Rốn lũ giữa lòng Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường Mẹ Suốt được nhắc đến rất nhiều trong những ngày Đà Nẵng mưa lớn vì khu vực này chính là rốn lũ, có nơi ngập sâu hơn 2 m, người dân luôn sống trong thấp thỏm

"Ám ảnh" là 2 từ mà ông Bùi Văn Lộc - tổ trưởng tổ dân phố 36, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - nói về trận mưa lịch sử ngày 14-10-2022, khi chúng tôi tới khu vực này sau những ngày mưa lớn vừa qua.

Sống sót nhờ… tủ thờ

Tổ dân phố 36 và 37 với tổng cộng 400 hộ dân ở khu vực đường Mẹ Suốt, thuộc phường Hòa Khánh Nam, là nơi ngập lụt nặng nhất của TP Đà Nẵng.

Trong ký ức của ông Lộc, ngày 14-10-2022 mưa trắng trời, to dần về chiều tối. Cứ tưởng sẽ như các trận mưa khác nên người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Đến khoảng 18 giờ, nước ngấp nghé sân nhà nhiều người và chỉ trong vòng nửa giờ sau đã dâng cao hơn 1 m.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Tuyết trong căn nhà nhỏ đã được sửa chữa

Mẹ con bà Nguyễn Thị Tuyết trong căn nhà nhỏ đã được sửa chữa

"Chúng tôi bị động hoàn toàn. Ai ở nhà nấy, không có đường chạy" - ông Lộc nhớ lại. Theo ông, phần lớn nhà ở đây là cấp 4 tạm bợ, không gác xép. Nhiều gia đình phải đưa người già lên tủ thờ ngồi tránh nước. Nồi niêu, vật dụng trôi lềnh bềnh. Thanh niên thì dùng sức đục mái tôn, leo lên nóc nhà. Ai cũng hoảng loạn.

Ông Lộc ra cửa sau nhà mình và chứng kiến cảnh tượng nhốn nháo. Nhiều người đã chui lên ngồi trên nóc mái tôn. Tiếng kêu cứu xé toạc tiếng mưa ầm ầm giữa đêm.

"Lúc đó, tôi chỉ biết khóc và thấy sợ hãi, bất lực vì lo lắng, không biết bao người ở đó sẽ sống chết ra sao. Nhưng may mắn, hầu hết mọi người đều tìm được nơi bấu víu và bảo toàn tính mạng đến khi nước rút" - ông Lộc thở phào.

Trong căn nhà cấp 4 nằm sâu ở kiệt 161 đường Mẹ Suốt, bà Nguyễn Thị Tuyết đang bón thức ăn cho con trai là Phạm Hùng Thành (bị mù và bại liệt). Nghe chúng tôi hỏi về trận mưa ngày 14-10-2022, bà Tuyết kể chiều đó, thấy mưa to nên bà không đi nhặt ve chai như thường lệ mà về nhà lo cho con trai.

Mưa mỗi lúc càng nặng hạt rồi nước ào vào, lên tận chân giường, khiến bà Tuyết hoảng loạn. Hàng xóm gọi nhau, dáo dác chạy lũ. Bà ngồi trên giường cùng con trai cầu trời, khấn Phật, vì không thể ôm Thành mà chạy. May mắn, vợ chồng nhà hàng xóm sau khi đưa con trú lên gác xép, người chồng lội qua, dùng những chai nhựa cột lại với nhau, để dưới gầm giường con trai bà nằm.

Thế là nước dâng đến đâu, giường nổi đến đó. Bà Tuyết và người hàng xóm leo lên nóc tủ quần áo ngồi suốt cả đêm đó trong sợ hãi. Một tay bà cầm chặt dây thừng, kéo chiếc giường để cố định một chỗ. Cầm cự đến sáng, nước rút dần và lực lượng cứu hộ tiếp cận khu vực rốn lũ.

Cách đây mấy ngày, bà Tuyết phải vội vã về nhà trong cơn mưa chiều 13-10. Nghe tiếng mưa, ruột gan bà nóng như lửa đốt, lo sợ mọi chuyện sẽ xảy ra như năm ngoái. May là đầu năm nay, nhờ một đội từ thiện hỗ trợ, bà sửa sang được căn nhà với cái gác xép diện tích tầm 2 m2. Khi nước tràn vào nhà, bà nhờ hàng xóm đưa con trai lên gác. Cái gác cao chưa đầy nửa mét nên bà phải cúi gập người. Từ chiều, bà cùng con trai ở trên gác với gói mì ăn liền cùng bình thủy nước sôi chuẩn bị từ trước.

Hai mẹ con bà Tuyết ăn mì gói cầm hơi đến sáng 14-10 thì được lực lượng cứu hộ đưa xuồng tới, chuyển về Trạm Y tế phường Hòa Khánh Nam để trú qua 5 ngày mưa lũ. Cũng trong sáng này, ngoài mẹ con bà Tuyết, lực lượng chức năng còn cứu hộ thêm 10 người khác trong kiệt 161 và đưa tất cả đến nơi sơ tán an toàn.

Ngày con mất, lại chạy lũ

Đứng trước bàn thờ còn nghi ngút khói hương, chị Huỳnh Thị Hương (ngụ tổ 36, phường Hòa Khánh Nam) khóc vì nhớ con.

Ngày 14-10 năm ngoái, vợ chồng chị Hương đang ở tỉnh Quảng Bình. Anh chị có 4 con, Võ Huỳnh Nguyên Thảo (SN 2006) là con đầu. Chiều đó, chị nhất quyết trở về Đà Nẵng vì nghe dự báo mưa lớn. Chị cùng chồng đón xe về đến tỉnh Thừa Thiên - Huế thì xe ngừng chạy, do giao thông chia cắt. Ngồi trên xe, lòng chị như có lửa. Nhận được điện thoại của em trai ở Quảng Nam báo tin vừa thấy hình con trai út của chị được nhiều người chia sẻ trên mạng, chị Hương vội mở ra xem thì thấy con đang được trùm mền kín mít vì lạnh.

"Tôi hoảng hốt, nghĩ đứa út đây thì còn 3 đứa nữa đâu rồi. Tôi nhắn với người chia sẻ bức ảnh trên. Họ nhắn lại rằng con gái tôi rất dũng cảm, rằng Thảo đã mất vì kiệt sức khi cố đưa em trai 6 tuổi vượt khỏi dòng nước lũ" - chị Hương nghẹn ngào.

Tối đó, 4 đứa con chị Hương ở nhà đến khi nước dâng cao gần 1 m thì mới cùng nhà hàng xóm bấu víu vào các bờ rào tìm cách thoát ra khỏi vùng ngập. Thảo cầm chặt tay em út là Võ Huỳnh Tuấn Khang (SN 2017), tay kia nắm em gái kế Võ Huỳnh Anh Đào (SN 2007). Đào nắm tay chị rất chặt. Một lúc sau, Đào nghe Thảo nói "Khang bị tụt tay", rồi thấy chị gái buông tay mình, ào theo cậu em út.

Thảo ôm em trai trôi theo dòng nước, rồi 2 chị em tấp vào bụi cây cách nhà chỉ 20 m. Thảo kiệt sức dần và qua đời trước khi có người đến cứu. Khang nhờ có chị gái dìu nên ôm được gốc cây và được cứu sống...

Chị Hương cho biết chị đã ngã quỵ và không thể tin đó là sự thật. "Năm nay, đúng ngày 14-10, nhà tôi lại ngập nước. Tôi đưa mấy đứa nhỏ đi sơ tán, còn mình ở lại với bé Thảo. Tôi không muốn bỏ con ở lại nhà lần nữa trong nước lũ" - chị Hương xót xa.

Trong trận mưa lịch sử năm 2022 ở phường Hòa Khánh Nam, ngoài con gái chị Hương, 2 cha con nhà nọ cũng tử nạn trên đường dắt díu nhau đi tránh lũ.

Ngập lụt "chưa từng có"!

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Nam, các trận mưa xảy ra vào tháng 10 trong 2 năm 2022-2023 là chưa từng có ở Đà Nẵng. Trước đây, mưa to chỉ gây ngập cục bộ, riêng trận mưa trong hai ngày 13 và 14-10 của năm 2022 và 2023 là "chưa từng có tiền lệ".

"Phải nói là ngập lụt chứ không đơn thuần là ngập đô thị như trước nữa. Năm ngoái, cả chính quyền lẫn người dân đều trở tay không kịp. Lúc đó mưa to và cô lập mọi nơi chỉ trong thời gian ngắn nên công tác cứu hộ rất khó khăn. Đó là ngày lịch sử!" - ông Dũng nhấn mạnh.

Chị Huỳnh Thị Hương nghẹn ngào khi nhớ lại những ký ức kinh hoàng

Chị Huỳnh Thị Hương nghẹn ngào khi nhớ lại những ký ức kinh hoàng

Năm nay, ông Dũng cho biết mốc thời gian trùng khớp nhưng lượng mưa nhỏ hơn, mức độ ngập cũng nhẹ hơn. Người dân đã có kinh nghiệm từ năm trước nên chủ động mọi thứ, kê cao đồ đạc và sẵn sàng sơ tán.

Phường Hòa Khánh Nam là nơi có nhiều vị trí ngập sâu nhất tại Đà Nẵng, đặc biệt là khu vực đường Mẹ Suốt do đây là vùng thấp trũng và hạ tầng chưa đồng bộ. Khu này trước đây nằm trong vùng giải tỏa của dự án di dời ga đường sắt nhưng nay đã xóa quy hoạch.

Nhà cửa người dân ở đây đa phần xây dựng tạm bợ, không có đủ chỗ trú ẩn khi nước lụt bất ngờ ập đến. Nước lụt ở đây chủ yếu từ núi đổ về, trong khi hệ thống thoát nước và hệ thống kênh chưa bảo đảm. Việc xây dựng nhà trái phép san sát cũng gây áp lực lên hạ tầng, khiến khu này ngập sâu hơn vào những ngày mưa lớn.

Theo ông Dũng, chính quyền địa phương rất vất vả để sơ tán người dân khi ngập lụt. Trong đợt mưa từ ngày 13 đến 17-10 năm nay, phường phải sơ tán hơn 4.000 hộ, chủ yếu ở đường Mẹ Suốt. Trong đó, phần lớn là sơ tán tại chỗ, chỉ hơn 120 người sơ tán tập trung tại hội trường UBND phường và nhà sinh hoạt cộng đồng Đà Sơn.

Ông Dũng cho hay phường không có quy chuẩn nào về việc sơ tán, vì ngập lụt không giống như bão. Bão thì chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, khi gió hạ cấp thì có thể cho người dân về nhà. Đằng này nước ngập nhiều ngày liên tục nên buộc dân phải sơ tán để bảo đảm an toàn. Phường phải kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ mì gói và suất ăn cho người dân trong suốt thời gian sơ tán tại chỗ.

Ông Dũng cho rằng tình trạng này nếu diễn ra lâu dài thì chính quyền phường sẽ rất vất vả và hệ thống chính trị địa phương "không chịu nổi". Những ngày mưa lũ, ngoài lực lượng bộ đội hỗ trợ thì địa phương cũng phải tập trung toàn bộ lực lượng. Ông Dũng mong rằng TP Đà Nẵng nhanh chóng cho làm các tuyến kênh hở, quy hoạch phân khu để chống ngập khu vực này.

Hầu hết người dân ở đường Mẹ Suốt mong muốn được cho phép nâng cao cốt nền nhưng ông Dũng cho rằng cách này chỉ tốn kém và có khi còn gây tác dụng ngược. Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Nam cho hay lãnh đạo Đà Nẵng đã nhận thấy vấn đề ở đây và đang tìm kiếm nhà đầu tư, nhằm tái thiết và quy hoạch lại khu vực này.

Trong khi chờ đợi chính quyền có các động thái phù hợp thì người dân ở đường Mẹ Suốt vẫn phải sống trong thấp thỏm. Bà Tuyết bày tỏ lo ngại vì tin rằng sẽ còn trận mưa như ông bà hay nói "Ông tha mà bà chẳng tha/ Làm cho cái lụt hăm ba tháng mười" (âm lịch). "Nếu lúc đó mưa to hơn nữa thì chúng tôi không biết trở tay thế nào" - bà hoang mang.

Người dân lãnh đủ

Hàng chục hộ dân ở dưới chân Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cũng "chịu không nổi" vì những cơn mưa lớn vừa qua. Bởi lẽ, cụm công nghiệp này làm mái taluy bằng đất, mỗi khi trời mưa thì hàng tấn đất, đá kèm bùn nước lại đổ xuống nhà dân.

Lực lượng chức năng ở TP Đà Nẵng giúp dân trong mưa lũ

Lực lượng chức năng ở TP Đà Nẵng giúp dân trong mưa lũ

Ông Trần Viết Mật (ngụ tổ 5, phường Hòa Thọ Tây) cho biết riêng năm nay, ông đã 12 lần dọn nhà vì bùn, đất tràn vào. "Cái này là nhân tai chứ không phải thiên tai. Tôi ở đây mấy chục năm qua chưa thấy cảnh ấy. Từ khi cụm công nghiệp xây lên là bà con dưới đây lãnh đủ mà không thấy ai lên tiếng" - ông Mật bức xúc.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.