Đi về hướng mặt trời - Kỳ 1: “Miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lực lượng chức năng và đồng bào Tây Nguyên đã đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xóa bỏ tổ chức phản động FULRO vũ trang. Nhiều người từng lầm lỗi cũng quyết tâm từ bỏ bóng tối để đi về hướng mặt trời. Thế nhưng, gần đây, vì nhẹ dạ cả tin, một số người dân vẫn bị kẻ xấu lừa phỉnh vượt biên với ảo vọng đổi đời, không làm mà vẫn có ăn. Khi vỡ mộng, họ nhận ra không nơi đâu bằng quê hương mình.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc thiểu số (DTTS), các đối tượng FULRO lưu vong, “Tin lành Đê ga” và các đường dây tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vượt biên. Thủ đoạn của các đối tượng này là tạo ra những chiếc “bánh vẽ” về một cuộc sống giàu sang nơi xứ người, từ đó, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chính quyền và thu lợi bất chính.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chuyên án GL622 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chuyên án GL622 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

“Bánh vẽ” nơi xứ người

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hà-nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên là “khắc tinh” của bọn phản động FULRO. Ông cũng hiểu rất rõ những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà cho biết: Cuối năm 1992, các lực lượng của ta đã triệt phá toàn bộ hoạt động FULRO vũ trang ở Tây Nguyên. Dù bộ khung của tổ chức FULRO ở Tây Nguyên bị bóc gỡ nhưng các thế lực phản động bên ngoài vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo một bộ phận người DTTS với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá chính quyền.

Đối tượng Trần Đình Ngọc bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt giữ về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Ảnh: L.A

Đối tượng Trần Đình Ngọc bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt giữ về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Ảnh: L.A

Đặc biệt, từ năm 2000, tổ chức phản động “Tin lành Đê ga” hình thành ở nước ngoài, lợi dụng người DTTS, đồng bào tôn giáo để tạo thành vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, vu cáo chính quyền lấy đất, đàn áp người DTTS và đồng bào tôn giáo. Từ đó, chúng liên lạc và truyền bá tư tưởng kỳ thị, chia rẽ khối đoàn kết Kinh-Thượng, đoàn kết lương-giáo, kích động tư tưởng ly khai, rêu rao thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga độc lập”.

Không những thế, chúng còn tìm cách nuôi dưỡng và liên kết với các tổ chức phản động người Việt lưu vong, tích cực hỗ trợ nhóm cầm đầu FULRO ở nước ngoài và “Tin lành Đê ga” trong nước, móc nối tạo dựng lực lượng chống đối. Đồng thời, chúng xúi giục các phần tử cực đoan trong đồng bào DTTS và tôn giáo biểu tình chống chính quyền, tạo ra những “điểm nóng” xung đột hòng kêu gọi can thiệp từ bên ngoài.

“Ngoài các thủ đoạn trên, các tổ chức phản động còn dụ dỗ, lôi kéo đồng bào DTTS vượt biên sang Campuchia để đi sang nước thứ 3 với luận điệu sẽ có cuộc sống giàu sang. Để tạo lòng tin, các đối tượng phản động ở nước ngoài thường ghép những bức ảnh về cuộc sống giàu sang với nhà lầu, xe hơi rồi gửi về nước nhằm lừa bịp. Bên cạnh đó, các đối tượng hứa khi người dân vượt biên sang Campuchia, Thái Lan để sang nước thứ 3 sẽ có tổ chức đưa đón, có cuộc sống giàu sang và ai đi theo cái gọi là “Nhà nước Đê ga độc lập” sẽ được trả công xứng đáng. Tuy nhiên, thực tế khi tiếp xúc với những người nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng vượt biên thì họ phải sống một cuộc sống cơ cực tại các trại tị nạn”-Thiếu tướng Hà thông tin thêm.

Bên cạnh âm mưu, thủ đoạn lôi kéo của các tổ chức phản động, hiện nay, các đường dây tội phạm ở nước ngoài thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo… móc nối với một số đối tượng trong nước tổ chức đưa người DTTS trốn sang nước ngoài nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng đã liên lạc, tuyên truyền, lừa phỉnh người DTTS vượt biên để có việc làm ổn định, thu nhập hàng ngàn USD/tháng ở Thái Lan, Campuchia hoặc được đưa sang Mỹ, Canada định cư. Khi người dân tin tưởng, các đối tượng yêu cầu nộp khoản phí từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/người.

Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ tổ chức đưa người dân vượt biên sang Campuchia rồi tiếp tục qua Thái Lan. Thế nhưng, khi sang đến nơi, nhiều người phải sống chui lủi, không có việc làm, buộc phải tìm đường trở về nước, chấp nhận “tiền mất tật mang”.

Trao đổi với P.V, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu-chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an-phân tích: “Hiện nay, thủ đoạn mới nổi lên của các đường dây tội phạm là lừa đảo người dân vượt biên với lời hứa giúp tìm được công việc ổn định lương cao ở nước ngoài. Thực hiện hành vi này, các đối tượng trong đường dây tội phạm ở nước ngoài sẽ móc nối với đối tượng trong nước kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội Zalo, Facebook, sau đó “vẽ” ra những viễn cảnh tươi đẹp, giàu sang ở nước ngoài để các nạn nhân tin tưởng. Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng sẽ tìm cách đưa họ qua bên kia biên giới bằng đường tiểu ngạch”.

Sa chân vào “bẫy lừa”

Chúng tôi tìm về buôn Tul (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) để gặp ông Ksor Krok (Ama Nguôn, SN 1953) là em trai và cũng là nạn nhân của Ksor Kơk (đã chết năm 2019)-đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ, kẻ tự xưng là “tổng thống” của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị”. Khi được hỏi về “Tin lành Đê ga”, ông Krok khẳng định: “Nó không phải tôn giáo mà là tổ chức phản động, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và lừa đảo người DTTS nhằm thu lợi bất chính mà thôi”.

Ông Krok dẫn chứng từ bản thân mình: “Tôi là em ruột nhưng cũng bị Ksor Kơk lừa tham gia tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”. Lúc tôi hỏi về tổ chức này thì Kơk nói nếu không theo thì sau này thành công sẽ không thèm nhìn tôi nữa. Tin tưởng anh mình, tôi đã đi theo. Nhưng sau một thời gian hoạt động tuyên truyền, lôi kéo và kích động người dân biểu tình, vượt biên, tôi bị bắt và bị phạt 7 năm tù. Trong thời gian tôi ngồi tù, Kơk và tổ chức không hề giúp đỡ gia đình hoặc thăm hỏi tôi một lần nào. Sau đó, tôi mới biết được những người theo tổ chức này dù có sang sinh sống ở Mỹ cũng đi làm thuê với đủ thứ nghề, cuộc sống rất cơ cực. Tổ chức này chỉ lừa đảo, xúi giục người DTTS vượt biên để tập hợp lực lượng càng đông càng tốt nhằm kêu gọi tiền từ một số tổ chức phản động bên Mỹ nhằm trục lợi. Chính vì vậy, năm 2010, khi mãn hạn tù, tôi đã từ bỏ hẳn “Tin lành Đê ga”.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Hà đã hơn 30 năm gắn bó với người dân Tây Nguyên (ảnh nhân vật cung cấp)

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Hà đã hơn 30 năm gắn bó với người dân Tây Nguyên (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày 4-2-2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh nhận được thông tin về 2 người DTTS tại huyện Krông Pa trốn đi Thái Lan. Từ thông tin trên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh điều tra đã xác định được một đường dây tổ chức cho người DTTS trên địa bàn tỉnh vượt biên sang Thái Lan. Qua công tác điều tra, đến ngày 10-2, Phòng An ninh điều tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 4 hộ gia đình với 18 người DTTS trú tại xã Ia Hla, Ia Le (huyện Chư Pưh) và đưa họ trở về địa phương. Đây là những người bị các đối tượng lừa vượt biên sang Campuchia, Thái Lan để chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt, tạm giữ Trần Đình Ngọc (SN 1995, trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), Mai Hữu Trung (SN 1999, trú tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Pháp (SN 1985), Võ Hoàn Vũ (SN 1979, cùng trú tỉnh Đồng Tháp) và Siu HBẽo (SN 1999, trú tại xã Chư Don, huyện Chư Pưh) về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Theo hồ sơ vụ án, đối tượng Siu H'Bẽo đã móc nối với anh trai là Siu Cheo (vượt biên từ năm 2013, đang trốn ở Thái Lan) và các đối tượng khác lừa phỉnh một số hộ người DTTS vượt biên sẽ có cuộc sống sung sướng. Tin lời này, 4 gia đình đã bán tài sản có giá trị đưa cho các đối tượng hàng trăm triệu đồng để được dẫn đường vượt biên. Theo thỏa thuận, chi phí cho mỗi người lớn vượt biên là 26 triệu đồng, trẻ em được giảm tùy theo độ tuổi.

Trước đó, vào tháng 6-2022, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện tại làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai) có một số công dân vắng mặt với dấu hiệu bất thường. Đến ngày 23-6-2022, Đồn Biên phòng Ia O tiếp nhận tin báo của chị Puih Niêng (SN 1992, trú tại làng Kloong) về việc em trai mình là Puih Đại (SN 1998) cùng 6 người trong làng bị lôi kéo đi làm việc tại các tỉnh phía Nam, sau đó bị lừa bán sang Campuchia. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Muốn trở về nước, họ phải bỏ ra 120-150 triệu đồng để chuộc thân.

Các nạn nhân được lực lượng chức năng bàn giao cho gia đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Các nạn nhân được lực lượng chức năng bàn giao cho gia đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập Chuyên án GL622 để đấu tranh với tội phạm hoạt động mua bán người. Qua thu thập chứng cứ, lực lượng Bộ đội Biên phòng xác định đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) là mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán người. Ban chuyên án đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum gặp gỡ gia đình để vận động Quyết ra đầu thú.

Đến ngày 29-6-2022, Quyết đã đến Đồn Biên phòng Ia O đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, thông qua mạng xã hội, Quyết đã dụ dỗ được anh Puih Đại, Puih Môi (SN 2004), Ksor Jối (SN 2004), Puih Chiêu (SN 2003), Ksor Gum (SN 1999), Puih Thái (SN 1994) và Puih Phú (SN 2006) vào các tỉnh phía Nam làm việc với lời hứa việc nhẹ lương cao nhưng thực chất là lừa bán sang Campuchia. Thông qua việc bán người sang Campuchia, Quyết thu lợi bất chính 128 triệu đồng.

Trở về quê hương khi được lực lượng Bộ đội Biên phòng giải cứu, Puih Thái không giấu được sự xúc động: “Cảm ơn các lực lượng chức năng nhiều lắm. Mình bị lừa sang ấy, làm việc cực khổ. Họ ép mình gọi điện, lên mạng để lừa người khác, nếu không sẽ bị đánh đập, giam lỏng, không cho ăn. Do đó, đừng ai tin bên ấy việc nhẹ lương cao”.

Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích thêm: “Ngoài việc đưa các nạn nhân vượt biên bằng đường tiểu ngạch, các đối tượng còn núp dưới danh nghĩa hợp pháp như trao đổi xúc tiến thương mại, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch… để đưa người qua biên giới. Thậm chí, bọn tội phạm còn sử dụng chiêu bài mời tham quan du lịch, dự hội thảo quốc tế… để đưa người ra khỏi Việt Nam. Khi sang đến nước sở tại, các đối tượng sẽ trở mặt, không giúp đỡ tìm việc làm hoặc thu giữ tất cả giấy tờ của nạn nhân để ép họ phải hoạt động mại dâm hoặc bóc lột sức lao động”.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.