Đò không qua sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Đờn cò lên trục kêu vang-Anh còn thương bạn, bạn khoan có chồng”.

Chẳng biết xui khiến thế nào, bữa đi qua sông Vu Gia, mệt quá đứng nghỉ, có ông bánh mì sài gòn ba ngàn một ổ chạy ngang qua, cái loa bằng cái ca uống nước treo cạnh ghi đông xe vẳng ra một bản đờn ca tài tử, có hai câu trên. Ôi trời, tức thì tôi dạt về những ngày tháng lặn lội miền Tây...

Bữa đó đi phà ngang sông Hậu bến bắc Cần Thơ. Bên kia là xã Bình Minh của Vĩnh Long. Xuống phà, máy nổ rần rần, người xe náo nhiệt. Có ông già mù ăn xin chơi đờn cò. Giọng ca không mùi nhưng ảo não. Bạn tôi nói, em có đứa em gái, lấy chồng xa xứ, lâu rồi nó không về quê, thỉnh thoảng hỏi nó mần ăn ra sao, nó nói cũng vậy. Nghe ông già hát, em nhớ chuyện nó lấy chồng. Nói thiệt anh, con người ta ở đời sống toàn ảo vọng nên khổ, nhưng nó không ảo vọng, thế mà chẳng ra gì. Cái kiểu nói cũng vậy của nó, em rành sáu câu.

Hồi đó, nó cắp cặp đi học Sài Gòn rồi về quê xin việc. Thi trúng tuyển, nhưng thằng bồ nó sau này là chồng khuyên nhủ thế nào, nó lại lên Sài Gòn. Quê em cao su đất đỏ, thiệt anh, nhà em nghèo lắm. Đi học cấp 3 mua được cái xe đạp là sự kiện của cả xóm. Nhưng đạp được mấy đâu, dắt là chính, xắn quần đẩy xe, đất dính vô từ vành dè lên cả yên xe, bôi luôn áo dài trắng. Bữa nó đăng ký thi đại học, má em nói “mày học ngành gì mà ra trường dễ kiếm việc, chứ tao không có tiền chạy đâu”. Nó xinh, thông minh, lại gan lì, người như cái máy bị chạm, lúc câm như hến, mặt lạnh như... đít bom, lúc nói không phanh, phừng phừng, mà giọng lúc mềm lúc đanh, thầy tướng nói phận nó không ổn. Nó đậu. Má con dắt nhau đi kiếm chỗ trọ, ba ngày lang thang Sài Gòn, rồi cũng ổn.

Không biết nó làm thêm nghề chi kiếm sống, chắc như tụi sinh viên tỉnh lẻ thôi, ngày học đêm làm thêm, chứ tiền ở quê chỉ đủ nhà trọ hàng tháng. Mỗi lần nó về Tết, thấy tụi bạn nó xúm lại họp lớp, hỏi ê mày có bồ chưa, nó nói thiếu gì đứa, tụi mày lo ế chứ không phải tao! Ra trường được mấy năm, nó ưng thằng đó cũng học tại Sài Gòn. Cưới. Quê thằng đó xa mút chỉ cà tha ở miền Tây, má em đưa con gái về nhà chồng mà nước mắt như mưa, má nói đi qua mấy lần phà, má muốn thăm con cũng không nhớ nổi đường, ưng chi mà xa quá, má biết tìm con ở đâu. Lần đầu tiên em thấy nó khóc nghẹn ngào. Nó có chồng rồi em mới biết, ở quê nó có thằng bồ. Không biết lúc ở đây, tụi nó có hẹn hò chi không, mà một bữa thằng đó say, đứng trước nhà em hát "Đờn cò lên trục kêu vang-Anh còn thương bạn, bạn khoan có chồng"...

Thượng nguồn sông Vu Gia - ảnh Hoài Văn

Thượng nguồn sông Vu Gia - ảnh Hoài Văn

Tôi sắp qua sông, lời bạn vẳng theo. Chuyện đó có vĩ thanh thế này, sau đó đứa em chia tay chồng vì không hợp. Hỏi nó chuyện hôn nhân, nó nói chuyện riêng của em, anh đừng hỏi. Thương em nhưng đành chịu.

Ừ, đành chịu. Sách vở như cuộc đời, có những niềm riêng không nói được. Nhưng giờ đây, như con sông này, bến bắc Cần Thơ kia, có còn đò ngang hay phà nữa đâu. Những chiếc đò chìm tại bến, đúng nghĩa đen nghĩa bóng. Nó đã kết thúc cuộc đời những nhịp hải hồ sông nước. Tôi hình dung cô gái đó, cuộc đời như mùa gió chướng, những đêm mưa sa. Ai về miền Tây mùa sa mưa, sẽ thấy những cánh đồng bất tận se thắt. Bếp lửa nhà ai ấm với tiếng vợ chồng con cái, thì gió hay mưa đều ru địu ấm êm, còn lại, lời ca tiếng đờn phả một nhịp ba đào nênh nổi. Không biết cô có như bao người khác, một mình cưỡng cơn gió chướng, không thể và không biết tựa đâu, miệng thì có lúc nói không cần tựa, nhưng tôi tin rằng, đó là phép A.Q ở chốn trần gian này, đò không người thì tự chìm. Bóng đổ chân cột đèn, nhìn bóng mình trên vách, nó sẽ nhòa đi khi không chịu nổi cơn buồn ngủ, nhưng đêm nào như đêm nấy, tự cái bóng đó sẽ đi vào ban mai.

Cuộc sống, khi ta tách riêng ra, lắm lúc sẽ thấy Chế Lan Viên không sai "Những thế kỷ đông người mà nhân loại vắng tanh" hay như nhạc Phú Quang "Phố đông không nhìn thấy mặt người". Bao bận trôi giữa dòng người như thác đổ ở Sài Gòn, tôi thấy thảy là bóng, là ảo ảnh. Những cái bóng cô đơn, không ai biết ai, tự mình lần mò trong hành trình đi về nơi nào đó, tự mình ban phước hay đay nghiến mình.

Người phụ nữ một đời chèo đò trên sông Vu Gia - ảnh Nam Cường

Người phụ nữ một đời chèo đò trên sông Vu Gia - ảnh Nam Cường

Có lần, một người hỏi tôi “bóng có trước hay hình có trước?”. Tôi định đi từ sự kết hợp ADN mẹ cha, hoặc dùng thuyết thiên địa nhân để trả lời, ông cười: “Thử bước vào siêu thị hay công sở nào đó, mà cửa tự động mở, bởi có camera, sẽ biết ngay, máy móc chụp cái bóng mình chuyển động trước, rồi mới đến bước nhận dạng mình ra ai, từ đó sẽ biết cái chi trước cái chi sau". Nhưng đời mà, biết trước tuổi già sẽ vậy, thì trẻ cũng vô ích. Biết tình yêu cay đắng thì say đắm mê mệt làm gì. Biết đời là vạn ngày buồn thì vui nay vô nghĩa. Ô hô, anh còn thương thì khoan lấy chồng, ai chẳng tiếc nuối ngày vàng son, nhưng dính vô rồi cơm khê rượu đắng gió chướng sa mưa bèo dạt mây trôi ai dám nói không?

Thương thay phận người. Không biết trước nên mới lên đường. Đời dạy khôn chừng nào thì quý chừng nấy, còn ngày mai bữa kia ra sao, rồi tính. Biết mình là bóng, nhưng nào chống lại. Có thời kỳ rộ chuyện phê phán đàn bà mà uống rượu, nhất là ở thành phố, khi thấy họ ngồi, hoặc chung với đàn ông, hoặc đàn bà với nhau, có người thì một mình, cũng thuốc lá, rượu bia như ai. Dân Việt có thói quen không hay ho, là cái gì hôm nay thấy lạ, không ưng ý, cũng đem chuyện xưa ra dạy đạo đức.

Ông Lý Bạch viết “Cử bôi yêu minh nguyệt-Đối ảnh thành tam nhân”, nói sự lay lắc cô đơn của phận người trong đối cảnh có trăng có mình có bóng, cơn say tiên tửu vì ông cả đời dằng dặc say, chứ người đàn bà như em đứa bạn kia, thế gian này ắt có hàng vạn người như thế, ai dám nói nhìn bóng mình đổ xuống li rượu sầu nửa đêm trên gác lạnh, là không có quyền được buồn, được sống với bóng mình, mình mời chính mình, không cần không có và khỏi trăng sao chi hết, bởi vô nghĩa? Đôi khi cái bóng dìu họ đi giữa đời thường giông gió về nơi xa lắm, chìm trong vô tận, hoặc chòi đạp giãy giụa để qua nắng mưa đêm ngày, hoặc họ yêu chính mình để sống. Em khoan có chồng, đôi khi chẳng phải vì anh, bởi đa sự là đa mang...

Nghĩ tới đó, tôi dừng hẳn lại, ngó xuống Vu Gia mùa lũ. Nước đục ngầu, lững lờ mải miết về biển. Không có chuyến đò nào sang sông cả. Chiều rồi. Từ lùm tre trơ trọi bên phía Đại Lãnh, có con quạ vút ra, bay về phía núi, rồi như phép liên thông, một ghe nhỏ như chiếc lá thong thả chèo ngược, trên ghe là một người đàn bà và một đứa bé. Tôi nhẩm, mùa này phải đến qua giờ Dần sáng mai, mới bắt đầu nước lớn. Có hai người trên ghe, hẳn là mẹ con. Sông quãng này rộng bề bề, có khác chi một nhánh ở miền Tây thương nhớ mấy năm rồi không về uống chén rượu ngó lục bình trôi, rồi nhớ bữa trên bến Phú Định đường Trần Xuân Soạn ở quận 7, lên thuyền ngồi với ông Bảy Hương thương hồ ngõ Vĩnh Long lên Sài Gòn bán bông, trái. La đà say, vợ ông nói thôi ông đi ngủ, chú em cũng về đi, rồi bà bật ca: "Bìm bịp kêu con nước lớn anh ơi-Bán buôn lỗ lời chèo chống mỏi mê"...

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.