"Thoát nước bền vững"
Ngập lụt đang là mối quan tâm lớn của người dân và chính quyền địa phương ở TP.Đà Nẵng. Từ đầu mùa mưa (tháng 9) đến nay, TP.Đà Nẵng đã trải qua 2 đợt ngập nặng, chính quyền TP đã tổ chức nhiều cuộc họp phân tích nguyên nhân.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đánh giá dù đã triển khai 3 đợt ra quân cao điểm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác khơi thông, nạo vét cửa thu, cống thoát nước theo phạm vi phân cấp quản lý; các đơn vị hầu như chỉ tập trung ưu tiên nạo vét, khơi thông tại những khu vực ngập úng.
Để giải quyết ngập úng, ông Lê Trung Chinh yêu cầu UBND các quận, huyện, Công ty thoát nước và xử lý nước thải, các chủ đầu tư nâng cao hiệu quả khơi thông cửa thu, mương thu nước và nạo vét cống rãnh.
Một số người phải dùng phao di chuyển trong khu dân cư tại P.Hòa Khánh Nam (Đà Nẵng). Ảnh: HUY ĐẠT |
Theo ông Lê Tùng Lâm, Bí thư Quận ủy, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đơn vị Q.Thanh Khê, tình trạng ngập úng do 4 nguyên nhân chính: quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị bất cập; tiến độ cải tạo hệ thống cũ cũng như xây mới hệ thống thoát nước chậm hơn tốc độ phát triển đô thị; việc chuyển đổi nhận thức, hành động về hệ thống thoát nước nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan còn chưa đạt yêu cầu; nguồn lực và năng lực quản lý đô thị, nhất là vận hành hệ thống thoát nước còn hạn chế.
Để giải quyết, cần nguồn lực và thời gian dài, theo kế hoạch cấp thiết trong 5 năm TP.Đà Nẵng cần đầu tư 5.500 tỉ đồng; nhưng trước mắt cần ưu tiên xử lý ngập úng cục bộ khu vực đô thị trung tâm TP, các khu dân cư cũ đã xuống cấp hệ thống thoát nước.
"Để đáp ứng thoát nước đô thị trong tình hình nguồn lực hạn chế, cần theo hướng thoát nước bền vững (thoát nước chậm). Cần xây dựng bể, hầm chứa, cống, giếng điều tiết ở các khu vực không còn ao hồ để điều tiết nước, không gian trữ nước sử dụng đất công và tư, bố trí không gian ngầm và lộ thiên, cải tạo vỉa hè tăng hệ số thấm, có kế hoạch và phân cấp quản lý thoát nước hiệu quả. Chấp nhận một số khu vực bị ngập nhưng mức độ chấp nhận được, trang bị kịch bản ứng phó với nội dung đơn giản, có bản đồ ngập úng để mỗi nhà dễ thực hiện", ông Lê Tùng Lâm nói.
Chống ngập nội đô, bài toán khó
Tại Quảng Nam, một lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ cho rằng từ năm 2018 đến nay, tình trạng ngập của đô thị Tam Kỳ ngày càng tăng lên cả về tần suất, mức ngập cũng như diện tích. Nguyên nhân khách quan là lượng mưa quá lớn khiến lượng nước ngoại lai từ các huyện Thăng Bình, Phú Ninh chảy về các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang quá lớn. Nguyên nhân chủ quan là hiện nay đang thi công nâng cấp mở rộng hệ thống thoát ở hạ lưu nhưng chưa kịp hoàn thiện.
Tại hội thảo đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận diễn ra mới đây, PGS-TS Nguyễn Chí Công (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) cho rằng, TP.Tam Kỳ những năm gần đây cho thấy có 2 dạng ngập lụt. Một là ngập diện rộng, do nước sông Tam Kỳ và Bàn Thạch dâng cao khiến nước nội đô không thoát ra sông được, thậm chí có hiện tượng chảy ngược. Hai là ngập nội đô, dù mức nước sông Bàn Thạch, Tam Kỳ thấp, nước nội đô vẫn không thoát ra sông được. Ngoài ra, năng lực tiêu thoát lũ của hệ thống sông cũng là một trong những nguyên nhân.
PGS-TS Công cho rằng, nguyên nhân chính được xác định là lượng mưa quá lớn cực đoan, nhưng hệ thống thoát nước không đáp ứng nên nước nội đô rút chậm gây ngập úng. Để nâng cao năng lực thoát lũ, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cho nội thị, hạ thấp mực nước sông Bàn Thạch, Tam Kỳ để nước nội đô tiêu thoát nhanh. Ngoài ra, cần phân lũ từ sông Bàn Thạch qua sông Trường Giang và thoát lũ từ sông Trường Giang ra biển. Thêm nữa, cần khơi thông tuyến cống ngầm, khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước trong khu vực nội thị và trên các tiểu lưu vực sông Bàn Thạch.
Tại Thừa Thiên-Huế, những năm gần đây, khi nhắc đến "vùng trũng", người dân TP.Huế nghĩ ngay đến các khu đô thị phía đông nam TP. Trước kia, đây là khu vực đồng ruộng, 5 năm trở lại đây được quy hoạch, phát triển đô thị với loạt công trình nhà ở xã hội, chung cư cao cấp, dự án nhà liền kề, trung tâm thương mại…
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên qua các trận lũ gần đây (năm 2022 và 2023), chỉ cần hứng một trận mưa lớn, các con đường phía đông nam TP.Huế như Hoàng Lanh, Vũ Thắng, Nguyễn Lộ Trạch (P.Xuân Phú), An Cựu City (P.An Đông) đã ngập từ 0,5 - 0,8 m, có nơi hơn 1 m.
Theo ông Nguyễn Trí Đảm (người dân P.Xuân Phú), việc nâng cấp mở rộng, tăng chiều cao đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp như một "con đê" chắn nước, biến khu đô thị mới này trở thành vùng thấp trũng thường xuyên bị ngập úng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Huế, nhìn nhận ngập úng đô thị một phần do tác động thời tiết cực đoan, mưa lớn và kéo dài. Cụ thể, trong đợt mưa vừa qua (12 - 14.10), lượng mưa đo được tại Phú Ốc (TX.Hương Trà) phổ biến lên đến 147 mm/giờ. "Đây là lượng mưa rất lớn, trước đây lượng mưa lớn nhất cũng chỉ khoảng 40 - 50 mm/giờ", ông Hùng nói.
Cao trình ở Đà Nẵng không đúng với cao trình bản đồ địa hình quốc gia?
Không chỉ riêng đợt mưa lần này mà mỗi khi có trận mưa không quá lớn, Đà Nẵng lại "chìm trong biển nước". Chính vì vậy, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng Đà Nẵng cần hết sức chú ý bởi diễn biến mưa rất phức tạp.
"Tôi nhận thấy cao trình ở Đà Nẵng dường như không đúng với cao trình ở bản đồ địa hình quốc gia. Cần phải kiểm tra lại cao trình ở thành phố này vì mưa không lớn nhưng nhiều nơi vẫn bị ngập", GS Hồng nói.
Theo GS Hồng, Đà Nẵng rất gần sông, gần biển, dân cư thưa nhưng nước ở trong thành phố không thoát được ra ngoài, nhiều khả năng cao trình ở đây có sự sai lệch, thấp hơn sông, biển nên mới xảy ra tình trạng này.
Đình Huy
Tiết diện đường ống cống chỉ là một yếu tố
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đã chủ động ban hành sửa đổi, cập nhật tăng tiết diện đường ống cống thoát nước ở các đô thị đầy đủ.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc quy hoạch đô thị, cho rằng việc ngập lụt khi có mưa lớn ở nhiều thành phố không thể chỉ quy kết cho thiết kế tiết diện đường ống cống nhỏ, chỉ nên xem xét tiết diện đường ống cống là một yếu tố khi tìm hiểu về đô thị ngập lụt lúc trời mưa to.
Theo ông Tùng, để tìm hiểu nguyên nhân nhiều thành phố ngập lụt khi mưa lớn, cần xem xét đặc trưng của mỗi đô thị, từng khu vực bị nước dâng do không thoát kịp lượng mưa xuống. Đồng thời, cần xem xét lại chất lượng quy hoạch đô thị khi gần đây có cả những khu đô thị mới cũng bị ngập lụt khi mưa lớn chứ không riêng khu vực hình thành đã lâu.
"Hiện tượng đổ dầu mỡ thải xuống cống, vứt rác, nhất là vứt túi nilon bừa bãi xuống kênh, mương, ao, hồ, cống… còn rất phổ biến. Ý thức vệ sinh môi trường kém thì góp phần rất lớn khiến mưa lớn là đường ngập lụt", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, nếu cứ chỉ quy kết tiết diện đường ống cống thoát nước ở đô thị nhỏ để nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn lên sẽ dễ vướng vào chuyện lãng phí nguồn lực. "Cần làm rõ thấu đáo nguyên nhân gây ngập lụt ở mỗi thành phố khi mưa lớn, từ đó sẽ tìm ra giải pháp phù hợp", ông Tùng nói.
Lê Quân