Sài Gòn giãn cách nhưng không... xa cách: Tất cả vì tình yêu với Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sài Gòn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người ở Sài Gòn vẫn không xa cách mà dìu nhau đi qua gian nan, giúp nhau từ ký gạo, bó rau, phần cơm... như nét đẹp truyền thống ;một miếng khi đói bằng một gói khi no'.
 
Nhóm của thầy Tùng ủng hộ gạo cho người nghèo trong thời gian dịch Covid-19 ở Sài Gòn
Nhóm của thầy Tùng ủng hộ gạo cho người nghèo trong thời gian dịch Covid-19 ở Sài Gòn
Hơn 8 tấn gạo trong những ngày đầu giãn cách
Ngày 11.7, ngày thứ 3 của đợt giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16, nhóm cựu sinh viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa và những doanh nghiệp quen biết do tiến sĩ Hà Anh Tùng, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM kết nối, đã điều phối xong hơn 8 tấn gạo.
Số gạo được chia về các cây ATM gạo tại TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn, Q.Bình Tân cũng như phân phát đến các điểm đang bị cách ly, phong tỏa. Giãn cách theo Chỉ thị 16, lần lượt bà con tới điểm nhận gạo xếp hàng cách xa 2 m, ai cũng rưng rưng vì họ sẽ không đói trong nhiều ngày nữa.
Không chỉ vậy, trong hơn một tháng qua, nhóm của thầy Tùng kết hợp với nhóm thiện nguyện của sư cô Chúc Từ đã đóng góp tất cả 5 cây ATM gạo, luân phiên di chuyển qua các địa bàn khó khăn. Gần 20 tấn gạo, hàng trăm thùng mì ăn liền và khoảng 50 triệu đồng đã được tiếp sức cho nhiều người đang thiếu thốn trong khắp TP vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
 
Những người trẻ nhóm “Góp gạo, nhu yếu phẩm” dù Sài Gòn giãn cách vẫn quyên góp gạo, trứng giúp bà con. ẢNH: NVCC
Những người trẻ nhóm “Góp gạo, nhu yếu phẩm” dù Sài Gòn giãn cách vẫn quyên góp gạo, trứng giúp bà con. ẢNH: NVCC
Bên cạnh đó, thầy Tùng và các thầy cô, cựu sinh viên khoa cơ khí và một số doanh nghiệp đã chung tay đóng góp mua 1 tủ đông và 1 tủ mát gửi tặng các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Trưng Vương. Rồi hàng trăm phần ăn miễn phí cho bệnh viện cũng được hoàn thành nhờ sự kết nối với nhóm thiện nguyện sư cô Chúc Từ.
Giãn cách xã hội, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn ở lại ký túc xá Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Muốn cho các sinh viên yên tâm với những bữa cơm no, nhóm của thầy Tùng phối hợp ban giám đốc ký túc xá kêu gọi các nhà hảo tâm, cùng ủng hộ hàng chục triệu đồng và hàng trăm ký rau củ quả đưa vào bếp ăn. “Các sinh viên sẽ có cơm no trong hết tháng 7 này”, thầy Tùng vui vẻ khoe.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tùng bộc bạch, Sài Gòn bao năm qua luôn là mảnh đất nghĩa tình, sẵn lòng đón nhận những mảnh đời khó khăn từ khắp vùng miền cả nước. Trên nhiều con đường, ngõ hẻm, không khó để thấy những xe bánh mì 0 đồng, những thùng trà đá miễn phí. Do đó, nhóm của thầy cũng tiếp nối tinh thần hào sảng, nghĩa tình của TP này, để cùng chia sẻ khó khăn với những đồng bào, những gia đình đang chạy ăn từng ngày do mất thu nhập vì dịch.
“Tôi mới nhắn tin trên nhóm các cựu sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa vài dòng cần quyên góp tiền mặt, gạo, mì ăn liền, nhu yếu phẩm cho bà con trong dịch, mọi người đã ủng hộ nhiệt tình. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, tất cả chúng tôi làm từ tấm lòng, từ tình yêu với Sài Gòn”, thầy Tùng chia sẻ.
Nhóm “góp gạo, nhu yếu phẩm” luôn sáng đèn
Xuyên suốt từ tháng 5 tới giờ khi TP.HCM chống dịch Covid-19 bùng phát, trải qua các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 (Q.Gò Vấp), Chỉ thị 10 và bây giờ là Chỉ thị 16 toàn thành phố, nhóm “Góp gạo, nhu yếu phẩm cho người yếu thế mùa Covid-19” trên Facebook của những người trẻ luôn sáng đèn.
Mỗi người một thế mạnh, trong nhóm này người vận động được nhà hảo tâm góp gạo, chuối, mắm, trứng; người kết nối được người ủng hộ rau xanh; người nhận vận chuyển hàng miễn phí hay rất nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên bốc xếp, nhận hàng, phát quà tận tay những người nghèo khó...
Có thể kể tới những bạn trẻ hết lòng vì người nghèo như: Phạm Thị Thảo Linh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM; chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.1; chị Tạ Thùy Trang, một trong những thành viên sáng lập Trạm Xanh GreenUp Living; anh Phùng Ân Hưng, giáo viên vật lý Trường THPT An Đông; anh Phạm Văn Minh, Giám đốc điều hành Công ty vận chuyển Vietnam Moving, và nhiều người trẻ thầm lặng khác...
Sài Gòn giãn cách nhưng không... xa cách, những người trẻ vẫn nhắc nhau tuân thủ 5K, bảo đảm an toàn trong quá trình làm thiện nguyện. Ai cũng tâm niệm, làm sao gửi được nhiều nhất những phần gạo, trứng, rau, nước mắm... tới hàng ngàn người gặp khó trong dịch Covid-19.
Chia sẻ những địa điểm bán hàng bình ổn giá
Trước và trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, rau xanh, thực phẩm “cháy” hàng tại nhiều siêu thị, mua thực phẩm cho gia đình trong 1 - 2 ngày cũng trở thành khó khăn với nhiều người. Nhưng những người sống ở Sài Gòn vẫn không xa cách nhau trong lúc này, ai biết những cửa hàng nào bán thực phẩm sạch, bình ổn giá, dồi dào hàng hóa lại chia sẻ công khai trên Facebook để mọi người có thể dễ dàng đặt hàng trên mạng, tránh phải chờ đợi, xếp hàng lâu ở siêu thị.
Chị Hoàng Thị Mẫn, 34 tuổi, trú chung cư Lý Văn Phức, P.Tân Định, Q.1, người chia sẻ danh sách dài những địa điểm bà con có thể đặt hàng trực tuyến, nói: “Tôi cũng từng đi 3, 4 siêu thị mà không có gì để mua, tôi được những bạn bè trên mạng giúp đỡ, bây giờ mình hỗ trợ lại những bạn bè khác, để tất cả cùng mua được rau xanh, đồ ăn trong những ngày giãn cách này”.
Anh Phùng Ân Hưng, người kết nối với bà con Đồng Nai để cùng nhau ủng hộ nhiều tấn chuối cho Sài Gòn suốt từ đầu giúp cộng đồng vượt qua gian khó. Anh tin tưởng qua đợt dịch này, người đi qua hoạn nạn sẽ giúp đỡ những người khác. “Những người trẻ như chúng tôi có sức khỏe, trước đây được thầy cô trau dồi kiến thức thì bây giờ, lúc TP “bị ốm”, tôi và mọi người cần chung sức để TP mau khỏe lại”, anh Hưng bộc bạch.
Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.