Khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 29-8, học sinh toàn tỉnh sẽ tựu trường, riêng lớp 1 khởi động sớm hơn 1 tuần. Thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang cùng các trường khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để bắt đầu năm học mới 2022-2023.
Tăng cường cơ sở vật chất
Được sự quan tâm đầu tư của TP. Pleiku, Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương) đang dần khoác lên mình diện mạo mới khang trang, sạch đẹp. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiên, ngoài 11 phòng đã đưa vào sử dụng trong năm 2021, nhà trường vừa được đầu tư xây dựng dãy nhà gồm 9 phòng học, khu hiệu bộ, phòng thư viện, các phòng học bộ môn và sân chơi với tổng kinh phí khoảng 21 tỷ đồng.
“Từ nay, các em sẽ có một khoảng sân rộng để vui chơi, sinh hoạt. Những ngày tới, khi đơn vị thi công hoàn thiện công trình, nhà trường sẽ tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ và trồng cây xanh trong khuôn viên, đảm bảo không gian xanh-sạch-đẹp-an toàn để đón khoảng 1.500 học sinh bước vào năm học mới”-cô Hiên cho hay.
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương, TP. Pleiku) vệ sinh bàn ghế lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Đức Thụy
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương, TP. Pleiku) vệ sinh bàn ghế lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Đức Thụy
Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Ia Kring) cũng vừa được thành phố đầu tư xây dựng mới 14 phòng học và trùng tu 12 phòng học, khu hiệu bộ; đồng thời, cho phép sử dụng cơ sở 2 (cũ) của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn tại đường Tuệ Tĩnh để đặt bếp ăn bán trú cho học sinh trong năm học 2022-2023. Cô Nguyễn Thị Ngọc Khanh-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: Những năm học trước, mặc dù phụ huynh có nhu cầu nhưng nhà trường không thể tổ chức học bán trú vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Vừa qua, khi cấp trên cho chủ trương, nhà trường đã thông báo để cha mẹ học sinh khối 1 và 2 đăng ký bán trú cho con. Hiện chúng tôi đang xây dựng bếp và mua sắm các vật dụng cần thiết. Cùng với đó, nhà trường đã trích kinh phí 63 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên để mua 6 ti vi lắp đặt tại các lớp nhằm đảm bảo yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TP. Pleiku) mua sắm và lắp đặt thêm 6 ti vi tại các phòng học. Ảnh: Mộc Trà
Thành phố Pleiku mua sắm và lắp đặt thêm 6 ti vi tại các phòng học. Ảnh: Mộc Trà
Năm học 2022-2023, Trường THCS và THPT Kpă Klơng sẽ có khoảng 750 học sinh thuộc 5 xã vùng khó phía Nam của huyện Mang Yang theo học ở 17 lớp. Với 18 phòng hiện có, nếu trừ ra 2 phòng chức năng (Tin học và Thí nghiệm Vật lý-Công nghệ), trường đang thiếu 1 phòng học. Chưa kể, do lâu năm, hơn 60 bộ bàn ghế học sinh đã hư hỏng nặng. “Chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng phòng Hội đồng làm phòng học hoặc mượn 1 phòng của nhà văn hóa xã để dạy học. Riêng bàn ghế, nhà trường đang cân đối tài chính để mua mới khoảng 20-30 bộ, còn lại sẽ cố gắng huy động xã hội hóa để sớm bổ sung”-Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Ia Grai đã sửa chữa và đầu tư xây dựng nhiều công trình trường, lớp. Theo đó, với 3,2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã hoàn thành việc sửa chữa 3 công trình gồm: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Tô), Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ia Kha). Đồng thời, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2 năm (2022 và 2023) là 16 tỷ đồng, huyện đang xây dựng mới 5 công trình trường học khác, trong đó Trường Mẫu giáo 15-5 (xã Ia Bă) bổ sung 2 phòng chức năng, dự kiến sẽ bàn giao vào đầu năm học mới. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nghiệm thu, khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ia Tô) với quy mô nhà học 2 tầng có 8 phòng cùng một số hạng mục phụ trợ. Tổng kinh phí xây dựng là 5 tỷ đồng do công ty này tài trợ.
Khánh thành đưa vào sử dụng công trình Trường Tiểu học Lương Thế Vinh tại xã Ia Tô (huyện Ia Grai) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ xây dựng. Ảnh: Thanh Nhật
Khánh thành đưa vào sử dụng công trình Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ xây dựng. Ảnh: Thanh Nhật
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính tới thời điểm này, toàn tỉnh có 714 trường mầm non, phổ thông công lập với 383.736 học sinh/11.422 lớp. Chuẩn bị cho năm học mới, Sở đã ưu tiên cân đối ngân sách gần 373,5 tỷ đồng để xây mới 346 phòng học, 110 phòng chức năng, 9 phòng y tế, 9 phòng thư viện; sửa chữa 747 phòng học và 59 phòng chức năng. Cùng với đó, đầu tư hơn 176,2 tỷ đồng để mua sắm trang-thiết bị dạy học, gồm: 621 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 30 bộ đồ chơi ngoài trời cho bậc mầm non, 175 bộ thiết bị phòng học bộ môn, 7.760 bộ sách giáo khoa, 8.497 bộ bàn ghế học sinh, 2.340 bộ máy vi tính, 228 ti vi thông minh…; trang bị thêm 6 phòng đa chức năng, 15 phòng thí nghiệm Lý-Hóa-Sinh, 14 phòng học ngoại ngữ, 10 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 và 7, 48 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10 cho các trường phổ thông với tổng kinh phí 56 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn 8,8 tỷ đồng của chương trình mục tiêu quốc gia, Sở GD-ĐT chuẩn bị mua sắm 12 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 và 20 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 7 cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú các huyện, thị xã. 
Kiện toàn đội ngũ
Để bảo đảm chất lượng dạy và học trong năm học mới, ngành GD-ĐT đặc biệt chú trọng khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường. Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku Nguyễn Đình Thức cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các trường căn cứ cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có để chủ động xây dựng kế hoạch trường lớp và sắp xếp biên chế giáo viên, học sinh đảm bảo theo quy định; đồng thời, trên cơ sở biên chế được giao, chủ động hợp đồng giáo viên, nhân viên còn thiếu (nếu có) theo hướng dẫn. “Qua rà soát nhu cầu từ các trường, năm học 2022-2023, thành phố thiếu khoảng 585 giáo viên và 83 nhân viên. Hiện nay, thực hiện chủ trương của UBND thành phố về việc tiếp nhận 33 biên chế giáo viên từ nơi khác về địa bàn, Phòng đã tổ chức thu nhận 75 hồ sơ và sẽ tiến hành họp xét, sau đó, báo cáo kết quả cho UBND thành phố để trình UBND tỉnh xin điều động giáo viên. Dự kiến công tác này sẽ hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu”-ông Thức thông tin thêm.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi: Về sách giáo khoa cho năm học mới, các nhà xuất bản đã cung ứng đầy đủ đến các công ty sách và thiết bị trường học để phụ huynh chủ động mua cho học sinh theo danh mục mà nhà trường đã công bố. Các trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương mua sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai Phạm Văn Đại cũng cho biết: Tính đến tháng 8-2022, toàn huyện có 46 đơn vị trường học với gần 1.200 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Ngành đang tổng hợp số liệu để đề nghị cấp thẩm quyền xem xét cho phép tuyển bổ sung biên chế giáo viên để đảm bảo yêu cầu giảng dạy trong năm học mới. Vừa qua, UBND huyện cũng quyết định cho chuyển công tác theo nguyện vọng đối với 5 giáo viên; đồng thời, đang thực hiện quy trình bổ nhiệm lại và điều động cán bộ quản lý. 
Phòng GD-ĐT TP. Pleiku tiếp nhận hồ sơ của các giáo viên từ nơi khác có nguyện vọng chuyển về công tác tại địa bàn. Ảnh: Mộc Trà
Phòng GD-ĐT TP. Pleiku tiếp nhận hồ sơ của các giáo viên từ nơi khác có nguyện vọng chuyển về công tác tại địa bàn. Ảnh: Mộc Trà
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi cho hay: Hiện nay, toàn ngành có 19.145 viên chức trong biên chế từ bậc mầm non đến phổ thông. Qua rà soát, số giáo viên, nhân viên còn thiếu của tỉnh trong năm học mới là 4.481 người (3.414 giáo viên và 1.067 nhân viên). Ngày 18-7-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo đó, tỉnh được giao bổ sung 1.244 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non và phổ thông trong năm học 2022-2023. Hiện nay, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với các địa phương để tính toán, tham mưu UBND tỉnh quyết định việc phân bổ gắn với sắp xếp, tổ chức lại trường lớp, dồn dịch các điểm trường, tăng sĩ số học sinh/lớp đến mức tối đa theo điều lệ các bậc học. 
Bên cạnh đó, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai kế hoạch tuyển mới giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học để đáp ứng việc tổ chức dạy học Tiếng Anh lớp 3 bắt buộc từ năm học 2022-2023; lựa chọn và lập danh sách giáo viên có năng lực tham gia lớp bồi dưỡng dạy môn Tin học và Công nghệ bậc tiểu học; đồng thời chủ động xây dựng các phương án để tổ chức dạy học Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 trong trường hợp thiếu giáo viên. 
“Sở GD-ĐT còn chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác vệ sinh trường lớp, đảm bảo an toàn phòng dịch cho năm học mới; có giải pháp hiệu quả để huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
MỘC TRÀ - THANH NHẬT
 
 

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc.