Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang: Lắng nghe, giải quyết thấu đáo các vấn đề ngay tại cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-8, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Đình Khang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Làm việc với đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh; Thường trực Thành ủy và Ban Dân vận Thành ủy Pleiku.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải nêu rõ: Sau khi có Quyết định số 218-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW một cách đồng bộ, thống nhất; tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong 10 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã tham gia góp ý trên 31.000 văn bản dự thảo của Đảng và các cơ quan, ban, ngành liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân; phối hợp tổ chức trên 3.600 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi đối thoại, tiếp xúc được tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và trả lời công khai, minh bạch.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: P.D

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: P.D

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức hơn 4.500 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tổng hợp hơn 22.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân gửi đến chính quyền các cấp xem xét, tiếp thu, giải quyết. Trong đó, khoảng 89% ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân đã được giải đáp trực tiếp, tạo sự đồng thuận cao.

Đặc biệt, phát huy vai trò trách nhiệm trong tham gia xây dựng Đảng, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu gần 60.000 đoàn viên, hội viên, người lao động ưu tú để cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng và đã có trên 25.500 người được kết nạp vào Đảng.

Mặt khác, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp tiếp tục kiện toàn, củng cố hoạt động của 220 ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng và 1.582 tổ hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải thành công hàng ngàn vụ việc, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong nội bộ Nhân dân. Công tác tiếp công dân được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt thông tin kịp thời, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân cũng như những vấn đề bức xúc trong Nhân dân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: việc triển khai thực hiện các nội dung theo Quyết định số 218-QĐ/TW ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ; việc xác định nội dung, hình thức, trách nhiệm trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có lúc, có nơi còn chậm và lúng túng... Các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ những thắc mắc của các thành viên đoàn công tác và nêu đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải cho biết: Công tác phản biện, góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo kế hoạch, đề án... của các cơ quan, ban ngành liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội tiến hành linh hoạt dưới nhiều hình thức; qua đó góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp và dự thảo luật, các văn bản quy phạm pháp luật.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: P.D

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: P.D

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng, việc triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW đã nâng cao vai trò, vị thế của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất cần có chế tài để việc tham gia góp ý và giám sát được thực hiện triệt để hơn; cần có quy định và hướng dẫn quy trình cụ thể, chặt chẽ để Mặt trận tham gia góp ý cho tổ chức, cá nhân đảm bảo tính dân chủ, khách quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đã thông tin với đoàn công tác một số nội dung liên quan đến các mô hình hay, cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân tại cơ sở; quá trình giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân định kỳ...

Phó Bí thư Tỉnh ủy đề xuất cần có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm góp ý nhưng né tránh, nể nang không tham gia góp ý hoặc có góp ý nhưng không chỉnh sửa. Đồng thời, mong muốn Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW có thêm ý kiến đối với các bộ, ngành Trung ương trong việc quan tâm, giải quyết các kiến nghị của người dân trên địa bàn tỉnh xoay quanh quá trình thi công Dự án nâng cấp quốc lộ 19, giải ngân đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Sau khi nghiên cứu báo cáo và nghe ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Việc thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW là vô cùng cần thiết. Do đó, đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục phát huy những cách làm hay, hiệu quả, nhất là việc hướng hoạt động về cơ sở, lắng nghe và giải quyết thấu đáo các vấn đề ngay tại cơ sở; tiếp tục quan tâm, đổi mới công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chủ động lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo với Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.