Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10: Học sinh được lựa chọn môn học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Cùng với cả nước, Gia Lai sẽ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 vào năm học 2022-2023. Theo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chương trình mới ở bậc THPT có nhiều thay đổi đòi hỏi các trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh phải nhanh chóng tiếp cận. Về vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT.
* P.V: Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10 có những điểm gì mới so với chương trình hiện hành, thưa ông?
Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định. Ảnh: Mộc Trà
- Ông Lê Duy Định: Khác với quan điểm tích hợp ở bậc học tiểu học và THCS, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Theo đó, chương trình lớp 10 có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, đó là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh), Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn gồm 3 nhóm: Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Ngoài ra còn có 2 môn học tự chọn khác nữa là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Bên cạnh các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn thêm 5 môn học từ 3 nhóm môn trên (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học). Như vậy, ở chương trình mới, học sinh được lựa chọn môn học và không bắt buộc phải học hết tất cả các môn trong nhóm môn tự chọn. Tính sơ bộ sẽ có hơn 100 tổ hợp môn lựa chọn.
Ngoài sách giáo khoa, mỗi môn học: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật sẽ có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của 1 môn học là 35 tiết/năm học. Học sinh sẽ chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
* P.V: Ông có thể cho biết, Sở GD-ĐT đã định hướng như thế nào để các trường THPT thực hiện có hiệu quả vào năm học tới?
- Ông Lê Duy Định: Việc cho phép học sinh được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường “bài toán” khó trong khâu tuyển sinh cũng như nguy cơ xảy ra tình trạng giáo viên môn này quá tải, còn giáo viên môn khác không có việc làm.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) họp bàn về chương trình, sách giáo khoa lớp 10 mới sẽ áp dụng vào năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) họp bàn về chương trình, sách giáo khoa lớp 10 mới sẽ áp dụng vào năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án đảm bảo chất lượng dạy và học lớp 10 năm học 2022-2023 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở tổng số lớp tuyển sinh vào khối 10, thủ trưởng các cơ sở giáo dục xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn theo nguyên tắc “chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học” và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; bảo đảm tổng số tiết/năm học của các môn học và hoạt động giáo dục quy định trong chương trình. Riêng môn Nghệ thuật, chọn 1 môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật. Khi xây dựng phương án phải tính toán hợp lý, cân đối, đảm bảo định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT. Trước mắt, trong năm học 2022-2023, có thể ưu tiên điều động giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc THCS có trình độ đại học trở lên để bố trí dạy 2 môn này ở bậc THPT. 
Cùng với đó, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho giáo viên được phân công dạy lớp 10. Đồng thời, chỉ đạo các Phòng GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trung học tổ chức hoạt động lồng ghép về giáo dục định hướng nghề nghiệp (nhất là đối với học sinh lớp 9 năm học 2021-2022) để chuẩn bị cho việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 vào năm học 2022-2023. Sau khi tổng hợp kết quả xây dựng phương án đảm bảo chất lượng dạy học lớp 10 năm học 2022-2023 của các trường, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo để bàn giải pháp cho công tác tuyển sinh và tổ chức dạy học lớp 10 vào năm học tới. 
* P.V: Xin cảm ơn ông!
MỘC TRÀ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.