Những gia đình đồng hành cùng văn học nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, văn học nghệ thuật Gia Lai đã có bước tiến mạnh mẽ với sự cống hiến của nhiều lứa văn nghệ sĩ tài năng, trong đó có những gia đình mà cả 2 vợ chồng đều góp sức không nhỏ.

Đồng hành, vượt khó

Từ dấu mốc 50 năm nhìn lại những ngày đầu rời xứ Huế vào Gia Lai công tác, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu nhớ mãi một thời gian khó. Bà và chồng là nghệ sĩ Trần Phong (sau này là Nghệ sĩ nhiếp ảnh) chở nhau trên chiếc xe đạp đi thực tế xuống các buôn làng để tìm kiếm tư liệu sáng tác. Đến nhà những người thân quen, không gặp ai thì cứ tự vào vườn hái trái, tự vào bếp nấu cơm như người thân trở về nhà. Đó là cái lệ mà bà con nơi đây dành cho những người họ thương quý.

Về công tác tại Phòng Tuyên truyền cổ động (Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum) từ năm 1985, họa sĩ Xuân Thu có nhiều đóng góp quan trọng ở mảng tuyên truyền cổ động. Song tại nơi làm việc, cô gái Huế khi đó vẫn dành một góc nhỏ để theo đuổi hội họa. Vào thời kỳ đất nước còn khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, có người hỏi bà vẽ để làm gì? Bạn bè, gia đình không phải ai cũng ủng hộ vì thấy đam mê này quá “mơ hồ”. Nhưng như bà bộc bạch thì “nghề cũng là nghiệp”.

Suốt hàng chục năm công tác trong ngành, bà chưa từng nghỉ 1 ngày phép, vừa chu toàn việc chuyên môn, gia đình, vừa dành cho mình một góc riêng với tình yêu sắc màu. “Giờ nhìn lại, tôi không hiểu mình đã sắp xếp thời gian như thế nào để có thể làm tròn các vai”-họa sĩ Xuân Thu trò chuyện.

vo-chong-nghe-si-tran-phong-ho-thi-xuan-thu-co-40-nam-dong-gop-trong-hanh-trinh-50-nam-phat-trien-cua-nen-van-hoc-nghe-thuat-tinh-nha-sau-giai-phong.jpg
Vợ chồng nghệ sĩ Trần Phong-Hồ Thị Xuân Thu có 40 năm đóng góp trong hành trình 50 năm phát triển của nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà sau giải phóng. Ảnh: P.D

May mắn là bà có một người đồng hành tuyệt vời. Hiểu rõ tâm ý của vợ, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong luôn hỗ trợ, động viên họa sĩ Xuân Thu theo đuổi đam mê và học thêm tại Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế).

Trong khi đó, bước chân ông cũng in dấu khắp các buôn làng xa xôi để ghi lại những hình ảnh chân thật và sống động nhất về Tây Nguyên. Các tập sách ảnh “Điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai” (xuất bản năm 1995) và “Lễ hội Tây Nguyên” (xuất bản năm 2008) đã kịp lưu lại những khung cảnh, lễ thức mà khó có thể tìm thấy trong nhịp sống hiện đại.

Ông từng chia sẻ: “Có những giai đoạn sáng tác vô cùng khó khăn, máy móc “cổ lỗ sĩ”, phương tiện đi lại không có nhưng không hiểu sao lại có thể đam mê, hăng say đến như vậy”.

Nương vào nhau, cùng đồng hành và đóng góp cho nghệ thuật Gia Lai còn có vợ chồng nhạc sĩ Hà Quang Minh và nghệ sĩ múa Vằn Kắm Làn. Nhạc sĩ Hà Quang Minh nhớ lại: Năm 1978, khi đang dạy tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), ông được Bộ Văn hóa điều vào công tác tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên (tiền thân của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai). 2 năm sau, cô gái trẻ Vằn Kắm Làn vừa tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam cũng xung phong về trường. Từ sự đồng cảm, họ nên duyên và cùng công tác tại đây cho đến ngày nghỉ hưu.

Mỗi người công tác một khoa nhưng hỗ trợ nhau rất hiệu quả. Hàng chục bài nhạc đã được ông sáng tác để bà dựng múa cho học sinh. Lúc chưa có máy móc hỗ trợ thì bà dạy múa, ông đệm đàn.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh kể: Kỷ niệm sâu sắc với nghề thì rất nhiều nhưng ông nhớ mãi những mùa mưa Tây Nguyên dằng dặc khiến các đợt trực tiếp tuyển sinh do nhà trường tổ chức tại các tỉnh Tây Nguyên trở nên vô cùng khó khăn vì đường đất lầy lội. Đoàn lên tận Đăk Tô (Kon Tum), Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng)… vừa biểu diễn để quảng bá về trường, vừa tìm kiếm những em có năng khiếu tại buôn làng.

Không chỉ vậy, nhà trường còn được giao tuyển sinh tại các tỉnh duyên hải miền Trung. “Ngày đó khó khổ nhưng người dân rất yêu văn nghệ. Có hôm, bà con tràn vào nơi biểu diễn quá đông làm đổ cả sân khấu”-nhạc sĩ Hà Quang Minh mỉm cười nhớ lại.

Nghệ sĩ múa Vằn Kắm Làn thì cho hay: Bà không thể quên những tháng ngày đi biểu diễn, phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh. Những địa danh nghe qua đã thấy hẻo lánh; từng bữa ăn với củ mì, cá khô; có buổi diễn phải mang cả con trai mới được 1 tuổi theo, rồi giao cho người khác bế giúp khi 2 vợ chồng cùng ra sân khấu... là kỷ niệm mãi lưu lại trong ký ức.

vo-chong-nghe-si-ha-quang-minh-van-kam-lan-giua-cung-cac-con-the-he-thu-4-lam-am-nhac-trong-gia-dinh-anh-nvcc.jpg
Vợ chồng nghệ sĩ Hà Quang Minh-Vằn Kắm Làn (giữa) cùng các con-thế hệ thứ 4 làm âm nhạc trong gia đình. Ảnh: NVCC

Cũng tạo tiếng vang trong lĩnh vực múa và âm nhạc là vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đặng Công Hưng-Chu Thị Thúy Hà. Từ quê hương Thái Nguyên, cô nghệ sĩ mới 16 tuổi Thúy Hà có mặt cùng Đội văn nghệ Quân đoàn 3 tại Gia Lai vào một ngày tháng 6-1988. Sau đó 2 năm, bà chuyển công tác về Đoàn Nghệ thuật Đam San (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cho đến nay.

Tuổi đời còn rất trẻ, xa gia đình vào công tác ở vùng đất không một người thân nhưng với bản lĩnh, sự cứng cỏi, nghệ sĩ Thúy Hà sớm gặt hái những thành công mà nhiều người mơ ước: giải nhất cuộc thi “Giọng hát hay, người duyên dáng” do Trung ương Đoàn tổ chức năm 1989; giải nhì Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999…

Tháng 11-1991, nghệ sĩ múa Đặng Công Hưng cũng trúng tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Đam San sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông từ giã gia đình ở Đà Nẵng để vào Gia Lai. Năm 1995, ông cùng nghệ sĩ Thúy Hà thành vợ thành chồng. Từ chỗ là solist (múa chính) trong đoàn, nghệ sĩ Đặng Công Hưng học thêm về biên đạo.

Là người đầu tiên mạnh dạn kết hợp múa đương đại với múa dân gian Tây Nguyên, thời gian đầu, ông cũng gặp không ít ý kiến trái chiều bởi chưa chấp nhận sự phá cách, song những giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn toàn quốc đã minh chứng cho giá trị của sự sáng tạo.

Hiện tại, ông là Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Với sự thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong nghề, 2 nghệ sĩ Đặng Công Hưng-Chu Thị Thúy Hà cùng phấn đấu và đều đã được công nhận là NSƯT.

“Cho Tây Nguyên thêm xanh”

“Đất dù có khô cằn nhưng nếu biết cách chăm sóc, ươm trồng thì vẫn thu được thành quả”-NSƯT Đặng Công Hưng nói về nỗ lực vượt qua bao khó khăn, khổ luyện trong nghề để có những đóng góp cho hành trình 50 năm phát triển của văn học nghệ thuật Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước.

vo-chong-nghe-si-dang-cong-hung-chu-thi-thuy-ha-co-dong-gop-quan-trong-cho-hoat-dong-nghe-thuat-chuyen-nghiep-cung-nhu-phong-trao-van-hoa-nghe-thuat-quan-chung.jpg
Vợ chồng nghệ sĩ Đặng Công Hưng-Chu Thị Thúy Hà có đóng góp quan trọng cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng. Ảnh: P.D

30 năm gắn bó bên nhau, gắn bó với vùng đất Gia Lai, vợ chồng nghệ sĩ Đặng Công Hưng-Chu Thị Thúy Hà đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp thông qua các chương trình biểu diễn trong tỉnh, các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc.

Có nắm rõ những quy định khắt khe để được công nhận danh hiệu NSƯT mới hiểu nỗ lực lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Đó là phải đạt tối thiểu 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc liên tiếp tại 4 mùa hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (diễn ra 5 năm/lần).

Nghệ sĩ Đặng Công Hưng nhìn nhận: Danh hiệu này không chỉ tôn vinh nỗ lực của cá nhân mà còn khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc nuôi dưỡng, ươm mầm cho văn học nghệ thuật.

Lâu nay, đôi vợ chồng nghệ sĩ này còn âm thầm góp công cho sự phát triển của phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng trên cả 2 lĩnh vực chuyên môn. Họ trở thành những cái tên được các cơ quan, đơn vị ưu tiên mời biên đạo, dàn dựng chương trình hoặc ngồi ghế giám khảo tại các liên hoan, hội diễn trong tỉnh.

Ở vai trò “hậu thuẫn” với nhiệm vụ đào tạo, vợ chồng nghệ sĩ Hà Quang Minh-Vằn Kắm Làn cũng rất hạnh phúc khi chung tay gây dựng nên nhiều thế hệ học sinh thành nghệ sĩ, cán bộ quản lý cho các tỉnh trong khu vực, tiêu biểu có thể kể đến ông A Đôi-nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum.

Thừa nhận bản thân bị cuốn hút đến say mê âm nhạc Tây Nguyên, đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng, nhạc sĩ Hà Quang Minh cho hay: Ông đã sáng tác nhiều ca khúc tâm đắc về Gia Lai như: Mưa về Krông Pa, Cánh chim biên phòng, Bài ca chống dịch Covid-19… Cũng vì trót yêu vùng đất, văn hóa và con người nơi đây, nghệ sĩ Vằn Kắm Làn đã từ chối một số cơ hội về các đoàn nghệ thuật lớn ở những tỉnh, thành khác.

Tại hội nghị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 3 gia đình nghệ sĩ đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều cống hiến đối với nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh đúc kết: “Sự đóng góp của chúng tôi quá nhỏ bé nhưng dù sao vẫn vui vì làm được những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Từ gắn bó với âm nhạc, chúng tôi càng gắn bó với nhau, thấy cuộc đời thêm đẹp, thấy ngạc nhiên vì bằng cách nào đó mình cũng đã vượt qua được nhiều thăng trầm trong cuộc sống”.

Càng vui hơn khi cả 3 người con của ông bà đều theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp và múa, trở thành thế hệ thứ 4 trong gia đình nối tiếp truyền thống nghệ thuật.

tu-trai-sang-3-gia-dinh-nghe-si-tran-phong-xuan-thu-cong-hung-thuy-ha-quang-minh-van-kam-lan-tai-hoi-nghi-tong-ket-50-nam-van-hoc-nghe-thuat-tinh-gia-lai-sau-ngay-thong-nhat-dat-nuoc.jpg
Từ trái sang: 3 gia đình nghệ sĩ Trần Phong-Hồ Thị Xuân Thu, Đặng Công Hưng-Chu Thị Thúy Hà, Hà Quang Minh-Vằn Kắm Làn tại hội nghị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh: P.D

Từ tư liệu quá phong phú của vùng đất Tây Nguyên cùng sự nhanh nhạy nắm bắt, đến nay, vợ chồng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong-họa sĩ Xuân Thu cũng đã tạo dựng được dấu ấn sáng tạo nổi bật. Nếu nghệ sĩ Trần Phong đã đạt hàng ngàn giải thưởng trong nước và quốc tế, có ảnh tham gia triển lãm ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm giám khảo nhiều cuộc thi trong nước và thế giới… thì họa sĩ Xuân Thu cũng tổ chức được 2 triển lãm cá nhân rất thành công tại TP. Hồ Chí Minh và tham gia nhiều triển lãm quốc tế. Một nhiếp ảnh, một hội họa nhưng đều giới thiệu đến người xem một Tây Nguyên lạ lẫm mà gần gũi, hoang sơ mà đầm ấm.

Đáng chú ý, nhờ khoảng thời gian từng đi thực tế sáng tác với cố họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên, nghệ sĩ Trần Phong đã sở hữu 116 ảnh chụp tranh, trên 20 ảnh chụp cố họa sĩ trong các hoạt động ngày thường. Số tư liệu quý giá này được ông sẵn lòng cung cấp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai để tổ chức các triển lãm chuyên đề phục vụ công chúng và du khách.

Riêng họa sĩ Xuân Thu đảm nhận khâu hỗ trợ Bảo tàng tỉnh phục chế một số bức tranh gốc của họa sĩ Xu Man đã bị hư hại theo thời gian. Người phụ nữ nhỏ nhắn ngoài 60 tuổi ấy còn truyền cảm hứng mạnh mẽ để các nữ họa sĩ trong tỉnh tìm thấy lối đi riêng trong hành trình đến với nghệ thuật sắc màu.

Có thể bạn quan tâm

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

(GLO)- 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) hợp nhất là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển vùng Duyên hải-Tây Nguyên. Cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…, văn hóa nghệ thuật cũng được công chúng hết sức quan tâm.

Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Tôi không phải một dịch giả chuyên nghiệp - mào đầu vậy hoàn toàn không phải để biện hộ cho những sơ suất, sai sót và thô lậu mà bất cứ ai khi chạm tay vào việc dịch nói riêng, việc chữ nghĩa nói chung, dẫu là tay thuận hay tay ngang, đều phải đối mặt và chịu trách nhiệm.

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Để chào đón thời khắc đặc biệt của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ cao cả với vai trò, vị thế là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ mà người đứng đầu hệ thống Mặt trận đã tin tưởng giao phó; kể từ tháng 7.2025, Báo Đại đoàn kết ra mắt ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Gánh cá của mẹ

Gánh cá của mẹ

(GLO)- Sáng sớm, khi chú gà trống choai cất tiếng gáy đầu tiên hòa vào tiếng thuyền chài khua nước ngoài sông, mẹ đã thức dậy. Bên ánh lửa bập bùng từ bếp củi, mẹ lặng lẽ chuẩn bị cho một ngày ra chợ. Hôm nay, mẹ lại gánh cá ra chợ huyện.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Khoảng trời quê

Khoảng trời quê

Mẹ vợ tôi, bà ngoại của 2 con trai của tôi, luôn miệng thắc mắc, ở thành phố lạ nhỉ, lúc nào cũng đông như mắc cửi và đèn điện như sao xa.

Siu Krang gìn giữ nghề tạc tượng

Siu Krang gìn giữ nghề tạc tượng

(GLO)- Hơn 35 năm gắn bó với nghề, ông Siu Krang (SN 1960, làng Dek, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn duy trì kỹ thuật thủ công để chế tác tượng nhà mồ của người Jrai.

Sau cơn mưa

Sau cơn mưa

(GLO)- Với nhiều người, tự thân mưa đã gợi nỗi sầu, như một sự bất an, là niềm không mong đợi. Dẫu thế, như cỏ cây, cuộc đời mỗi người chẳng phải từ cơn mưa mà lớn khôn lên, những trải nghiệm cứ thế mà lấp đầy.

null