Trả giá đắt cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lợi dụng lòng tin của người khác, Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1988, trú tại làng Voòng Boong, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Và, đối tượng này đã phải trả giá đắt cho hành vi của mình bằng bản án 13 năm tù.
Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: R'Ô HOK
Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: R'Ô HOK

Ngồi ở hàng ghế sau cùng của phòng xét xử với khuôn mặt đen sạm, hiện rõ vẻ khắc khổ, ông Nguyễn Thanh Hoa (SN 1950, trú tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) liên tục đưa đôi mắt nhìn về phía con gái mình đang đứng trước bục khai báo. Để tham dự phiên tòa, trước đó 1 ngày, ông Hoa cùng người thân đã phải bắt xe khách vượt đường xa lên TP. Pleiku. Gần nửa năm từ kể ngày Hằng bị tạm giam, đến giờ, ông mới gặp lại đứa con gái lầm lỗi của mình.

Ông Hoa cho biết: Hằng là con thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hằng tiếp tục học tại một trường trung cấp ở TP. Đà Nẵng. Năm 2012, Hằng lập gia đình và sinh sống tại làng Voòng Boong, xã Chư Răng. Tại đây, vợ chồng Hằng mở quán buôn bán tạp hóa và mua bán phân bò của người dân trong vùng. Vợ chồng luôn tự nhủ phải cố gắng làm việc, kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi dạy 2 đứa con được tươm tất. Thế nhưng, do cuộc sống khó khăn, Hằng phải vay mượn tiền của người khác rồi không còn khả năng thanh toán. Lúc này, Hằng nảy sinh ý định đưa ra thông tin gian dối là cần huy động tiền đáo hạn ngân hàng để lừa đảo.

Năm 2016, từ mối quan hệ quen biết, Hằng đặt vấn đề với bà Nguyễn Thị Sang (trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) là cần vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng. Thời gian đầu vay mượn, Hằng đều trả nợ lãi và nợ gốc đúng hẹn nên tạo được sự tin tưởng của bà Sang. Tuy nhiên, từ ngày 7-12-2021 đến tháng 1-2022, mặc dù không đáo hạn ngân hàng nhưng Hằng vẫn đặt vấn đề vay tiền bà Sang. Đồng thời, Hằng nhờ em chồng là bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1993, trú tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) vay tiền của bà Sang giúp mình. Do tin tưởng, bà Sang đã chuyển vào tài khoản của Hằng 600 triệu đồng và bà Oanh 440 triệu đồng.

Sau khi được bà Sang chuyển số tiền trên, bà Oanh đã chuyển luôn cho Hằng. Bà Oanh cũng không biết Hằng sử dụng toàn bộ số tiền này vào mục đích tiêu xài cá nhân, trả nợ.

Bà Sang chia sẻ: Nhiều tháng nay, bà đứng ngồi không yên khi số tiền hơn 1 tỷ đồng đưa cho Hằng vay vẫn chưa lấy lại được. Trước khi Hằng bị bắt, bà đã nhiều lần tìm đến nhà để hỏi về số tiền nợ. Tuy nhiên, Hằng đưa ra nhiều lý do để bà yên tâm trở về. Khi thấy Hằng chây ỳ trả tiền, bà Sang đã trình báo sự việc đến cơ quan Công an.

Ngày 26-8, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cũng theo bà Sang cho biết: Bà Oanh không biết được việc Hằng đưa ra thông tin gian dối là đáo hạn ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của mình. Đến hạn trả nợ, bà Oanh nói toàn bộ số tiền vay của bà Sang đã chuyển cho Hằng. Để xác thực việc này, bà Sang đã đến nhà yêu cầu Hằng trả lại tiền thì Hằng cũng xác nhận bà Oanh đã đứng ra vay tiền giùm mình. Hằng cũng đã viết giấy nhận nợ của bà Sang với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau khi điều tra, làm rõ, cơ quan Công an xác định không có căn cứ chứng minh bà Oanh đồng phạm với với Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Thanh Hoa (bố của bị cáo Hằng) theo dõi phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến con gái của mình. Ảnh: R'Ô HOK
Ông Nguyễn Thanh Hoa (bố của bị cáo Hằng) theo dõi phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến con gái của mình. Ảnh: R'Ô HOK

Ngồi trầm ngâm trong phòng xử án, anh Phạm Minh Tự (SN 1985, chồng của Hằng) cho rằng: Thời điểm Hằng đưa ra thông tin gian dối, vay tiền của bà Sang để trả nợ và tiêu xài cá nhân, anh không hề hay biết. Đến khi bà Sang gọi điện thoại và đến tận nhà đòi nợ thì anh mới bàng hoàng biết vợ mình nợ người ta hơn 1 tỷ đồng. "Tôi có 2 con còn nhỏ, đứa lớn sinh năm 2014, đứa nhỏ sinh năm 2019, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hằng chiếm đoạt tài sản của người ta thì phải chấp nhận hình phạt của theo quy định của pháp luật. Tôi sẽ cố gắng làm ăn và xoay xở vay mượn thêm anh em, họ hàng để trả nợ cho người ta”-anh Tự bộc bạch. Còn ông Nguyễn Thanh Hoa thì cho hay: "Tôi cũng mong Hằng ở trong tù phải chấp hành nội quy, cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình, nuôi dạy con cái”.

Đứng trước bục khai báo, Hằng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hằng cũng cho biết rất hối hận về hành vi mình gây ra. Đồng thời, Hằng xin Hội đồng xét xử khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sớm về với gia đình, làm tròn nghĩa vụ của người mẹ, người vợ và trả nợ cho bà Sang.

Có thể bạn quan tâm

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

(GLO)- Hội đồng tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ (Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp và thu được trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.