Trung Trung Đỉnh: Một tình yêu sâu đậm với Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi chơi với nhà văn Trung Trung Đỉnh kể cũng đã hơn 40 năm, nhưng qua mỗi tác phẩm của anh, tôi như lại được khám phá thêm những điều còn chưa biết về tác giả, về người bạn mà mình ngỡ như đã tường tận rồi. Cũng như thế, cái cách mà Trung Trung Đỉnh gắn bó với quê hương Gia Lai, với Tây Nguyên cũng là cách anh liên tục khám phá những điều mới lạ từ những con người ngỡ như đã thân quen rồi.
1. Tôi muốn bắt đầu bài viết của mình về nhà văn Trung Trung Đỉnh từ một chuyện vui xảy ra ở Trại sáng tác văn học Quân khu 5, vào quãng năm 1976. Ấn tượng nhất của tôi về anh là hình ảnh Trung Trung Đỉnh… chạy.
“Chạy” đây không phải chạy chức, chạy quyền hay chạy… làng, mà đơn giản chỉ là… chạy bộ. Nhưng không phải chạy bộ theo lối tập thể dục buổi sáng, mà bị phạt phải chạy theo quân lệnh. Chạy kiểu đó mệt người lắm, lại căng thẳng đầu óc nữa.
Số là, hồi chiến tranh, Trung Trung Đỉnh là lính bám trụ ở địa bàn Gia Lai-quê hương Anh hùng Núp, lại tập tò viết văn, được nhà văn Nguyễn Chí Trung chiếu “mắt xanh” và phát hiện ngay từ đầu, lúc anh mới viết được cái bút ký hay truyện ngắn gì đó. Nhận thấy tài năng của Đỉnh, ông Trung quyết khi có cơ hội sẽ “biến” Trung Trung Đỉnh thành nhà văn thực thụ.
Và cơ hội đã đến. Ngay sau hòa bình, nhà văn Nguyễn Chí Trung “đàn hát” thế nào mà ông Hai Mạnh (bí danh của Đại tướng Chu Huy Mân-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khi ấy là Tư lệnh Quân khu 5) cho mở ngay tại Quân khu 5 một trại sáng tác văn học về đề tài chiến tranh. Nhiều nhà văn đã thành danh ở chiến trường khu 5 được ông Trung kéo về, kể cả một nhà thơ trẻ chưa có “danh gì với núi sông” như tôi, lại ở chiến trường Nam bộ. Tất cả tụ dưới “mái nhà chung” là khu nhà số 10 Lý Tự Trọng (TP. Đà Nẵng). Trung Trung Đỉnh về sau chúng tôi 1 năm và anh đúng là trẻ thật, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.
Ông Trung tuy không dùng roi vọt để đào tạo nhà văn, nhưng ông dùng kỷ luật sắt để khép (nhất là các nhà văn trẻ) vào khuôn phép. Trung Trung Đỉnh không phải ngoại lệ. Mà lúc bấy giờ, “ngoại lệ” là tôi, Thái Bá Lợi và Ngô Thế Oanh. Tôi thì ông Trung đích thân xin về (chứ không phải tôi xin về với trại của ông) nên ông có phần e ngại; Thái Bá Lợi tuy là lính của ông Trung nhưng đã thành danh, là một nhà văn trẻ đang nổi tiếng, có những tác phẩm được dư luận rất quan tâm, nên ông Trung có phần nể. Còn Ngô Thế Oanh thì hiền lành nhưng là một trí thức thực thụ mà ông Trung không thể không kiêng dè. Xem đi xem lại, chỉ còn Trung Trung Đỉnh là đủ điều kiện để ông Trung khép vào “kỷ luật sắt”. Nhưng Đỉnh mới về trại là bám ngay lấy mấy anh em chúng tôi chơi cùng, nhậu cùng. Điều đó khiến ông Trung rất phiền lòng. Ông đã nhiều lần cảnh cáo Đỉnh không được tụ bạ với tôi và Thái Bá Lợi, nhưng Đỉnh “chứng nào tật ấy”. Thế là vào một đêm, cơ quan họp, chúng tôi, có cả Đỉnh, đi nhậu la đà đến say khướt. Lúc chúng tôi về đến nơi thì cơ quan họp sắp xong. Ông Trung cáu lắm, nhưng không nói gì. Đợi tan họp, ông mới gọi riêng Đỉnh ra sân cơ quan. Rồi ông hô: “Nghiêm! Chạy vòng quanh sân, chạy!” Sân cơ quan hồi ấy khá rộng, chạy một vòng khoảng trăm mét. Đỉnh lại đang say. Nhưng “quân lệnh như sơn”, không thể không chấp hành. Đỉnh chạy được một vòng, tưởng thoát, nào ngờ: “Chạy tiếp 5 vòng, chạy!”. Khi chạy xong 5 vòng, Đỉnh suýt… gục ngã. Sáng hôm sau, tôi mới nghe Đỉnh kể lại hình phạt hồi hôm. Chúng tôi bò ra cười. Lợi nói: “Ông Trung có cốt tướng đấy!”. Chẳng ngờ, câu nói vu vơ của anh nhà văn này lại thành câu tiên đoán chính xác. Sau này, ông Trung lên tướng. Còn Trung Trung Đỉnh, có lẽ nhờ chạy mấy vòng sân mà thành nhà văn nổi tiếng. Dĩ nhiên, không phải nổi tiếng vì… chạy. Mà vì tác phẩm.
 Nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: internet
Nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: internet
Tính ra, từ ngày bị (hay được) nhà văn Nguyễn Chí Trung phạt chạy, đến nay Trung Trung Đỉnh đã viết hơn chục đầu sách, đa số là tiểu thuyết. Trong đó, tác phẩm viết về Gia Lai, về Tây Nguyên chiếm số lượng và chất lượng áp đảo, mang lại Giải thưởng Nhà nước (đợt 2) năm 2007 cho Trung Trung Đỉnh.
2. Không ngoa khi cho rằng, Trung Trung Đỉnh cần cù hơn con ong, mạnh mẽ hơn con cọp, chắt chiu vốn liếng về Tây Nguyên, về Gia Lai hơn những nhà tỷ phú keo kiệt nhất. Anh cứ thế, mỗi năm đều đặn về Gia Lai, về với buôn làng, với những người du kích mà anh từng đồng cam cộng khổ suốt những năm chiến tranh. Về để sống. Về để viết. Mỗi nhà văn nhà thơ đều có một quê hương để yêu thương gắn bó suốt cuộc đời mình. Nhưng với Trung Trung Đỉnh, ngoài quê mẹ ở huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng), anh còn một quê hương tha thiết suốt đời, đó là Gia Lai, là Tây Nguyên. Vậy nên, cái cách anh viết về cộng đồng Bahnar mới hiện thực, gần gũi và thân thương làm sao!
Trong ngót chục tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh đã xuất bản, tôi ấn tượng nhất với tiểu thuyết “Lạc rừng”. Theo tôi, đó là một tiểu thuyết hoàn hảo cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Tiểu thuyết là kể một câu chuyện ra đầu ra đũa hoặc không ra đầu ra đũa, với người kể chuyện có mặt hay giấu mặt. Nó có thể vừa tái hiện vừa phát hiện đời sống ở những ngóc ngách thâm sâu cũng như ở những chuyện thường ngày. Chuyện lạc trong rừng của một anh Bình bộ đội mới 18 tuổi, từ Bắc vào chiến đấu ở Tây Nguyên, đánh chác chưa được là bao thì bị lạc đơn vị, lạc luôn trong rừng sâu núi thẳm. Rồi lạc vào một cộng đồng người Bahnar, giữa một ngôi làng nhỏ. Từ đây, Bình phải cố gắng hòa nhập một cộng đồng xa lạ với anh về mọi mặt. Chỉ có một thứ giống anh là ý chí đánh giặc. Vâng, đánh giặc thì ít mà chạy giặc thì nhiều. Vì đó chỉ là một nhúm người nhỏ bé, phải đối đầu với một guồng máy chiến tranh rất khoa học, rất bài bản của Mỹ.
Sức mạnh và sức thuyết phục lớn của “Lạc rừng” là tác giả không hề giấu giếm con người thật của nhân vật chính xưng “tôi”. Đi suốt tiểu thuyết là một giọng tự thú chân thành và ngây thơ. Nhân vật Bình đã trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm do cách sống ngây thơ, thành thật của mình, nhưng đó lại là cánh cửa giúp anh bước vào một cộng đồng mà anh khát khao hòa nhập. 
Tiểu thuyết là một thể loại có khả năng “hút” mạnh nhất, bởi nó đã có cái lõi nam châm là một câu chuyện. Mặc dù rất yêu mến nhân vật của mình (“Lạc rừng” có dáng dấp một tiểu thuyết tự truyện), nhưng giọng kể của Trung Trung Đỉnh khá bình thản và khách quan, không có những “trữ tình ngoại đề” hay những xúc động được nống lên. Với cuốn sách này, theo tôi, Trung Trung Đỉnh đã tìm được đúng giọng của mình và từ đó người đọc sẽ rất dễ nhận ra anh qua bất cứ những gì anh đang và sẽ viết. Đó là một thành công, đồng thời là một thách thức.
3. Tôi đã có nhiều dịp đi cùng Trung Trung Đỉnh về Gia Lai, về Tây Nguyên. Ngày đó thật tình đói khổ. Tôi, Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh, 3 đứa chúng tôi đi xe đò từ Pleiku vào Buôn Ma Thuột mất đúng một ngày, mà trong túi chỉ còn đủ tiền mua 9 trái bắp nấu của bà con dân tộc bản địa bán dọc đường. Mỗi người ăn 3 trái bắp, chịu một ngày xe đò, túi không tiền, chập tối mới “đổ bộ” vào Buôn Ma Thuột. Tìm một người bạn quê Gia Lai là nhà văn Nay Nô, đang làm việc tại Đak Lak. May mà tìm được mới có bữa ăn tối khi đã đói rã rời. Ngày ấy, chúng tôi cứ lang thang như vậy, túi không tiền nhưng tới đâu cũng gặp bạn bè, cũng vui tươi hồ hởi. Chính những chuyến đi như thế đã giúp chúng tôi có được cái mà người ta hay gọi là vốn sống, có thể ngay lúc ấy chưa thành văn hay thành thơ, nhưng rồi với thời gian, những gì còn lại sẽ hiện lên trang viết vào một lúc nào đó. Trung Trung Đỉnh cứ cần cù đi như vậy trên khắp đất Tây Nguyên và anh đã thu hái được khá nhiều. Không phải tiền bạc, mà là tác phẩm.
Tôi cũng nhớ mãi một lần Trung Trung Đỉnh lặn lội vào huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) tìm mộ người anh ruột hy sinh thời chống Mỹ. Ngày đó còn rất khổ, Đỉnh cứ một mình lặn lội như thế, cuối cùng đã tìm được mộ anh mình, sau đó xin xã bốc mộ anh về quê. Khi Trung Trung Đỉnh mang chiếc túi du lịch bọc hài cốt về ga Diêu Trì thì tôi cũng vừa vào Quy Nhơn có chút việc riêng. Chúng tôi chạy ra ga Diêu Trì tiễn Đỉnh đi tàu về Bắc. Trong lúc chờ tàu, nhìn Đỉnh ôm khư khư chiếc túi du lịch, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Chuyến đi đầy số phận, xót xa và đau đớn ấy cứ còn mãi trong những tác phẩm về sau này của Trung Trung Đỉnh. Giống như những năm tháng ở Gia Lai thời chống Mỹ còn lại trong anh. Chính số phận cùng một vùng đất đã làm nên một nhà văn.        
Đến giờ tôi vẫn nghĩ, đến với Tây Nguyên, đến với Gia Lai, hãy đến như nhà văn Trung Trung Đỉnh: chân thành, ngây thơ, luôn ngạc nhiên và khát khao khám phá. Và, với một tình yêu không bao giờ vơi cạn...
 THANH THẢO  

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...