Săn lộc rơi của biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghe hỏi về nghề này, ông Nguyễn Văn Chín bật cười, nói không ai coi thứ này là nghề. Nhưng làm chơi ăn thiệt, cũng ăn lộc của biển. Có điều, cứ phải ngâm mình xuống biển suốt ngày.

Biển Nha Trang mùa hè đông nghịt người từ khắp nơi đổ về, nhờ nước đại dương xua cơn nóng ngày hè. Người đi từng nhóm, người đi gia đình, người đi một mình. Có người sẽ tắm, cũng có người chỉ dạo chơi ngắm biển.

Kiếm được gì thì kiếm

Những trò chơi trên biển được một nhóm bạn trẻ khởi động. Tiếng cười rộn rã, hòa cùng tiếng sóng. Họ chia hai phe đuổi bắt nhau.

Bỗng một tiếng la thất thanh: "Ôi, chết rồi, cái lắc tay của tôi". Một người trong nhóm bị bạn kéo mạnh tay, chiếc lắc đứt phựt, rời tay, rơi tõm xuống biển. Những cánh tay đua nhau quào quạng, lần mò xuống cát biển tìm kiếm với hy vọng mong manh sẽ nhặt được chiếc lắc. Nhưng vô vọng. Một ai đó trong nhóm la lên: "Lúc nãy thấy hình như có người làm nghề nhặt đồ rơi ở biển đi ngang qua, tụi mình nhờ thử xem. Biết đâu".

Rồi người bạn chạy đi, lát sau dẫn về một người đàn ông. Trên tay ông là chiếc lưới nhưng khác với lưới thường là bên dưới có gắn thêm những đầu rà kim loại nhỏ xíu. Ông chưa kịp hỏi, nhóm bạn đã người chỉ chỗ này, người chỉ chỗ kia. Ông cứ lặng lẽ mải miết hết buông lưới ra lại thu lưới vào theo tay chỉ của từng người. Nhiều lần buông lưới rồi thu về tay không. Cũng có lúc được chiếc bông tai hay sợi dây chuyền nhỏ xíu, không biết là vàng thật, bạc thật hay đồ giả. Nhưng chiếc lắc tay của cô gái trong nhóm vừa rớt thì tuyệt nhiên không thấy.

Thêm nhiều lần buông lưới rồi kéo vào, vẫn chỉ có nước biển chảy ra khỏi mắt lưới ròng ròng. Ý chừng đã hết hy vọng, người đàn ông chào nhóm trẻ rồi rê tấm lưới đi dọc theo bờ biển.

Thấy tôi đi theo, hỏi chuyện, ông vừa buông lưới vừa thủng thẳng: "Tôi tên Tâm, Đặng Văn Tâm. Năm nay 65 tuổi. Sinh ra ở biển mà không đi biển thì làm gì? Nhưng năm rồi, tôi bị tai nạn, sức khỏe yếu dần, đi biển gần thì chẳng có cá tôm, ra khơi xa thì sức khỏe không cho phép. Sau một lần đi xa bị nhồi sóng kiệt sức, tôi ở nhà sắm tấm lưới rà kim loại này. Cũng rẻ thôi cô. Sáng sáng, chiều chiều, mang lưới rà dọc theo bờ biển để kiếm lộc rơi lộc vãi của thiên hạ. Cũng là đi tập luyện thể dục cô ơi. Hôm nào khỏe, tôi đi nhiều. Hôm nào mệt, tôi vòng vòng ở khu Hòn Chồng rồi về nhà".

Rồi ông tiếp: "Cái này làm vui vui vậy chớ có hôm trời thương cũng kiếm được kha khá. Có khi hơn cả buổi đi đánh cá chứ chả chơi. Nhưng thường thì đi về chẳng có chi. Nhưng mà ở nhà thì không được. Mấy hôm rày mỏi lưng, đau chân nhưng ở nhà thì đau hơn. Thôi, cứ lết ra, kiếm được gì thì kiếm. Bãi phía bên này chỉ mình tôi nhúc nhắc đi lại. Bên bãi biển Trần Phú tới năm bảy người đi dò như tui. Ở đó đông người tắm, sóng mạnh hơn, khu nhà giàu nên cũng hay bị rớt đồ hơn, kiếm cũng khá hơn phía này. Mà cũng tùy ông trời thôi cô".

Ông Tâm vẫn không ngừng buông lưới về phía biển. Được thêm một chiếc nhẫn nhỏ xíu. Ông nhặt, bỏ vào túi chiếc áo đang mặc trên người rồi cài nút cẩn thận.

Đi dọc về phía Hòn Chồng, không được thêm món gì sau nhiều lần buông lưới lúc nông, lúc sâu, ông Tâm vắt lưới lên vai rồi chào tôi: "Về thôi cô. Bữa nay coi như đủ sở hụi rồi. Chứ có ngày lội rạc chân mà đi về tay không, có sao đâu".

Tôi hỏi ông Tâm định gắn bó với nghề này lâu dài không? Ông cười buồn, tiếng cười hòa vào tiếng sóng biển khơi xa: "Chứ già rồi biết làm gì bây giờ. Trời thương còn chút sức khỏe, kiếm thêm được đồng nào thì đỡ cho con cái đồng đó. Chứ tụi nó cũng khó khăn quá. Mà cái này thì không ai nói trước được gì hết cô ơi, hên xui thôi à. Nói thiệt, nó chẳng nặng nề gì nên tui cũng ham. Ngày nào không vác lưới ra biển là lòng dạ bồn chồn, bứt rứt không yên. Cũng nhiều ngày đi về tay không nhưng mà chân vẫn cứ bước đi mới chịu được".


 

 Ông Đặng Văn Tâm với nghề “mò kim đáy biển” tại biển Nha Trang
Ông Đặng Văn Tâm với nghề “mò kim đáy biển” tại biển Nha Trang



Biết đâu mà tính trước

Chia tay ông Tâm, rời bãi Hòn Chồng, tôi vòng đến khu vực bãi tắm bên đường Trần Phú, gần tháp Trầm Hương. Quả thật, nơi đây người xuống biển đông hơn nhiều.

Không như bãi Hòn Chồng chỉ mỗi mình ông Tâm lẻ loi "mò kim đáy biển". Bãi biển bên này có đến bốn người, trong đó có cả hai anh em ruột là ông Nguyễn Văn Chín và ông Nguyễn Văn Mười. Ông Chín khoảng 70 tuổi, đang hồ hởi khi may mắn tìm được cho một du khách sợi dây chuyền vừa đánh rơi.

Khi nghe tôi hỏi về cái nghề "mò kim đáy biển" này, ông Chín cười ha hả: "Nghề gì cô ơi. Ai mà coi thứ này là nghề. Nhưng mà làm chơi ăn thiệt. Thì cũng như đi biển thôi, ăn lộc của biển mà. Hôm nhiều, bữa ít ai biết đâu mà tính trước. Ngó bộ đơn giản nhưng mà cũng nhọc lắm à cô. Cứ phải ngâm mình xuống biển thì mới buông lưới ra rà".

"Trước kia, tôi cũng có thuyền đánh cá nhưng giờ già rồi, để cho thằng con trai sức dài vai rộng nó làm. Mình ngồi ở nhà không làm gì thì nó mệt người. Tôi thấy chú Mười từ khi nghỉ bốc vác ở bến cá, sắm chiếc lưới rà cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Tui thấy vui nên đi theo luôn. Ngó vậy mà cũng được vài năm rồi chớ ít đâu. Mà từ khi đi lòng vòng vầy, tui bớt hẳn mấy cái bệnh đau lưng, mỏi gối, nhức khớp. Tay chân linh hoạt và đầu óc cũng minh mẫn hơn. Đúng là không gì bằng lao động và thể dục đều đặn cô hen" - ông Chín dừng tay, góp chuyện.

Ông Mười cũng dừng tay, tiếp lời: "Tôi theo cái vụ này trước anh Chín. Tính ra cũng được 7 năm rồi đó. Cũng kiếm được bữa rau bữa cháo qua ngày mà không gò bó, ép buộc gì. Ngó qua cũng như đi thể dục thôi mà. Nhưng có khi vô mánh cũng kiếm bộn. Như năm rồi, có ngày tui được 3 sợi dây chuyền vàng 24k. Trời ơi, nó đã gì đâu luôn á".

Thoáng một chút áy náy hiện trên khuôn mặt ông Mười: "Mình có được thì người khác mất. Nhiều lúc nghĩ cũng tội. Nhưng biết của ai đâu mà trả. Có khi cũng chẳng phải của du khách xuống tắm biển rồi làm rơi, làm mất mà ở tận đẩu tận đâu nó đưa đến. Cái này hên xui thôi chứ chẳng tài giỏi gì. Hung lắm là nhìn con nước, có thêm cái đầu rà, nơi nào có kim loại là nó báo hiệu cho mình chắc ăn. Nhưng có khi kéo lên chỉ toàn sắt và thép rỉ, rách hết lưới. Chẳng thể nào tính trước được".

Chủ yếu là ăn may

Tôi nhìn ra bãi biển. Nước trong xanh. Trời về chiều, người kéo xuống càng đông.

"Biển nhiều người tắm thì lượm được nhiều đồ rơi phải không ạ?" - nghe tôi hỏi, hai ông nhìn tôi rồi cười phá lên. Ông Mười sau phút nhìn tôi như từ cung trăng rớt xuống, trả lời tỉnh queo: "Làm gì có chuyện hay ho như vậy chớ. Đã gọi là "mò kim đáy biển" thì chủ yếu là ăn may thôi. Toàn lộc rơi, lộc vãi của thiên hạ. Mà đâu có sẵn cho mình nhặt. Cứ đi, cứ đi vậy thôi. Du khách đông nhưng họ đi tắm biển, đi dạo chơi chớ có phải đem vàng rải xuống biển mà đợi chờ. Những ngày được nhiều là những ngày biển vắng, biển động".

Ông Mười nói xong, quay sang ông Chín tiếp tục nói nói, cười cười, nửa đùa nửa thật: "Chỉ có anh Chín tui đây thích thì đi, mưa gió thì ở nhà chứ tui ngày nào cũng mò ra biển, nếu không muốn đói rã họng".

Chiều muộn, bất chợt đổ mưa. Sóng biển đánh vào bờ dồn dập. Đài báo bão số 3 đang đổ bộ. Du khách vội thu đồ, nhanh chân rời biển. Bờ biển vừa đông nghịt, thoắt cái đã vắng ngắt. Trên bãi cát mênh mông giờ chỉ sót lại hai cái bóng liêu xiêu của ông Chín, ông Mười.

 


Được đồng ra, đồng vào

Ông Nguyễn Văn Mười nói: "Biển động, thuyền bè không ra khơi, du khách cũng không muốn bước chân xuống biển, chỉ có chúng tôi. Siêng xuống lúc này thì kiếm được miếng ăn. Mỗi lần biển động, mưa bão là như một lần trao đổi giữa biển và đại dương. Nước ở thượng nguồn và các cửa sông đổ về, sóng đưa vào cả rác rưởi lẫn miếng ăn. Già rồi, chẳng biết làm chi thì cái thứ này cũng cho mình được đồng ra, đồng vào".




 Thủy Vũ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiếp ảnh và du lịch

Nhiếp ảnh và du lịch

Ngắm những bức ảnh làng nghề đẹp ngất ngây từ mọi miền đất nước, tôi lại mường tượng ra hình ảnh của nước mắm Nam Ô, của chiếu Cẩm Nê, của đá Non Nước… đầy rung động rải khắp các phương tiện truyền thông xã hội.
Đi về miền Dao: Người Dao lên đèn

Đi về miền Dao: Người Dao lên đèn

Đánh dấu sự trưởng thành, lập gia đình, đau ốm mãi không khỏi, hay cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu, hoặc chuẩn bị cho kiếp sống ở thế giới bên kia..., người Dao tổ chức lễ lên đèn theo các thứ bậc 3 - 7 - 9, riêng 12 đèn là lễ cúng lớn nhất của đời người dân tộc Dao.
Đi về miền Dao: Cái lý của người Dao

Đi về miền Dao: Cái lý của người Dao

Đang đi trên con đường liên thôn ở bản Trung Hồ, Phìn Ngan (H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai), trời mưa nhẹ, Lò Lở Mẩy đột ngột tấp vào lề, ra dấu dừng xe, đoạn bảo: "Có thầy cúng đang đi hành lễ, mình phải đứng lại, nhường thầy đi trước". Hỏi vì sao? Mẩy bảo: "Cái lý người Dao mình nó thế".
Những mái chèo giữa trùng khơi

Những mái chèo giữa trùng khơi

“Dạy mầm non, chúng tôi dạy cả múa và hát. Môn tiếng Anh chúng tôi dạy được, riêng múa hát thì phải cố gắng vì mình là đàn ông, chân tay vụng về. Các em ngoài này hát hay lắm, hay hơn các thầy.
Đi về miền Dao: Sư công tiền mã của người Dao

Đi về miền Dao: Sư công tiền mã của người Dao

Thầy cúng (sư công) còn gọi là thầy Tào, là những nhân vật đặc biệt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Dao. Để học thành một thầy cúng cao tay, có khả năng hành lễ cấp sắc lên 12 đèn, khó hơn nhiều việc đào tạo một chức danh tiến sĩ.
Du khách ngoại mê chim Việt

Du khách ngoại mê chim Việt

Nhiều người Việt có thói quen tai hại nhốt chim để ngắm, thì nhiều du khách nước ngoài 'bay' theo cánh chim trời ở VN để được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc lạ và thể hiện ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Cột mốc trong tim

Cột mốc trong tim

Có một điều dễ nhận thấy, là đường đến những cột mốc biên giới đều nhọc nhằn. Cho dù đó là cột mốc ở đỉnh núi cao, hay cột mốc ven sông, ven biển. Nhọc nhằn cả bởi hành trình tìm đến, và hơn cả, bởi hành trình để cột mốc ấy được dựng lên.
“Ông đồ” thời nay

“Ông đồ” thời nay

(GLO)- Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật thư pháp. Ở đó, họ thỏa đam mê với con chữ, tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống và góp phần truyền đi thông điệp tích cực qua nghệ thuật biểu hiện ngôn từ.
Chuyện lính biên phòng cắm bản

Chuyện lính biên phòng cắm bản

Là Đội trưởng vũ trang, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng và nay là Phó Bí thư Đảng ủy xã, người chiến sĩ biên phòng chúng tôi quen năm nào gắn vận mệnh của mình với vùng cao biên giới. Tri ân đồng đội, trọn nghĩa với dân là những gì chúng tôi thấy được trong cuộc đời cao đẹp đó.