70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 3: Pha Đin - chị gánh, anh thồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là cung đường giao thông bị thực dân Pháp bắn phá ác liệt.

Đỉnh đèo là địa bàn dễ bị lộ nhưng bằng sự quả cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã tiến gần, tiến nhanh, tiến đông hơn đến cứ điểm được coi là bất khả xâm phạm của địch ở Điện Biên…

Một trong tứ đại đỉnh đèo

Từ ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) ngược Tây Bắc theo QL6 đúng 100km là đến đèo Pha Đin (một bên là huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La, còn bên kia là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Đường đồi núi quanh co, ngồi trên xe khá nôn nao nhưng bù lại vẫn được ngắm những khóm hoa ban nở muộn. Sau 3 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng lên đến đỉnh đèo Pha Đin.

Dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược qua đỉnh đèo Pha Đin.

Dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược qua đỉnh đèo Pha Đin.

Trong màn sương mù nhẹ, quyện với hương sắc của hoa ban, hoa mận, là sừng sững tấm bia ghi lại những thông tin của đèo và dấu ấn lịch sử: “ dài 32km, điểm cao nhất là 1.648 mét so với mực nước biển. Đây là nơi hứng chịu nhiều trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến trường . Dưới làn bom đạn của kẻ thù, với lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong vẫn bám trụ vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng”.

Sau 70 năm, đèo Pha Đin được hạ độ dốc rất nhiều so với trước, trở thành con đường rộng, đẹp. Đây là con đường giao thương của tỉnh Điện Biên với miền xuôi. Đèo Pha Đin có núi non hùng vĩ, trùng điệp, được xếp vào “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam (gồm đèo Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ và đèo Pha Đin), trở thành địa điểm du lịch trên cung đường lên Điện Biên. Nhờ du lịch phát triển, nhịp sống của người Mông trên đỉnh đèo này đã sôi động. Họ đã biết phát huy được lợi thế địa phương, phát triển những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, mang lại cuộc sống ấm no.

Dân công, thanh niên xung phong, cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc phá đá, mở đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ .

Dân công, thanh niên xung phong, cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc phá đá, mở đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ .

Ông Mùa Chờ Vàng (60 tuổi), bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo sinh ra, lớn lên trên đỉnh đèo. Qua sách vở, ông được nghe những câu chuyện của thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để bảo vệ, vận chuyển lương thực, thực phẩm qua đèo Pha Đin lên chiến trường Điện Biên Phủ. “Tuyến đường phục vụ chiến trường năm xưa nay đã trở thành cung đường đẹp, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Mông chúng tôi phát triển kinh tế, du lịch. Người dân trên đỉnh đèo giờ không còn khổ nữa. Nhiều nhà mua được ô tô vận chuyển hàng hóa, rau củ, quả từ Điện Biên xuống phục vụ người Hà Nội và đưa các hàng hóa thiết yếu từ Hà Nội lên đây bán”, ông Vàng nói.

Người hát, người hò vui như hội

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đường đèo từ phía Thuận Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên) luôn bị các loại máy bay của Pháp đánh phá suốt ngày đêm. Lúc đó, Pha Đin có rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn cua gấp khúc, dốc đứng, vực sâu nên sau mỗi loạt bom của địch là nhiều đoạn tuyến trên đèo bị hư hỏng nặng. Xác định đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch chi viện cho Điện Biên Phủ, hàng nghìn thanh niên xung phong cùng với đồng bào các dân tộc Thuận Châu, Tuần Giáo được tăng cường trải khắp trên các đoạn tuyến này.

Di tích lịch sử đèo Pha Đin.

Di tích lịch sử đèo Pha Đin.

Ông Lò Văn Inh (94 tuổi), lão thành cách mạng, hiện sinh sống tại thị trấn Tuần Giáo cho hay, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông được giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo tỉnh Lai Châu, của Trung ương công tác tại huyện Tuần Giáo, nên ông nắm rất rõ khí thế hừng hực của dân công, thanh niên xung phong chiến đấu, lao động xuyên đêm để đèo Pha Đin huyết mạch luôn được giữ thông suốt. Ông Inh kể, khi có máy bay địch ném bom, mọi người tản vào rừng. Khi ngừng ném bom, ai nấy lại lao xuống đường, đào, cuốc, lấp hố bom, đổ đá, lát gỗ thông đường để đêm đến những dòng người, xe cộ vận chuyển hàng ra tiền tuyến.

Ông Inh kể, những thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến và chính quyền địa phương lúc đó có rất nhiều sáng tạo độc đáo. “Ngày đó, để lấp các hố bom, chính quyền địa phương đã cùng dân công, thanh niên xung phong chặt cây rừng, bó thành từng bó, chất hai bên đường khi máy bay ném bom đường bị chia cắt, dân ta đã dùng các bó cây ném xuống các hồ bom để các xe tải, xe thồ… tiếp tục đi qua. Ban đêm, dân công hỏa tuyến chen chân nhau vận chuyển hàng hóa lên chiến trường”, ông Inh chia sẻ.

Về thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm gặp bà Phan Thị Bảy, 94 tuổi, 70 năm tuổi Đảng. Bà Bảy quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lớn lên nghe lời kêu gọi của Cách mạng đã tham gia làm dân công hỏa tuyến ở chiến trường Thượng Lào. Đến năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, bà và đơn vị chuyển từ Thượng Lào về phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. “20 tuổi, nghe tiếng gọi của Đảng, vợ chồng tôi tổ chức đính ước để kịp lên đường ra chiến trường. Trước khi đi, vợ chồng hẹn ước, đánh thắng địch mới tổ chức đám cưới. Sau ngày hẹn ước, hai người ra chiến trường, mỗi người chiến đấu một nơi, ông ấy nhập ngũ, còn tôi tham gia thanh niên xung phong đi chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào. Mãi sau này tôi mới biết ông ấy đang chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch kết thúc đánh đuổi giặc Pháp, tôi và ông ấy không hề hấn gì, gặp lại nhau tổ chức đám cưới, rồi ở lại Điện Biên”, bà Bảy tâm sự.

“Dù khó khăn, gian khổ, nhưng mỗi đêm cả tuyến đường qua đèo Pha Đin đông kín người, chen chân nhau vận chuyển hàng hóa, đạn dược ra mặt trận. Không khí hừng hực, người hát, người hò vui như hội. Không khí đó đã làm cho mọi người quên đi mệt nhọc, gian khổ, hy sinh. Dù đói, dù rét, đối mặt với nguy hiểm nhưng tinh thần thanh niên chỉ có tiến lên để gánh, thồ hàng hóa ra tiền tuyến”

Phan Thị Bảy

Nói về cung đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, bà Bảy cho biết, sau khi đơn vị chuyển từ Thượng Lào về phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, bà đã đi bộ từ Hà Tĩnh ra đến Hà Nội mất 5 ngày, rồi đi bộ lên Tuần Giáo. Lúc chiến đấu, cân nặng cơ thể bà chỉ có 41kg, nhưng bà gánh đến gần 50kg đạn trên vai, đi bộ mỗi đêm 50km vượt đèo Pha Đin đến Tuần Giáo. “Lúc đó, vừa đi vừa phải gỡ dây thép gai, tránh mìn cọc mà Pháp đã cài trước đây. Ngày nào cũng có người vướng phải mìn hy sinh. Nhưng vì tiền tuyến, không một ai sờn chí, mà hừng hực khí thế quyết tâm vận chuyển được càng nhiều vũ khí, đạn dược ra chiến trường để bộ đội đánh giặc”, bà Bảy cho hay.

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.