôi giảm lượng tinh bột và đạm, thay vào đó dùng thêm granola. Loại hạt này có thể ăn không hoặc kết hợp với một số trái cây tươi như bơ, chuối và ăn kèm với sữa chua rất ngon. Bên cạnh hạt đóng hộp thì còn có bánh granola để đem theo khi cần nên rất tiện lợi”.

Theo bà Phan Thị Ánh Nhung-Chủ cửa hàng Hồng Nhung (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku), thời gian gần đây, một số nhà phân phối trong và ngoài tỉnh đã chào hàng nhiều sản phẩm granola. Sản phẩm chất lượng, nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên được khách hàng lựa chọn. Xu hướng tiêu dùng bắt đầu giảm dần các thực phẩm nhiều đường qua chế độ dinh dưỡng từ các loại hạt. Dịp Tết vừa qua, người dân ít mua các loại mứt, bánh ngọt mà chuyển qua mua các loại granola. Các sản phẩm nhập ngoại có giá tương đối cao, còn các sản phẩm sản xuất trong nước, nhất là tại Gia Lai, chất lượng được đánh giá tốt mà giá lại mềm hơn nên khách rất chuộng.

Có thể bạn quan tâm

Mua nhanh sắm vội

Mua nhanh sắm vội

Shoppertainment là danh từ được ghép từ shopper (người mua sắm) và entertainment (sự giải trí), theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, danh từ này để chỉ xu hướng “chốt đơn” trực tuyến của nhiều người, nhất là người tiêu dùng trẻ thông qua hoạt động giải trí.
Việt Nam chi 69,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu

Việt Nam chi 69,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu

(GLO)- Mặc dù là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn trên thế giới nhưng 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi 69,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu, trong đó Brazil, Campuchia, Indonesia là 3 thị trường cung cấp tiêu lớn nhất cho Việt Nam.
Lỗ hổng kéo dài

Lỗ hổng kéo dài

Lực lượng chức năng liên ngành hôm qua thông báo vừa phát hiện một kho hàng ở Hưng Yên, có tổng cộng 163.410 sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử các loại và 9.913 kg phụ kiện thuốc lá điện tử không đủ hóa đơn chứng từ.