Ksor Am sản xuất giỏi, tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với đức tính cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, ông Ksor Am (SN 1980) đã từng bước trở thành tấm gương sản xuất giỏi ở làng Bỉh (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) với thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Đến làng Bỉh, hỏi thăm về gia đình ông Ksor Am, chúng tôi vẫn hay nhận được lời khen ngợi của người dân nơi đây như: “Gia đình ông Am có kinh tế vững nhất ở làng đấy”, hay “Ông Ksor Am không chỉ sản xuất giỏi mà còn hay giúp đỡ dân làng”…

Hàng năm, gia đình ông Ksor Am có nguồn thu khá lớn từ vườn điều hơn 8 ha. Ảnh: Nhật Hào

Hàng năm, gia đình ông Ksor Am có nguồn thu khá lớn từ vườn điều hơn 8 ha. Ảnh: Nhật Hào

Ông Am cho biết, ban đầu, vợ chồng ông chỉ có 3 ha đất trống được bố mẹ cho để trồng lúa rẫy và hoa màu. Dù vậy, với khát vọng làm giàu, hàng ngày, vợ chồng ông vẫn cùng nhau đi đến vùng đất cạnh con suối Ia Púch để khai hoang, mở đất sản xuất. Đến nay, gia đình ông có vườn cây ngút ngàn màu xanh rộng hơn 17 ha.

Ông Siu BLết-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Púch: Hiện nay, xã có hơn 110 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập 350-500 triệu đồng/năm. Trong đó, gia đình ông Ksor Am là hộ tiêu biểu nhất ở xã. Ông Am cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn sản xuất cho các hội viên. Vì vậy, Hội Nông dân huyện đang đề nghị Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2022- 2024.

“Ngày đó, cứ 5 giờ sáng, vợ chồng tôi đã cơm nắm vác rìu đi phát cỏ, vần đá để khai hoang thêm đất sản xuất. Thành quả là 3 năm sau, vợ chồng tôi khai hoang thêm được 8 ha đất, nâng tổng diện tích sản xuất lên 11 ha. Để đảm bảo thu nhập ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá, chúng tôi không độc canh 1 loại cây trồng mà canh tác tổng hợp nhiều cây như: điều, cao su, mì và lúa rẫy. Nhờ vậy, không chỉ đảm bảo được lương thực, gia đình tôi còn có nguồn thu từ bán sản phẩm. Thời điểm cả 3 cây trồng này đều cho thu hoạch, gia đình lãi hàng trăm triệu đồng. Với nguồn thu này, năm 2014, gia đình tôi xây được căn nhà khang trang trị giá 750 triệu đồng và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt, sản xuất có giá trị”-ông Am nhớ lại.

Hiện nay, 3 ha cà phê của gia đình ông Am mới chỉ cho thu bói và tới đây khi cho thu hoạch chính thì thu nhập sẽ tăng lên nhiều. Ảnh: Nhật Hào

Hiện nay, 3 ha cà phê của gia đình ông Am mới chỉ cho thu bói và tới đây khi cho thu hoạch chính thì thu nhập sẽ tăng lên nhiều. Ảnh: Nhật Hào

Có của dư của để, ông Am vẫn tiếp tục dành dụm mua thêm đất sản xuất. Mỗi năm một ít, đến năm 2018, gia đình ông mua tổng cộng được 6 ha đất sản xuất, nâng tổng diện tích đất của gia đình lên 17 ha. “Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, hiện gia đình tôi đang có 8 ha điều, 3 ha cao su, 3 ha bạch đàn và 3 ha cà phê. Ngoài diện tích cà phê và bạch đàn chưa cho thu, mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất và chi tiêu, gia đình tôi để dành được hơn 500 triệu đồng"-ông Am phấn khởi khoe.

Gia đình ông Am hiện có hơn 3 ha cao su, thời điểm thu hoạch, mỗi tháng, gia đình thu hơn 40 triệu đồng. Ảnh: Nhật Hào

Gia đình ông Am hiện có hơn 3 ha cao su, thời điểm thu hoạch, mỗi tháng, gia đình thu hơn 40 triệu đồng. Ảnh: Nhật Hào

Đặc biệt, cùng với việc trồng các cây công nghiệp, vợ chồng ông nuôi thêm bò để lấy phân bón cho vườn cây nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và bán để lấy tiền trang trải chi tiêu. Bên cạnh đó, với diện tích lớn, các loại cây trồng với khoảng cách thưa, ông cũng tranh thủ trồng xen lúa rẫy. Vì thế, ngoài đảm bảo lương thực cho gia đình, ông Am còn dư thóc để đổi công hoặc giúp đỡ người dân trong làng mỗi khi giáp hạt.

Bà Rơ Châm Phơn (làng Bỉh) bày tỏ: "Nhà đông con nhưng chồng tôi mất sớm, một mình tôi bươn chải nuôi các con nên rất khó khăn. Được gia đình ông Am tạo việc làm, đến khi giáp hạt hay cho thóc nên mẹ con tôi bớt khó khăn".

Ông Ksor Am còn nuôi thêm bò để lấy phân bón cho vườn cây nhằm giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Nhật Hào

Ông Ksor Am còn nuôi thêm bò để lấy phân bón cho vườn cây nhằm giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Nhật Hào

Ông Rơ Mah Juech-Trưởng thôn Bỉh-cho biết: Hiện nay, ngoài mang lại nguồn thu cao cho gia đình, ông Am cũng tạo việc làm cho 10 lao động làm theo thời vụ với tổng số hơn 300 công lao động/năm, tổng số tiền chi trả ngày công gần 100 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ông Am cũng tích cực tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su, cây điều cho nhiều hộ dân trong làng, mỗi năm giúp đỡ 5 hộ khó khăn về cây giống tự ươm để trồng mới, vay vốn không tính lãi và giúp nhiều hộ về gạo ăn mỗi khi giáp hạt.

Với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, ông Am thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Vì thế, nhiều lần, ông được tặng danh hiệu lao động tiên tiến, được UBND xã biểu dương, khen thưởng.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.