Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E, Hà Nội) gần đây tiếp nhận, cấp cứu một số học sinh gặp các vấn đề rối loạn tâm thần do áp lực điểm số, thi cử đến khám, điều trị.
Gần đây nhất là trường hợp một nam sinh đến khám rối loạn tâm thần sau kỳ thi chuyển cấp. Người nhà cho biết sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng.
Áp lực học hành, thi cử có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Ảnh: Xuân Thành |
Sau đó, nam sinh dùng dao cắt tay và cổ để tự sát, gia đình phát hiện nên đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Khi sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết nam sinh này bị rối loạn cảm xúc, có chỉ định điều trị.
Trường hợp khác là một học sinh lớp 12. Sau khi thi tốt nghiệp THPT, do làm bài không tốt đã mua thuốc để tự sát. Gia đình phát hiện, đưa đến bệnh viện. Sau điều trị, bệnh nhân đã ổn định.
Theo bác sĩ Chung, áp lực đối với trẻ thường đến từ quá trình ôn thi trước đó. Điểm thi kết quả không như mong muốn đã khởi phát những bệnh lý tâm thần. Các bạn học sinh sẽ có phản ứng cấp như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng nề hơn là tìm tới tự sát. Ngoài ra, ở một số trẻ, khi chịu áp lực điểm thi, có thể tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…
Các bác sĩ cho biết một số dấu hiệu cảnh báo con trẻ đang có áp lực về điểm số là con bỗng trở nên trầm tính, buồn vô cớ, hay khóc, thích ở một mình… Ở một số trẻ sẽ có triệu chứng bồn chồn, bất an, đi lại nhiều, đứng ngồi không yên.
Bác sĩ Chung khuyến cáo sau mỗi kỳ thi, con có điểm số không như kỳ vọng, gia đình nên chấp nhận thực tế. Cha mẹ không phán xét, so sánh kết quả điểm số của con với các bạn khác.
Nếu cha mẹ thấy con có những biểu hiện khác thường, hãy tâm sự, chia sẻ để cùng con giải quyết. Nhưng nếu tình trạng của con không chuyển biến trong vài ngày hay một tuần sau đó, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ và các nhà tâm lý.
Trước đó, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận người bệnh nam 15 tuổi, được cứu vớt từ sông Hồng đưa vào cấp cứu. Theo khai thác bệnh sử, người bệnh có sức khỏe bình thường. Vì kết quả thi cử không như mong muốn nên đã viết thư tuyệt mệnh và nhảy cầu tự sát.
Lực lượng cứu hộ đã dùng ca nô kịp thời cứu nam sinh và đưa đến bệnh viện. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân.
Được biết, học sinh này trú ở quận Ba Đình (Hà Nội), vừa trải qua kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 THPT, năm học 2023-2024.