Thủ tướng Orban và cựu tổng thống Trump. Ảnh: nongthonviet.com |
Theo tờ Ukrainska Pravda, tuyên bố được ông Orban đưa ra khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình M1 của Hungary. Theo ông Orban, ông Trump có kế hoạch chi tiết nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine và kế hoạch này "phù hợp với lợi ích của Hungary".
"Ông ấy (Donald Trump) có tầm nhìn rất rõ ràng và rất khó để có thể không đồng tình. Ông ấy nói là sẽ không hỗ trợ một xu cho cuộc xung đột ở Ukraine. Đó là lý do xung đột kết thúc vì Ukraine thực tế phụ thuộc hoàn toàn vào phương Tây. Nếu Mỹ không tiếp tục hỗ trợ thì châu Âu cũng không thể duy trì cuộc chiến ở Ukraine", ông Orban nói.
Ông Orban nói quan điểm của ông Trump là không muốn đứng ra chi trả cho an ninh của châu Âu. "Nếu châu Âu lo ngại Nga hay muốn có an ninh ở mức cao hơn, họ nên tự chi trả cho điều đó, bằng cách tự xây dựng lực lượng hoặc bổ sung vũ khí. Nếu cần Mỹ giúp đỡ thì phải trả mức giá phù hợp", ông Orban cho biết, nhấn mạnh ông Trump đã nói rõ và trực tiếp về vấn đề này.
“Ông ấy là người chủ trương hòa bình. Ông ấy muốn đem lại hòa bình cho xung đột ở Ukraine. Ông ấy muốn ngừng bắn càng sớm càng tốt. Tôi không nghĩ ai đó có quyết tâm và năng lực để làm điều đó hơn ông Trump", ông Orban nói thêm.
Hôm 8/3, ông Orban tới dinh thự Mar-a-Lago ở bang Florida (Mỹ) để gặp ông Trump. Cả hai đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến Mỹ và Hungary. Ông Orban ca ngợi "thế giới sẽ tốt đẹp hơn" nếu ông Trump tái đắc cử.
Thông tin Orban đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga- Ukraine bước vào một giai đoạn mới. Sputnik của Nga tối 10/3 cho biết, trong phiên thảo luật ở một sự kiện kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng một số nước NATO đã gửi quân đội của họ tới Ukraine.
Ý kiến của Ngoại trưởng Ba Lan được cho là có căn cứ khi vào cuối tháng 2, ông Macron nói rằng Pháp sẽ làm mọi cách để ngăn Nga "giành chiến thắng” trong cuộc chiến tại Ukraine. Theo ông Macron, lãnh đạo các nước phương Tây đã thảo luận về khả năng gửi binh sỹ tới Ukraine và mặc dù chưa đạt được sự đồng thuận nào về vấn đề này, nhưng “không có gì có thể bị loại trừ”.
Tổng thống Pháp sau đó đã bị chỉ trích gay gắt. Tuy vậy, ông lưu ý rằng mọi lời nói của ông đều được cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời nhấn mạnh Paris “không có giới hạn hay ranh giới đỏ” trong vấn đề hỗ trợ Kiev.
Cho đến lức này, sau phát biểu của ông Macron, chính phủ nhiều nước châu Âu khẳng định không có kế hoạch đưa quân sang Ukraine.