Kẹt lại phía đường ngập...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Không còn gì nữa cả/ Không còn gì nữa cả em ơi!/ Một tháng quê hương không bóng mặt trời/ Một tháng quê hương mưa gào gió thét/ Đất Quảng thân yêu người người rên xiết/ Sáu mươi năm lại đến 'họa năm Thìn'/ Thảm nạn này biết thuở nào quên!'(Thảm nạn quê hương - Tường Linh).
Cầu Khe Rinh ở Phước Ninh. Ảnh: T.V

Cầu Khe Rinh ở Phước Ninh. Ảnh: T.V

Khi rẽ bên kia cầu Nông Sơn vòng xuống đường chạy ven sông, được một khúc, ngó thấy mốc giao thông về Dùi Chiêng (xã Phước Ninh), tôi lại nhớ đoạn thơ bi thảm trên.

1. Lớp người bị khắc ký ức thảm nạn 1964 đó, mà qua năm 2024 là tròn một hoa giáp (60 năm), nay đã qua tuổi 70, như ông già Nguyễn Thí (thôn Bình Yên, xã Phước Ninh, Nông Sơn). Nhà ông cách bờ sông 50m, mà lúc nãy tôi có ra ngó thử, nước chảy kiểu “Sé lở, Tý bồi”, khoét bên này thành một cái vịnh.

Vợ chồng già ở trong ngôi nhà gỗ đơn sơ. Hom hem, duy đôi mắt biết cười, ông kể bi thương mà như hài kịch, cứ như nước bạc, tiếng thét gào, cảnh tan hoang, những người, súc vật vẫy vùng chới với chòi đạp và cái huơ tay cuối cùng chỉ có mưa làm chứng... liên tiếp diễu hành qua trí nhớ như chỉ là để nhớ, và cuối cùng ông hạ một từ “thất kinh” chát chua và đau đớn.

“Ở xã ni, nước sông Cái ở Hòn Kẽm Đá Dừng và nước Khe Sé ở Cấm La trong núi Dùi Chiêng đạp thẳng vô đây. Trụ sở UBND xã Phước Ninh chừ ở nổng cao, hai bên có cánh đồng, hễ mà lút cánh đồng nớ là lớn “thâu eo” rồi.

Chú hỏi thâu eo là chi hả, là từ địa phương, là lụt lớn hung rồi. Năm 1964, nhà Bốn Thơ xóm ni là cao nhứt, cả xóm dồn tới ở. Mười giờ đêm, tôi trèo lên cây bòng, ngó qua, thấy nó sụt cái rầm. Tôi la làng, ủa mà la làng làm cái chi, kêu cho có”.

Ông dừng lại, cười hơ hơ. “Nhà chú có ai ở đó không?” - tôi hỏi. “Có chứ, ông nội tôi và con em ruột tôi trôi xuống tới Khánh Bình, họ vớt được, cho mỗi người chén cơm, uống no nước rồi thì ăn cái chi! Còn ông già tôi chết. Trôi trất lất. Thất kinh. Xóm trong thì cơ quan thôn lúc nớ có cặp cây Lò Bó lớn lắm, tới đó là tránh được, chứ em mô chủ quan ở nhà là trôi lật úp liền” - ông già kể.

“Ủa, không có ghe hả?”. “Có chứ, nhưng chết do chủ quan, mấy ổng nói hồi mô tới chừ nước làm chi tới đây, chứ ghe xã ni đua nhứt Quế Sơn, nó dài 37m, có 43 chỗ ngồi bơi. Ghe đó để ở nhà ông Chín, nhưng… óc tối thui, có chịu lật ghe ra đâu, tới nửa đêm nước bất ngờ lút nóc, chứ lật sớm, chở được cả trăm chứ không ít mô”. Bà vợ ông ngồi mé giường, nói vọng ra: “Đừng có dễ ngươi”.

Tôi đoán bà thầm trách ông, nên bèn hỏi: “Nước lụt hàng năm, nhà chỉ vợ chồng già, chú có chạy vô nhà cộng đồng không?”. “Không, bà vợ đi chứ tôi ở nhà, có ghe mà, coi đồ chứ nó trôi trất lất thì răng”. “Ông dễ ngươi, đừng tưởng giỏi” - bà vợ không tha - “ghe, ở đó mà ghe, lụt là chạy, dễ ngươi là chết, Đà Nẵng còn lút tề!”. Ông lại cười dàn hòa “ừ, lớn thì chạy”.

2. Tôi ngó ông, người sót lại của thảm nạn năm Thìn đó, như lũa cây trân ra, sợ thì sợ, mà trân cứ trân. Đời người vùng thượng nguồn Thu Bồn, chuyện chạy lụt khi mưa tới, như cơm bữa, riết thành nhàm, nên đôi khi… dễ ngươi.

Anh Phạm Đình Đại - Trưởng thôn Bình Yên, kể: “5 năm trở lại đây, thì lụt 2017 là lớn nhất. Có chị đó mới sinh, vận động di dời, chị không chịu. Đến 5 giờ chiều, gia đình chị điện kêu cứu. Tôi không có phương tiện, chỉ còn nhờ ghe máy bà con chở giùm. Nếu có ghe chưa chắc đã dám chạy, vì nước chảy “đứt đuôi rắn”.

Tôi nhận được cái gật đầu của chị Cao Thị Sự - Trưởng thôn Xuân Hòa: “Không chịu đi anh nghe, mà nghi năm ni chủ quan nữa, vì năm ngoái vận động chạy bão số 4, cuối cùng bão không vô, họ nói liền “mấy người nói rứa chứ vô cái chi”. Nói đứt hơi họ cũng không đi, anh Vũ - Chủ tịch UBND xã phải dùng xe cá nhân chở từng người mới chịu đi”.

Cái cười mệt mỏi vang lên chỗ chị Trần Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã: “Anh hỏi lo chi nhứt mùa mưa bão, em thấy sợ nhất là dân chủ quan. Anh biết không, nước lên là ngập hết, vận động người dân tới chỗ cao, qua đêm nước bắt đầu rút, sáng sớm em kiểm tra thì nghe nói bà con bỏ về hết rồi, vừa lo lắng vừa tức điên, chưa chi là bỏ về”.

Bình Yên, Xuân Hòa, Dùi Chiêng, những thôn mà hễ mưa lớn kéo dài, là xuất hiện ngay trên bản tin lũ lụt ở xã Phước Ninh. Mọi thứ bây giờ lộn ngược hết. Trên cao dưới thấp chi đều lút mất, mà ở trên lại lút nhiều hơn.

Ở trên núi nhưng thấp, địa hình hạ độ cao đột ngột, lại sát sông, nó cho phù sa mỡ màng sum thiệm cây trái như miền Nam, nhưng mưa lụt là khổ kinh khủng. “Năm 2017, có 80% nhà dân ngập. Thấp nhất là thôn Xuân Hòa rồi tới Dùi Chiêng, Bình Yên” - chị Ân nói. Xuân Hòa có cầu Khe Rinh nối với Bình Yên. “Tôi nghe anh em ở huyện nói, cầu này mỗi năm ngập 6 - 7 lần…”. Tức thì ba người cùng cười xòa “mười mấy lần thì có”.

Chị Sự nói: “Thôn Xuân Hòa thấp nhất, nước lên là chia cắt 4 đoạn luôn. Em ở xóm trên cùng, muốn kiểm tra xóm dưới đành bó tay. Cầu thấp lắm. Nhớ năm nớ chạy vận động di dời xong, em về nhà, hơn 2 tấn bắp lúa lút chìm nghỉm, còn 20 con heo chạy tán loạn, ngồi trên gác ngó xuống chứ làm chi. Anh Bình công an viên là thợ mộc cũng rứa, hàng gỗ của họ đưa làm, ngập hư hết”.

Nhà cộng đồng ở Phước Ninh, nơi hễ mưa lớn trở thành chỗ trú ngụ sau cùng của bà con. Ảnh: T.V

Nhà cộng đồng ở Phước Ninh, nơi hễ mưa lớn trở thành chỗ trú ngụ sau cùng của bà con. Ảnh: T.V

3. Đường qua xã là quốc lộ 14H, kiến nghị nâng đường miết mà không thấy, ngập trung bình 1,5m. “Lụt 2017, mình báo cáo ngập kinh hoàng, mấy ông ở Cục Đường bộ không tin, chạy ca nô lên đo. Từ mặt cầu tới đỉnh nước là 6m, lúc nớ mấy ổng mới tin” - anh Đại kể.

Tôi nghe, ớn lạnh. Ngập kiểu này, có… quớ làng thì cũng chịu. Cây cầu này làm năm 2007. Có lẽ lúc đó người ta không lường được tần suất lũ ngày càng lớn và nhiều. “Tụi em khổ nhứt cầu ni, hễ có báo mưa lụt là cử người gác ngay. Trung bình ngập 2m” - chị Ân nói. Mọi người nói, hễ mưa lớn kèm thủy điện xả lũ, là… uống nước no. Trước đây dự báo được mực nước, nhưng bây giờ thì chịu, rất đột ngột.

Khi qua cầu, anh Đại chỉ dây điện trên cao chạy song song với cầu và nói “lụt, rều rác trên đó”, làm tôi nhớ cũng mùa lũ năm 2013, tôi đi nhờ ca nô về đây, thấy trâu trôi, rác lửng lơ trên dây điện cao thế. Chỉ có cách sống chung với lũ, cần là di dời ngay, chứ bây giờ không nhiều đất để tái định cư, rồi nhà cửa đã kiên cố, gia tài cả đời là đó, đâu dễ ai bỏ mà đi.

Hơn 10 năm trở lại đây, dân hầu hết bỏ nghề sông nước, ghe thuyền cũng bỏ. Dân không có đã đành, nhưng thuyền cứu hộ, nếu xã có thì cũng như không. “Không có tài công anh ơi” - ông Trương Ngọc Vũ - Chủ tịch UBND xã nói - “muốn học bằng lái phải vô Phú Yên, xa quá, chi phí lại cao, xã không có tiền. Phải có người biết lái chứ, đâu ẩu được”. Kiểu này, nước lớn nửa đêm, lỡ dân kêu cứu, biết lấy chi chở họ? “Tôi khổ nhất là cầu Khe Rinh, ai giúp được nâng cầu lên 3m, dân tôi đội ơn suốt đời” - ông Vũ tha thiết.

Tôi ra về, qua cầu, nước cạn trơ đá, hun hút sâu. Lời ông Vũ vẳng bên tai. Liệu nó có rơi tõm xuống khe, va vào đá, rồi trôi về Cửa Đại như bao lần ở đây kiến nghị? Cầu nằm trên quốc lộ, tỉnh không thể tự tiện làm. Địa phương thì kêu la, khẩn cầu, dân thì tha thiết. Hỏi tới nữa, thì nghe nói là trung ương chưa bố trí được vốn.

Mùa mưa bão lại về. Tôi bỗng thấy mình mắc kẹt trong ước vọng sống bình yên của người dân chốn này, mỗi khi nước dâng tràn tứ bề...

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…