Quê hương bên những ngọn đồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Năm 2014, sau khoảng thời gian trở về từ giảng đường đại học mà chưa tìm được việc, tôi quyết định vào TP. Hồ Chí Minh. Xe lăn bánh, đêm thật dài, tôi kéo rèm nhìn ra bóng tối trôi bên đường, nghĩ mông lung về những gì đang chờ mình khi xe dừng ở Bến xe Miền Đông mà tự nhiên trống trải.

Nhưng rồi, không duyên nợ, tôi trở về ít ngày sau đó. Gửi lại một đô thị mênh mông mà những lúc muốn sang đường phải níu tay người lạ.

Kể từ dạo ấy, tôi không xa Gia Lai thêm một lần nào nữa. Mỗi người trong chúng ta đều có quyền rời chính nơi mình sinh ra và lớn lên để đi tìm phương kế sinh nhai trên miền đất lạ. Nhưng đi loanh quanh rồi lại trở về để gắn bó dài lâu thì hẳn là duyên số. Với Gia Lai, tôi đang được sống một cuộc đời giản đơn mà nhẹ nhàng hệt như mình mong mỏi. Biết năm tháng còn dài, không liệu hết được những việc của ngày sau nhưng niềm tin về một vùng đất cứ mãi thong dong trong tôi chắc không bao giờ suy suyển.

Có phải khi mơ ước lớn không thành thì người ta mới biết quay về với điều bình dị? Chuyện của kẻ lữ hành là dấn bước. Nhưng chắc không gì tự tin và ấm áp hơn khi được đi trên những con đường của quê hương, nơi luôn có “chùm khế ngọt” mà nhiều người tha phương vẫn đau đáu nhớ về.

Tôi biết mình chưa sống đến tận cùng, dù có thể như ai đó từng nói, phải sống đến tận cùng may ra mới hiểu đôi điều về thế giới. Nhưng cái nghĩa tình dành cho quê hương mà đợi đến tận cùng mới hiểu ra thì e là quá muộn.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Ở Gia Lai, nếu đừng vội kể đến một vài ước mộng nhỏ chưa thành thì tôi gần như đủ đầy vì đã tìm được những gì phù hợp với bản thân. Sáng sáng chờ nghe những giọt cà phê nối ngày, đón chút phập phồng sương giăng ven hồ lúc tinh mơ, ngắm ô cửa sáng đèn cho câu thơ và thi thoảng hẹn gặp vài tình thân trong phố để thấy mình biết nhớ.

Ơn quê hương cho tôi sống những ngày không cần kiểu cách, bóng bẩy mà vẫn nhận được bao thương mến, chở che. Tôi đi với nhịp điệu riêng mang, cố không nhận lấy bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Cao nguyên “xua” tôi chọn lấy cuộc đời không xa lánh điều gì, chẳng ẩn náu trong điều chi. Cứ qua thêm một biến cố lại thấy mình bình thản, sống chậm rãi và dễ thông cảm với đời hơn. Hình như tôi cũng dần yêu xứ sở này bằng một tình yêu điềm nhiên như thế.

Đô thị hóa từ lâu nhưng có vẻ cái thơ thới, thanh nhàn vẫn còn đọng trên từng nhịp phố. Phải chăng vì phố ở quanh đồi? Đã gọi là quê hương thì nơi nào cũng đáng sống và dễ sống, bằng cách này hay cách khác. Nhưng không thể phủ nhận Gia Lai là một trong những vùng đất dễ làm cho tâm hồn con người phong phú hơn, bằng núi đồi, sông suối, thác ghềnh…

Âm điệu của thiên nhiên đã cộng hưởng để tạo nên những rung cảm nhẹ nhàng trong lòng người. Tâm thế sống là điều quan trọng hơn cả. Nghĩa là khi chúng ta chán chường, mất kết nối với xung quanh thì nơi nào cũng trở nên khó sống. Chỉ có điều, trong sâu thẳm, quê hương Gia Lai với tôi vẫn là một niềm cảm hứng.

Những ngày này, Gia Lai đẹp quá. Tôi chạy xe trên đường và cứ nhủ thầm như thế. Biết chừng nào tôi mới có thể viết được một cuốn sách để kể dông dài những câu chuyện về quê hương, về nắng sớm tháng ba rải đường cho bầy ong tìm mật, về những ngọn đồi sải cánh chim trời và tháng năm tôi sống chỉ để chờ gặp một lần sương mờ ngang phố.

Mặt trời tỏa ánh sáng đi muôn nơi nhưng dường như chỉ khi nào đứng ở đâu đó trên miền đất đỏ thân thuộc, tôi mới có cảm giác ánh sáng ấy đủ sức sưởi ấm và soi tỏ tất cả. Tình yêu hay khiến cho con người trở nên thiên vị như thế.

Tôi hay trêu những người bạn thân thiết, yêu Gia Lai đến thế sao lại nỡ rời đi. Bạn trả lời thật nghiêm túc, rằng tình yêu là điều có thể cất trong tim mà. Tôi như đang nghe thấy từ xa một tiếng hát nhỏ vọng về thủ thỉ. Bạn nói đúng! Khi ở gần bên, người ta yêu quê hương bằng những chiều chạy lên đồi ngóng gió. Khi xa rồi, ta yêu quê hương bằng nỗi nhớ. Chẳng phải tình yêu muôn đời là nỗi nhớ hay sao?

Trước khi sinh ra, tôi không được chọn nơi nào là quê hương của mình. Như thể bố tôi người gốc Bắc nhưng nơi chôn nhau cắt rốn của tôi lại là Tây Nguyên. Bao giờ tôi cũng muốn nói ra một điều gì đó với quê hương, trước khi tự nói điều gì đó với chính mình.

Có thể bạn quan tâm

Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Ly cà phê tím

Ly cà phê tím

Sông Túy Loan tím ngát. Những vệt ráng mây in bóng tím. Dãy núi xa xa in bóng tím. Đó là khi hoàng hôn, khi trời nước hoàng hôn, khi lòng người hoàng hôn! Nước nhuốm màu tâm trạng gã “trai Quảng” đã cũ, đã đi qua quãng đời gập ghềnh, sóng gió, nay về soi mặt vào sông quê.
Khoảng lặng bình yên

Khoảng lặng bình yên

(GLO)- Hàng ngày, cửa sổ phòng tôi vẫn mở về phía núi. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, nhấp một ngụm trà là đã có thể tự hào với bạn bè rằng mình thuộc về núi rừng và phố núi luôn là “background” phía sau cuộc đời mình.
Mùa trâm chín

Mùa trâm chín

(GLO)- Thấy cô bạn chia sẻ hình ảnh những quả trâm chín đựng trong chiếc nón lá với dòng status “Tuổi thơ dữ dội”, lòng tôi trào dâng bao hoài niệm. Những quả trâm chín tím mọng kia chính là một phần của tuổi thơ tôi.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...
Tản mạn từ vuông cửa

Tản mạn từ vuông cửa

(GLO)- Cửa sổ phòng làm việc của tôi nhìn ra một vòm cây. Từ khoảng ô vuông này, có thể cảm nhận được sự luân chuyển của thời gian. Nếu dùng máy ảnh để ghi lại những thời khắc cây lá chuyển mình sẽ nhận ra thời gian có những bước đi tưởng chừng như vô hình mà cũng đầy dấu ấn.