(GLO)- Yaourt Thủy, chè bà Dũng, bánh cuốn bà Nho, quán lụi bà Sáu… là những địa chỉ ăn vặt quen thuộc của nhiều thế hệ người dân phố núi Pleiku. Mặc dù tình hình kinh doanh thay đổi song các hàng quán này vẫn duy trì hoạt động đều đặn, như nơi gìn giữ ký ức một thời.
Ăn vặt thời bao cấp
Chiều muộn một ngày tháng 8, Pleiku mưa lất phất, từng cơn gió nhẹ đuổi theo những chiếc lá rơi trên hè phố. Bên trong quán Yaourt Thủy nằm ở số 55B Nguyễn Du, ông Phạm Lành thảnh thơi ngồi chơi cờ vây cùng cháu. Thỉnh thoảng, vài người khách chạy vào, rũ áo mưa, kéo ghế ngồi xuống bên chiếc bàn nhựa. Không đợi khách lên tiếng, ông Lành đứng dậy hỏi: “Con ăn một mình hả?”. “Dạ con đi 2 người”. Không nói thêm, ông Lành đến bên chiếc tủ đông, lấy 8 hũ sữa chua nhỏ bỏ lên chiếc đĩa, không quên thêm chén muối hầm bưng ra. Khách ngồi thưởng thức vị ngọt hòa quyện với vị chua thanh, vị béo của nước dừa cùng thêm chút mặn đậm đà của muối hầm, cuốn theo những câu chuyện nhỏ to, rì rầm lẫn trong tiếng mưa ngoài trời. Ván cờ của ông Lành với đứa cháu cứ kéo dài ra mãi bởi lâu lâu, ông lại đứng dậy đưa thêm yaourt hay tính tiền cho khách.
Ngay cả ông Lành cũng không nhớ rõ tiệm yaourt của mình mở bán chính xác từ năm nào. Trong ký ức của người đàn ông ở tuổi 76 thì khi đó vẫn còn bao cấp, hàng quán ít ỏi, yaourt của gia đình ông là tiệm ăn vặt gần như đầu tiên ở Phố núi lúc bấy giờ. Ông hồi nhớ: “Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, vợ chồng tôi mở quán. Khi ấy, cả hai đều làm Nhà nước, lương vỏn vẹn 36 đồng. Thời tem phiếu mà, cái gì cũng thiếu thốn, vợ tôi phải kinh doanh thêm để nuôi con cái”. Quán mở lúc ấy gần như một “hiện tượng”, lúc nào cũng tấp nập. Đây là điểm đến yêu thích của nhiều thế hệ học sinh, nhất là nữ sinh. Giữa lúc quán xá ít ỏi, tiệm còn là điểm hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi. Ngoài sữa chua dừa, quán còn có kem chuối. Giá thấp chỉ từ vài hào đến vài xu nên lúc nào cũng đông khách. Công việc ủ sữa chua, làm kem được bà Từ Thị Hương Thủy-vợ ông Lành đảm nhiệm. “Sau này việc nhiều, lại có tuổi nên quán chỉ bán yaourt thôi. Vợ tôi tự mày mò làm công thức riêng. Lúc đầu cũng khó do phải căn nhiệt độ thời tiết, trời nắng ủ khác, mưa ủ khác. Cũng bị hỏng nhiều lắm mới hoàn chỉnh được”-ông Lành bộc bạch.
|
Quán chè bà Dũng (50 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) có thực đơn ngày càng phong phú song vẫn giữ được hương vị ngày xưa. Ảnh: Phương Linh |
Cũng trở thành “thương hiệu” quán ăn vặt một thời ở Phố núi, chè bà Dũng (50 Nguyễn Thái Học) nay đã bước sang... tuổi 40. Bà Lưu Thị Hồng Minh-chủ quán chè bà Dũng-khẽ khàng kể lại: “Mẹ tôi (bà Phan Thị Tâm-N.V) trước đây vẫn hay nấu chè gánh ra chợ bán. Sau thấy sức yếu, mẹ tôi mới mở quán, nấu chè bán ở trước nhà, lấy tên người anh đầu của tôi là Dũng để đặt tên quán. Ngày đó, đâu có phòng ốc đàng hoàng như thế này, vài chiếc bàn kê dưới mấy gốc thông già với 2-3 nồi chè. Ấy vậy mà khách vẫn đến đông lắm”. Món nổi tiếng của chè bà Dũng khi ấy là chè chuối nướng, chè khoai môn, đậu ván, đậu xanh, trôi nước, thập cẩm. Phố núi xưa còn thưa thớt hàng quán nên chè bà Dũng nhanh chóng nổi danh. Bà Minh kể, có những ngày, quán chưa kịp mở cửa, học sinh đã ùa vào, tự lấy bàn ghế ra xếp ngồi đợi sẵn. Quán mở bán từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày và lúc nào khách cũng tấp nập. Sau này, con hẻm nhỏ biến thành nhà dân. Quán chè bà Dũng mở ra mặt tiền đường Nguyễn Thái Học. Giờ đây, quán khang trang hơn, thực đơn cũng dài hơn với 31 món nhưng từng món chè vẫn bình dị và giữ hương vị như xưa. Đặc biệt, quán vẫn đông khách dù Pleiku nay đã có thêm nhiều hàng quán. Để chuẩn bị cho thực đơn dài ấy, bà Minh thường phải thức dậy từ lúc 3 giờ để hầm đậu, hòa trộn nguyên liệu, chế biến. Cả ngày, bà vẫn luôn tay luôn chân để vừa bán cho khách vừa kịp chuẩn bị nguyên liệu cho nồi chè hôm sau.
|
Nhân viên của quán lụi bà Sáu chuẩn bị nguyên liệu cho món lụi xiên nướng. Ảnh: Phương Linh |
Trong ký ức của thế hệ 8X, 9X ở Phố núi hẳn không thể không biết quán lụi bà Sáu (122 Cao Bá Quát). Bà Đinh Thị Chỉnh (70 tuổi) từng tốt nghiệp trung cấp nấu ăn, phục vụ thời gian dài trong bếp ăn của Nhà nước. Sau khi cơ quan giải thể, bà về buôn bán tại nhà. Ban đầu, bà bán phở nhưng lời lãi chẳng là bao nên chuyển sang làm xiên lụi nướng. Không ngờ, món bánh tráng cuộn nhân thịt heo xíu mại nướng chấm với mắm me chua ngọt lại hút khách, nức tiếng gần xa. Gần 20 năm, quán lụi bà Sáu chẳng cần bảng hiệu mà khách vẫn nườm nượp. Từ xa, mùi thịt nướng đã thơm lừng khắp phố. Từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày là khoảng thời gian đông khách nhất, những mẻ xiên lụi, bò cuốn lá lốt liên tục nướng trên bếp than đỏ rực. Chị Nguyễn Thị Hường nhận việc phụ giúp bà Chỉnh làm lụi từ khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, nay thì ở luôn với gia đình bà. Chị Hường nhớ lại: “Lúc mới mở, quán đã đông khách, do món ăn vừa lạ vừa ngon. Khách đủ mọi thành phần, nhiều nhất là học sinh, dân văn phòng. Có nhiều hôm làm không kịp, khách cũng xắn tay áo vào tự cuốn, tự nướng để ăn luôn. Có ngày bán đến hơn trăm ràng bánh tráng”.
Hàng quán của ký ức
Hơn 40 năm, quán yaourt của gia đình ông Lành chẳng đổi khác so với ngày đầu là bao. Tấm biển hiệu “Yaourt Thủy” được sơn vẽ tay từ ngày đầu mở quán vẫn nằm nguyên một vị trí. Bên trong căn phòng vỏn vẹn 16 m2 đặt vừa đủ 7 bộ bàn ghế nhựa nhỏ, khách đông một chút là lưng ghế chạm vào nhau. Có chăng, nền quán bằng xi măng đã được thay thế bằng lớp gạch men mới. Nhiều khách hàng ăn yaourt từ thuở còn là học sinh, đến giờ có người đã có cháu vẫn tiếp tục đến ủng hộ. Giữa vô vàn món ăn vặt mới mẻ, phong phú, hương vị yaourt Thủy vẫn có sức hút riêng. Bà Lê Thị Huê (tổ 5, phường Yên Đổ) bày tỏ: “Khi xưa, tôi vẫn thường cùng bạn bè đến ăn yaourt ở đây. Ngày ấy, quán ăn vặt ở Pleiku rất ít nên tiệm này rất đông khách. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đến ăn hoặc mua về, mấy đứa nhà tôi cũng là khách quen ở đây. Mỗi lần ăn đều cảm nhận được hương vị của ngày xưa, thời thiếu thốn, có lẽ vì vậy mà thấy ngon. Ngoài yaourt Thủy, tôi nhớ còn có quán bánh cuốn bà Nho, quán Nhớ, bánh xèo Bến xe Nhỏ… Đây đều là những hàng quán nức tiếng một thời đến bây giờ vẫn còn hoạt động”.
Không chỉ là ký ức của những người sống lâu năm ở Pleiku, hàng quán ăn vặt xưa còn níu chân những đứa con đi xa trở về. Chị Lê Thị Thùy Linh (trú tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Pleiku, sau này có gia đình nên về đồng bằng. Mỗi lần về lại Pleiku, tôi đều rủ bạn bè hoặc đưa người thân của mình đi ăn xiên lụi bà Sáu, ăn chè bà Dũng, sữa chua dừa… Với riêng tôi, những món ăn này từ lâu đã trở thành món ngon riêng có của Pleiku”. Còn anh Đỗ Thế Vinh (hẻm 236 Lê Duẩn, phường Trà Bá), trong ký ức tuổi niên thiếu khó khăn, âm thanh đùng đùng dội vào cột nhà của tiệm làm kẹo kéo sát bên anh không bao giờ quên. Tuổi thơ của anh còn là niềm háo hức mỗi lần được mẹ cho vài xu đi ăn bánh dày chợ Nhỏ, chè bà Giỏi ở đường Lê Lợi hay đĩa bánh cuốn Bắc phía trước cổng trường.
|
Ông Phạm Lành-Chủ quán Yaourt Thủy vẫn ngày ngày duy trì hoạt động của quán như gìn giữ ký ức. Ảnh: Phương Linh |
Có lẽ không riêng khách hàng, ký ức là một trong nhiều lý do để chủ nhân các tiệm ăn vặt duy trì hoạt động. Điều khiến bà Minh tự hào nhất chính là gìn giữ được tiếng tăm của chè bà Dũng do mẹ gầy dựng suốt bao năm qua. Bà tâm sự: “Hầu như tôi không nghỉ ngày nào từ lúc mẹ mất tới giờ. Ngày ngày, thấy khách đến gọi món và ăn hết chè trong cốc, tôi thấy rất hạnh phúc. Có nhiều khách từ hồi mẹ tôi còn bán, bây giờ dẫn con cháu đến thưởng thức và nhắc lại ngày xưa, như vậy tôi đã rất vui rồi”. Với ông Lành thì: “Nhiều người đến hỏi thuê nhà lắm, bạn bè cũng khuyên già rồi còn ráng buôn bán làm gì nhưng vợ chồng tôi nghĩ mình làm quen, đi ra đi vô nói chuyện với khách, gặp lại người quen đến ăn là thấy vui, thấy khỏe. Bây giờ, khách không bao nhiêu, có ngày bán chưa đến 100 hũ sữa chua nhưng thôi, còn người nhớ đến mình thì còn bán”.
Theo xu thế, hàng quán ở Pleiku mọc lên ngày càng nhiều. Người từ khắp nơi tìm đến an cư lạc nghiệp, đem theo các món đặc sản quê hương làm kế sinh nhai nên phong vị ẩm thực Phố núi vì thế thêm đa dạng, hấp dẫn. Dù vậy, những tiệm ăn vặt ngày nào vẫn yên bình ở đó, bình lặng bán buôn như một điểm dừng chân của ký ức những người xưa cũ.
PHƯƠNG LINH