Đi về hướng mặt trời - Kỳ cuối: Xua tan những “cơn gió độc”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, bọn phản động FULRO và các đường dây tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Thông qua mạng internet, chúng tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số vượt biên để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và thu lợi bất chính. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội để nâng cao đời sống người dân, giúp bà con nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu, từ đó không tin, không nghe theo.

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Hiện nay, các ngôi làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh đều đang “thay da đổi thịt”, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trưởng thành từ cán bộ an ninh tham gia truy quét, đấu tranh bóc gỡ bọn FULRO từ những năm 80 của thế kỷ trước, Thiếu tướng Trần Đình Thu-nguyên Giám đốc Công an tỉnh-hiểu rất rõ những luận điệu xuyên tạc, kích động, dụ dỗ của bọn phản động.

Ông cho biết: FULRO là tổ chức do Mỹ dựng nên từ trước năm 1975. Mục tiêu chúng hướng tới là thực hiện âm mưu vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng và hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gieo rắc tư tưởng ly khai, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị”. Thủ đoạn chính mà chúng đang thực hiện là tuyên truyền kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, lợi dụng triệt để vấn đề tôn giáo lôi kéo người dân theo “Tin lành Đê ga”-một tổ chức chính trị phản động của FULRO và coi đây là ngòi nổ để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động, lừa bịp đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên.

Công an huyện, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang ký kết công tác phụ trách làng Kret Krot (xã Hà Ra) giai đoạn 2020-2025. Ảnh: Hà Phương

Công an huyện, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang ký kết công tác phụ trách làng Kret Krot (xã Hà Ra) giai đoạn 2020-2025. Ảnh: Hà Phương

Để ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động, các lực lượng chức năng đã xác lập hàng trăm chuyên án đấu tranh, bắt giữ, giáo dục răn đe và xử phạt tù hàng trăm trường hợp. “Bắt giam chỉ là giải pháp cách ly đối tượng ra khỏi cộng đồng nếu cảm thấy quá nguy hiểm cho đồng bào và cách mạng, còn lại phải cảm hóa họ, hướng cho họ con đường từ đêm tối ra ánh sáng. Đó là điều ta cần làm và là tính ưu việt của chế độ ta”-Thiếu tướng Trần Đình Thu chia sẻ.

Chính từ quan điểm nhân văn ấy, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân, đặc biệt là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội, phản bác các luận điệu xuyên tạc, lừa phỉnh của FULRO và các thế lực thù địch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch tăng cường cán bộ về cơ sở, cử các đội công tác của lực lượng chức năng về tận các thôn, làng để củng cố hệ thống chính trị, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Thế trận lòng dân, niềm tin của Nhân dân vào Đảng được củng cố vững chắc chính là thành trì chống lại các thế lực thù địch.

Trong nhiều cuộc họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên từng nhấn mạnh: Song song với việc đấu tranh, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chúng ta cần tập trung các chương trình, dự án để phát triển nông thôn, đặc biệt là các thôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu người dân giàu, cuộc sống văn minh sẽ không ai nghe theo các luận điệu dụ dỗ, xuyên tạc của bọn phản động. Với chủ trương đó, ngày 13-2-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là một quyết sách thể hiện sự hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân.

Đại tá Lê Tuấn Hiền-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Lực lượng vũ trang tỉnh cùng với 16 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã tham gia xây dựng nông thôn mới tại 35 xã, trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn; tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 16 làng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có đến 104 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các lực lượng đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, gắn kết tình đoàn kết quân dân.

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 273 cùng nhân dân đào mương, chôn ống dẫn nước về làng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 273 cùng nhân dân đào mương, chôn ống dẫn nước về làng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trên tuyến biên giới dài hơn 80 km của tỉnh, thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc để chống lại các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo người dân vượt biên. Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử 49 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 49 thôn, làng; đồng thời phân công 216 cán bộ, đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình ở các xã biên giới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, trên địa bàn 7 xã biên giới thuộc 3 huyện đã có 13 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Không nghe theo kẻ xấu

Năm 2009, “cơn gió độc” mang tên “Hà Mòn” quét qua một số buôn làng ở các huyện Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ… gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Để lôi kéo, tập hợp lực lượng hoạt động cho FULRO, các đối tượng xấu tuyên truyền cái gọi là “đạo Hà Mòn” là của người dân tộc thiểu số hoặc tự nhận là “Công giáo Đê ga” giống như trước đây bọn phản động FULRO đã dựng lên cái gọi là “Tin lành Đê ga” để tập hợp lực lượng chống phá chính quyền. Thậm chí, không ít bà con tín đồ bị chúng ép buộc bỏ đạo chính thống, không đi lễ nhà thờ như trước.

Quyết tâm đẩy lùi tà đạo “Hà Mòn”, tỉnh Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bám nắm thôn, làng, cùng ăn, cùng ở với bà con để tuyên truyền, vận động cũng như đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tôn giáo để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự tại cơ sở. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến thời điểm này, tà đạo “Hà Mòn” đã được loại bỏ và cuộc sống mới tươi vui lại trở về trên khắp các buôn làng.

Các lực lượng chức năng trao đổi thông tin để tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các lực lượng chức năng trao đổi thông tin để tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Từ năm 2010 đến 2020, khi tà đạo “Hà Mòn” xâm nhập, nhiều người dân làng Kret Krot (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) không nghe theo sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, không tham gia sinh hoạt cộng đồng, không cho con đến trường. Nhiều người dân đóng cửa, một phần vì không muốn tiếp cận với chính quyền, phần còn lại sợ các phần tử theo tà đạo “Hà Mòn”. Để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, bắt giữ nhiều đối tượng cộm cán đưa ra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Rạng sáng 19-3-2020, tại khu vực núi Jơ Mông (giáp ranh giữa xã Hà Ra và xã Lơ Pang, huyện Mang Yang), lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt giữ 3 đối tượng cuối cùng theo tà đạo “Hà Mòn” gồm: Kưnh (SN 1988), Lúp (SN 1970) và Jư (SN 1964, cùng trú tại làng Kret Krot) lẩn trốn trong rừng để chỉ đạo các đối tượng bên trong hoạt động chống đối chính quyền.

Những ngày này, về làng Kret Krot, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt. Ở đây, nhiều ngôi nhà sàn vừa dựng lên bên cạnh những ngôi nhà xây khang trang, bám sát trục đường bê tông. Ngồi bên ngôi nhà sàn nhìn về dãy núi Jơ Mông với đôi mắt đượm buồn, già làng Huch kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà ông không bao giờ muốn nhớ: “Các đối tượng theo tà đạo “Hà Mòn” dụ dỗ người dân trong làng bỏ mọi sinh hoạt cộng đồng. Chúng còn bảo đau ốm không cần đi bệnh viện sẽ có người bề trên chữa lành. Rồi chúng dựng lên những câu chuyện mơ hồ nhằm lừa bịp người dân. Cũng may chính quyền và các lực lượng chức năng kịp thời triệt phá, nếu không thì giờ này làng mình khổ cực lắm rồi”.

Nói về sự đổi thay của làng Kret Krot, Bí thư Huyện ủy Mang Yang Trần Đình Hiệp cho hay: Làng Kret Krot có 177 hộ với 931 khẩu. Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đến nay, 97% hộ dân trong làng đã có nhà ở kiên cố, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không có trẻ em bỏ học. Người trong độ tuổi lao động đều có việc làm thường xuyên và trên 96% có thu nhập ổn định. Cùng với đó, an ninh trật tự luôn ổn định. Nhờ những thay đổi diệu kỳ đó, làng Kret Krot đã được UBND huyện Mang Yang công nhận đạt danh hiệu “Làng văn hóa” năm 2022.

Còn theo nữ già làng Ksor H'Lâm (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông): “Bọn FULRO và các thế lực thù địch đâu biết bây giờ tất cả các làng trong tỉnh đều có đường ô tô đến nơi, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất. Chúng cố tình không hiểu sự đổi thay ấy nên ra sức tuyên truyền, xúi giục người dân chống chính quyền. Nhưng người dân làng mình đâu nghe, đâu theo chúng. Chúng chỉ là bọn lừa phỉnh, như những bóng ma rừng phá hoại cuộc sống bình yên của người dân mà thôi”.

-

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...