Sản vật mùa lũ giúp người dân miền Tây kiếm chục triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa này, đi trên quốc lộ 62 đoạn từ Mộc Hóa, Kiến Tường ra biên giới Campuchia, hai bên đường người dân bày bán rất nhiều sản vật đặc trưng của mùa nước lũ Đồng Tháp Mười, như bông súng, bông sen, bông điên điển, ốc lác, cua đồng, khô cá lóc...

Trong đó có loại rau dân dã nhưng rất hấp dẫn là hẹ nước.

Từ xa xưa, ở vùng Đồng Tháp Mười cứ đến mùa nước lũ (dân địa phương gọi là nước lụt) thì hẹ bắt đầu mọc tự nhiên trên đồng ruộng và người dân cứ nhổ đem bán từ khi cây hẹ còn non (khoảng 10 cm) cho đến khi cây hẹ già (khoảng 80 cm) vì hẹ vượt theo con nước.

Hẹ là loại cây mọc dưới nước, ăn sống rất ngon: quấn lại, chấm với nước thịt kho hoặc mắm kho, ăn có vị ngọt, giòn.

 

Vất vả, cực nhọc nhưng chị Hà vẫn cười vui vẻ.
Vất vả, cực nhọc nhưng chị Hà vẫn cười vui vẻ.

Cả ngày ngâm mình trong nước

Theo hướng dẫn của một người dân địa phương: “Anh chạy ngược lại, qua cầu 79, rẽ vào con đường bên phải chừng vài trăm thước, tới chỗ ruộng sen là nhìn thấy người ta đang nhổ hẹ”. Nói vậy nhưng chúng tôi đi hết con đường đất sình lầy dài chừng 2 cây số xuyên ra giữa cánh đồng vẫn không thấy hẹ, chỉ có biển nước mênh mông, trắng xóa.

Không còn đường để đi, chúng tôi vào căn nhà nằm cặp con kinh hỏi thăm thì biết có người đang nhổ hẹ ở giữa cánh đồng, cách đó gần 3 cây số, thuộc ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (Long An).

Thuê một chiếc xuồng máy với giá 100.000 đồng chạy tới nơi thì thấy một nhóm vài chục người cả nam lẫn nữ đang trầm mình dưới ruộng nước ngập sâu tới cổ, trong cơn mưa lất phất, lạnh giá.

Mặt người nào da cũng sạm nắng, bên cạnh có 1, 2 hoặc 3, 4 cái thau lớn đựng hẹ được cột dây, buộc vào hông để khỏi bị nước cuốn trôi. Có người nói chuyện mà hai hàm răng đánh lập cập vì lạnh.

Đang hì hục dưới nước, nghe khách hỏi, ông Mạch Văn Mến (42 tuổi) ngước lên nói: “Nhà tôi cả hai vợ chồng cùng ra đồng từ sáng sớm. Mỗi ngày nhổ được chừng 120 kg, kiếm được hơn 800.000 đồng”. Ông Mến cho biết vợ chồng ông quê gốc ở H.Cai Lậy (Tiền Giang) lên đây lập nghiệp, nhưng từ năm nào thì không nhớ. Mặc dù nhà có ruộng đất nhưng mùa nước nổi năm nào vợ chồng ông cũng tranh thủ, chịu khó đi nhổ hẹ để kiếm thêm thu nhập, vì giăng câu, giăng lưới cũng không bằng.

Hỏi ông có bao nhiêu ruộng, ông trả lời: “Chỉ có một mẫu bảy (1,2 ha) hè”. Hỏi từ đầu vụ tới giờ vợ chồng nhổ hẹ kiếm được chừng bao nhiêu, ông thật thà: “Đâu chừng ba mươi mấy, bốn chục triệu”.

Người dân cho biết ở cánh đồng này hằng ngày có chừng 60 người đi nhổ hẹ mướn cho một thương lái tên là Tư Mo. Buổi sáng nhổ, trưa lặt, rửa, đến 4 - 5 giờ chiều thì bà Tư Mo đến cân, tính tiền giá 7.000 đồng/kg. Số lượng mỗi ngày từ 1.500 - 1.800 kg. Bà Tư Mo đem tiêu thụ ở đâu chẳng ai biết, nhưng giá người dân bán lẻ dọc theo QL62 hiện nay từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Công việc này bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, đến nay đã được 3 tháng, sắp hết thu hoạch được vì cây hẹ đã già.

“Ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng, cả xóm cùng rủ nhau ra đồng. Mỗi nhà một xuồng, ai không có xuồng thì quá giang người khác”, chị Hà, dân gốc ngoại thành Hà Nội vào lập nghiệp ở đây từ năm 1985, cho biết. Nhà chị cũng đi 2 người nhưng chồng chị không chịu nổi nước lạnh nên ngồi trên xuồng lặt, rửa hẹ, còn chị thì trầm mình xuống nước nhổ. Mỗi ngày chị nhổ được chừng 60 kg, được hơn 400.000 đồng.

Chị than: “Cực lắm. Ngày nào cũng đi sớm về khuya. Ra khỏi nhà từ lúc mặt trời chưa mọc, lúc về thì mặt trời đã lặn. Nhưng bù lại, cũng nhờ mùa nước nổi mà nhiều gia đình có thêm thu nhập kha khá để trang trải cho cuộc sống”.

 

Làm hẹ nghịch vụ

Nhưng nguồn hẹ “trời cho” giờ không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là những năm không có lũ như gần đây. Vậy là từ khoảng tháng 6 âm lịch, có những người không làm vụ lúa hè thu mà đầu tư làm hẹ “nghịch vụ” bằng cách bơm nước lên ruộng rồi thuê máy cày, xới, trục đất cho nhuyễn, tạo điều kiện cho hẹ mọc lên nhiều rồi bán lại cho thương lái. “Thường 1 ha đất nếu để hẹ mọc tự nhiên thì chỉ có thể bán được từ một vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Nhưng có những trường hợp đầu tư làm hẹ nghịch vụ thì bán được tới hơn 100 triệu đồng 1 ha”, một nông dân ngụ ấp 5 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) cho biết.

Vào đầu mùa, khi mực nước còn cạn, thương lái thuê lao động địa phương nhổ hẹ tại ruộng với đơn giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi giảm dần theo con nước. Khi nước dâng cao, cây hẹ cũng vượt theo cho tới khi hẹ già, như hiện nay đơn giá chỉ còn 7.000 đồng/kg.

Như vậy, từ cây hẹ mọc tự nhiên, ai cũng có thể nhổ ăn hoặc đem bán kiếm thêm tiền. Bây giờ, cây hẹ ở vùng Đồng Tháp Mười tạo thêm thu nhập cho 3 đối tượng: các chủ ruộng, thương lái và cuối cùng là người lao động đi nhổ hẹ thuê, trong đó, chủ ruộng là người có thu nhập cao nhất.

Ông Phạm Văn Đế (46 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Lập) kể gia đình ông làm 12 ha ruộng nhưng chỉ làm 3 ha hẹ. “Vì tôi chỉ làm… chơi thôi nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu rồi mới làm, không có đầu tư nhiều, khi bán chỉ lời có 4.000 đồng/kg, thu tổng cộng được 26 triệu đồng. Trong khi tôi cho người bạn mượn 3 ha để “làm thiệt” thì anh ta bán được tới 150 triệu đồng”, ông Đế nói.

Sống ở địa phương từ nhỏ, làm 12 ha ruộng. Sau khi cưới vợ, ra riêng, cha mẹ cho 2 ha, vợ chồng ông Đế mua thêm 10 ha. Hỏi mỗi năm thu hoạch được bao nhiêu ngàn giạ lúa?

Ông nói tính giạ không được, chỉ biết vụ đông xuân ông làm được gần 100 tấn lúa, vụ hè thu khoảng 60 tấn. Nhà ông sạ lúa nàng hoa, cả hai vụ đông xuân và hè thu ông đều bán được giá 5.300 đồng/kg. Tính ra, chỉ riêng 2 vụ lúa, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 800 triệu đồng.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.