Một lần 'chạm' Angkor Bài cuối: Chạy bộ ở Angkor

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mục đích chính khiến chúng tôi đến Siem Reap lần này là để tham gia Giải chạy bộ siêu địa hình Ultra-Trail d’Angkor (UTA) lần thứ 7 năm 2024.

Mục đích chính khiến chúng tôi đến Siem Reap lần này là để tham gia Giải chạy bộ siêu địa hình Ultra-Trail d’Angkor (UTA) lần thứ 7 năm 2024. Tưởng tượng cảnh mình đang chạy bộ giữa những khu đền cổ ngàn năm tuổi ở khu di tích Angkor, bao quanh là những cánh rừng xanh mướt như đang “chạm” vào lớp trầm tích nghìn năm của lịch sử, là đã thấy mê rồi…

Đường chạy qua những di tích nghìn tuổi

Giải UTA do Tổ chức Biểu diễn và Phát triển thể thao (SDPO - Pháp) phối hợp với tập đoàn Phoenix Voyages tổ chức. Đây là giải chạy địa hình quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Campuchia được tổ chức tại khu quần thể di tích đền đài Angkor và được cấp phép bởi Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia. Từ năm 2016, giải này được tổ chức hằng năm, gián đoạn trong hai năm 2021 và 2022 do dịch COVID-19; đến năm 2023 được nối lại và năm 2024 đã là lần thứ 7 tổ chức.

Với các cự ly 100 km, 64 km, 42 km, 32 km, 18 km và 8 km, các cung đường chạy thực sự hấp dẫn khi đi qua các khu đền cổ nổi tiếng; băng qua những cánh đồng lúa, các bản làng của người dân địa phương, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên rừng núi từ hùng vĩ đến hoang sơ, hẻo lánh… Không chỉ có cảm giác choáng ngợp như khi đứng trước đền đài Angkor Wat, Angkor Thom, chúng tôi còn trải qua cảm xúc thích thú khi xuyên qua những cánh rừng, hồ nước xanh mát, đập tay hay vẫy chào nói “hello”, “sua sđây” (tiếng Khmer – xin chào) với những đứa trẻ dễ thương và những người dân vô cùng thân thiện trên đường.

Đường chạy ngang qua những đền tháp tuyệt đẹp.

Đường chạy ngang qua những đền tháp tuyệt đẹp.

Những ngôi đền trên đường chạy của chúng tôi đều là những tuyệt tác kiến trúc, như: đền Prassat Kravan được xây dựng từ thế kỷ 10 dưới triều đại vua Harshavarman I; đền Banteay Samre được xây dựng vào đầu thế kỷ 11 dưới triều đại của vua Suryavarman II và sau đó được vua Yasovarman II hoàn thành vào đầu thế kỷ 12; đền Phnom Bok có niên đại từ thế kỷ thứ 10, được xây dựng trên đỉnh ngọn núi cùng tên mà các vận động viên từ cự ly 42 km trở lên phải leo hàng trăm bậc thang mới đến được; đền Pre Rup với dãy tháp ngũ hợp trên nền đế dạng kim tự tháp có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 10 với tư cách là ngôi đền quốc gia của vua Rajendravarman; hay ngôi đền Ta Keo có niên đại từ thế kỷ 11, dù chưa được hoàn thiện nhưng vẫn cho thấy kiến trúc rất đồ sộ, mang nét đặc trưng kiến trúc “đền - núi” được cho là đại diện của núi Meru trong thần thoại Hindu… Mọi cự ly đều kết thúc ở sân Voi (Terrace of the Elephants), hay còn được biết đến trong một số ghi chép là Sân thượng danh dự, nằm phía trước Cung điện Hoàng gia và có một lối vào từng nối với đường dẫn đến Cổng Chiến thắng của Angkor Thom. Với những tường, bệ được điêu khắc tinh xảo hình ảnh voi, ngựa, chim thần garuda…, sân Voi được cho là nơi vua và các quan tướng Khmer xưa làm lễ ra trận, xem đấu voi, duyệt binh voi… Quả là một đích đến đầy ý nghĩa cho cuộc đua!

Du lịch thể thao, tại sao không?

Giải UTA năm 2024 thu hút khoảng 1.500 vận động viên phong trào từ 51 quốc gia tham gia; trong đó 70% là du khách nước ngoài, 30% là người nước ngoài đến từ ASEAN và người nước ngoài làm việc tại Campuchia. Năm quốc gia có số lượng đăng ký nhiều nhất là Campuchia, Pháp, Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ. Riêng số lượng vận động viên Việt Nam tham dự năm nay là khoảng 240 người, đông gấp đôi năm ngoái.

Ông Thong Khon, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia cho biết, giải đấu này nhằm thúc đẩy tinh thần thể thao, khuyến khích du lịch Campuchia, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tạo điều kiện cho các vận động viên thử sức ở các cung đường mạo hiểm, chạy cả ngày lẫn đêm qua rừng, làng mạc và quần thể di tích đền đài ở Công viên khảo cổ Angkor cũng là chứng minh cho thế giới thấy Campuchia yên bình, tươi đẹp, người dân thân thiện.

Trong những ngày diễn ra Giải UTA, Siem Reap tràn ngập khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới. Hầu hết các vận động viên không chỉ tham gia chạy mà còn tranh thủ khám phá các địa điểm du lịch và tận hưởng các dịch vụ ở Siem Reap.

Chạy giữa những di tích đền đài nghìn năm tuổi là một cảm giác vô cùng đặc biệt. Ảnh: Ban tổ chức UTA

Chạy giữa những di tích đền đài nghìn năm tuổi là một cảm giác vô cùng đặc biệt. Ảnh: Ban tổ chức UTA

Có thể thấy, xu hướng du lịch thể thao đang ngày càng phát triển. Không chỉ đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn, các giải đấu chuyên nghiệp (thường đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư cực lớn), nhiều nước trên thế giới hướng đến tổ chức các giải đấu phong trào, trong đó có môn chạy bộ thu hút sự quan tâm rất lớn của những người yêu thích thể thao lẫn đam mê du lịch.

Nắm bắt xu hướng này, trong những năm gần đây, nhiều địa phương ở Việt Nam đã tổ chức các giải chạy phong trào thường niên, thu hút không chỉ người thích chạy bộ mà cả du khách đam mê khám phá bằng những cung đường chạy tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, các vùng di sản hay những địa hình thiên nhiên hấp dẫn... Sức hút của những giải chạy như VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang, Marathon quốc tế di sản Hạ Long, Ultra trail Cao Bằng... mỗi năm thu hút hàng chục nghìn vận động viên tham gia, mang lại nguồn thu rất lớn cũng như kích cầu du lịch vô cùng hiệu quả. Nhìn sang tỉnh láng giềng của Đắk Lắk là Lâm Đồng những năm gần đây cũng tổ chức hàng chục giải chạy, trong đó nổi tiếng nhất là những cung đường địa hình băng rừng, lội suối, vượt dốc... khiến dân chạy bộ mê mẩn, góp phần tạo thêm thương hiệu cho vùng đất cao nguyên này.

Trông người lại ngẫm đến ta. Tỉnh Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng cho du lịch thể thao, du lịch khám phá, song cho đến nay những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức. Năm 2024 này mới là năm thứ hai tổ chức giải chạy Đắk Lắk Marathon; còn giải chạy địa hình thì mới chỉ có giải Yok Don discovery trail run do Vườn Quốc gia Yok Don tổ chức lần đầu năm 2023 (song đơn vị tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn trong vận động tài trợ hay sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan chức năng). Với thảo nguyên, núi đồi, rừng, suối, thác…, nếu khai thác tốt, Đắk Lắk sẽ trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn với những người yêu thể thao và mê khám phá…

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.