Săn "thần dược" vùng Bảy Núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi cuộc sống thay đổi, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp đã không còn là vấn đề thiết yếu. Thay vào đó, con người bày biện ra những kiểu cách hưởng thụ đậm chất quái gở và dị biệt, điều này đã vô tình tiếp tay cho các cuộc tận diệt những loài bò sát của núi rừng. 
1.Thiên Cấm Sơn một sáng mù sương, tiết trời se sắt lạnh, Châu Pha (25 tuổi, xã Núi Tô, Tri Tôn, An Giang) lận con ná thun sau lưng thủng thẳng đi vào rừng bắt đầu cho một ngày săn bò sát "thần dược". Từ ngày tắc kè bay được dân tình tôn là "thần dược" phòng the, giá mặt hàng này tăng vù vù. Châu Pha bỏ việc chạy xe ôm, chuyển hẳn sang nghề săn tắc kè bay.
Quãng đường từ nhà Châu Pha di chuyển lên vồ Bồ Hong mất 30 phút chạy xe máy và 20 phút cuốc bộ. Vồ Bồ Hong có nhiều tảng đá to, đây là ngọn núi nhỏ nhất, thấp nhất trong dãy Thất Sơn, với độ cao chỉ 20m nhưng tắc kè bay hay bò trên nền đá, ẩn mình vào màu nâu xám của đá nhằm tránh sự săn bắt của con người. Người thường và khách du lịch thì rất khó để phát hiện nhưng với cặp mắt cú vọ cùng kinh nghiệm nhà nghề nhiều mùa săn bắt của Châu Pha, con mồi không thể chạy thoát.
 
Tắc kè phơi khô.
Đồ nghề của Châu Pha chỉ là chiếc ná thun, đạn là cục đất vo tròn. Hễ thấy con mồi, Châu Pha đứng cách 10m và ngắm bắn. Viên đạn trúng tắc kè bay vỡ tung ra nhưng lực của nó đủ để hất con mồi xuống đất, choáng váng, vật vã chưa thể vùng dậy bỏ chạy thì đã nằm gọn trong lòng bàn tay của thợ săn.
Buổi sáng, Châu Pha đi hết một góc nhỏ của vồ Bồ Hong và thu về hơn chục con tắc kè bay còn sống nguây nguẩy. Giá bán của loại bò sát này hiện giao động từ 15 đến 20 ngàn/con tùy vào kích thước to nhỏ. Châu Pha thu về khoảng 300 ngàn, số tiền được xem là rủng rỉnh cho một buổi mưu sinh.
Châu Pha cho biết, tắc kè bay có vào các mùa quanh năm. Vào mùa nước nổi, ngọn núi này vô cùng tuyệt vời, vì xung quanh là một biển nước mênh mông, chỉ còn lại một hòn núi nho nhỏ nằm trơ trọi bên những cơn sóng. Tắc kè bay nhảy múa trên các ngọn cây, đùa giỡn với tôm cá, tầm ngắm bắn rất thoáng nên trăm phát trăm trúng.
Thu nhập khá từ nghề săn tắc kè bay nên thời gian gần đây, đàn ông ở khu vực Bảy Núi đua nhau đi săn khiến đặc sản này ngày càng khan hiếm. Tắc kè bay thời xưa sống gần gũi chan hòa với con người nhưng từ ngày bị truy cùng giết tận đã hoảng sợ chạy sâu vào các cánh rừng già ẩn náu. Thợ săn cũng phải vượt núi, luồn rừng tìm kiếm.
Tắc kè bay ở Bảy Núi to gấp rưỡi thằn lằn nhà, trên lưng có đôi cánh ngắn nhưng không biết bay. Loài bò sát này thường nằm trên thân cây, bò ra kiếm ăn vào buổi trưa hoặc khi trời vừa tạnh mưa. Nó có màu da nâu xám giống với màu vỏ cây hoặc màu lá khô nên phải thật sự tinh tường mới phát hiện. Đặc biệt, đôi mắt của tắc kè bay rất tinh cho nên mắt của thợ săn phải sáng hơn của tắc kè thì mới chế ngự được nó.
 
Thợ săn bọ cạp đen dùng tay bắt.
Châu Pha và người bạn săn là Nam Đen (23 tuổi) bây giờ phải lên Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 Giếng) tìm tắc kè bay. Ngọn núi có độ cao 265m so với mực nước biển, cao thứ tư trong vùng Bảy Núi. Ngũ Hồ Sơn có địa hình rất hiểm trở, nằm đối diện với Anh Vũ Sơn (núi Ông Két).
Đây là vùng rừng còn hoang sơ, có nhiều loài bò sát được mệnh danh là "thần dược" như bọ cạp đen, rắn rết, nhện hùm, ngô công... Ngoài dùng làm thuốc chữa bệnh, các con vật trên còn được dân nhậu rất khoái, nó được xem là món ăn thể hiện đẳng cấp, vị thế xã hội.
Riêng tắc kè bay đã được Đông y xếp vào loại thuốc bổ dương. Tắc kè có vị mặn, tính ấm, quy vào các kinh phế và thận, có công năng bổ thận, tráng dương, bổ phế khí, dùng trong các bệnh hen suyễn lâu ngày, viêm phổi, ho lao, ho ra máu, suy nhược thần kinh...
Châu Pha cho biết, cha của cậu là một thầy thuốc ở Núi Cấm, chuyên bốc thuốc Nam chữa  bệnh nên ông rất am tường công dụng của các loài bò sát. Châu Pha nghe cha kể, tác dụng của tắc kè là bồi bổ cơ thể, giảm mệt nhọc, vì vậy muốn thử xem có phải đúng tắc kè hay không, người ta thử nướng tắc kè cho vàng, giã nhỏ, ngậm một ít, chạy một quãng đường, không thấy thở mới là thực.
Châu Pha đã từng thực nghiệm cách này và quả thật khi uống xong một cốc nước tắc kè, cậu chạy như bay mà không phát ra hơi thở. Tuy nhiên, Châu Pha cũng thật thà cho rằng, là do sức khỏe của cậu quá tốt, từ nhỏ đã được rèn luyện trong các cánh rừng của vùng Bảy Núi nên việc chạy mà không phát ra tiếng thở ngày nào cậu cũng làm. Riêng chuyện "phòng the" thì cậu… chưa có kinh nghiệm nên không thể đánh giá tốt hay xấu.
 
Một ngày, Châu Pha kiếm được trên trăm con tắc kè bay.
Châu Pha tiết lộ, các mặt hàng được xếp vào loại "thần dược" đều có nguồn tiêu thụ rất lớn từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm ngoái, một bà chị tên Hương ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã vào tận nhà của Châu Pha đặt hàng tắc kè bay. Giá ngoài chợ khi ấy chỉ 15 ngàn/con nhưng bà chị phá giá mua hẳn 30 ngàn/con và còn đưa tiền trước.
Bà Hương yêu cầu Châu Pha ngâm thành từng hũ nhỏ, mỗi hũ 6 con và phải ngâm nguyên con tươi, còn máu. Khi nào được 10 hũ thì em út của bà từ TP Hồ Chí Minh sẽ xuống lấy. Số tắc kè bay bà đặt mua của Pha dùng để biếu tặng các mối quan hệ làm ăn. Lấy được 50 hũ thì bà Hương ngừng giao dịch và mất hút không thấy trở lại nữa. Châu Pha tìm hiểu thì được biết, bà này làm ăn bị phá sản, nghe nói đã trốn đi nước ngoài.
Gần đây có một người đàn ông xưng là Hải từ TP Hồ Chí Minh xuống tìm mua huyết của tắc kè bay, bao nhiêu cũng mua, không quan tâm đến giá cả. Tuy nhiên, máu của tắc kè bay rất ít, chỉ có vài giọt nên để gom số lượng lớn là cực kỳ khó khăn, có khi phải giết hàng trăm con mới được một chén nhỏ. Vì quá khó nên Châu Pha từ chối.
2.Ở vùng Bảy Núi, ông Châu Phết (65 tuổi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) được mệnh danh là "chúa tể" của bọ cạp đen. Loại bò sát này có nọc cực độc nhưng khi vào hũ rượu hoặc lên bàn nhậu thì thuộc hàng "nhất tửu, nhất vị".
Bọ cạp đen chỉ có nhiều vào mùa mưa, từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau. Hang bọ cạp giống hang dế, nếu không phải là người trong nghề thì khó nhận ra. Ban đêm bò cạp rất nhanh và hung dữ, nhưng ban ngày thì nằm một chỗ, rất lành. Nọc bọ cạp chúa độc không thua nọc rắn nhưng thợ săn chỉ dùng tay để bắt.
Ông Châu Phết săn bọ cạp ở khu vực dưới chân vồ Đầu và vồ Bồ Hong, chủ yếu vào ban đêm, từ 20 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau ông kiếm được gần một trăm con, thu nhập từ 300 đến 400 ngàn đồng. Nhu cầu thu mua bọ cạp của các chủ vựa ở chợ Tịnh Biên là rất lớn. Ông Phết cho biết, kiếm được bao nhiêu cũng bán hết và lái buôn còn tranh nhau mua. Là dân sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi, hầu như cả cuộc đời của mình, ông Châu Phết gắn bó với rừng xanh và chỉ hành nghề đi săn bắt các loài bò sát độc hại, nguy hiểm.
20 năm về trước, ông Châu Phết là thợ săn rắn lục, loài rắn nguy hiểm bậc nhất, một khi bị cắn thì cầm chắc cái chết. Bàn tay ông đã bắt hàng trăm con rắn nhưng chưa một lần bị rắn cắn. Điều đó khẳng định đẳng cấp tuyệt đỉnh của thợ săn Châu Phết. Sau này, rắn ít đi và phải vào sâu trong rừng săn, có chuyến đi vài ngày nhưng không được con nào nên ông Phết chuyển sang nghề săn bọ cạp. Bọ cạp là đặc sản trên bàn nhậu và là vị thuốc quý.
Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế từ bản thân, ông Châu Phết nói rằng, con bọ cạp là loại thuốc tuyệt vời. Nọc bọ cạp được ứng dụng để làm thuốc giảm đau, xoa ngoài da, bắp cơ để trị các chứng đau dây thần kinh ngoại biên, dây thần kinh ở mặt. Còn đối với đàn ông, nó là thảo dược sinh lý được ví như "thần sấm" khiến các quý ông, quý bà giàu có ở các thành phố lớn về tận nơi săn lùng.
Cũng như bao thợ săn khác ở Bảy Núi, ông Phết không dùng bất cứ loại thảo dược nào mà mình kiếm được. Vì lợi nhuận của các mặt hàng "thần dược" mang lại nên những người đàn ông "núi rừng" dù rất day dứt nhưng vẫn phải "hành quyết" các loại bò sát. Chúng đang ngày càng cạn kiệt bởi nạn săn bắt ồ ạt, triền miên qua nhiều năm tháng.
Ông Châu Phết chia sẻ: "Rừng bây giờ "lành hiền" lắm, vì động vật và bò sát đã đi trốn chạy hết rồi. Không biết vài năm nữa có còn con rắn rết hay bọ cạp nào nữa không". Bàn tay "nhuốm máu" của rất nhiều con vật, ông Châu Phết chia sẻ, một hai năm nữa sẽ bỏ nghề để tập trung làm thuốc Nam. Thời gian đi săn bắt trong các khu rừng, ông Phết biết rất nhiều loài thuốc quý, đặc biệt là thuốc chữa rắn độc cắn. "Tôi muốn quãng đời còn lại của mình sẽ có ý nghĩa bằng nghề bốc thuốc cứu người", ông Phết tâm sự.
Ngọc Hoa-Cát Tường (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.