Đi về hướng mặt trời - Kỳ 2: Vỡ mộng chốn “thiên đường”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nghe lời dụ dỗ của bọn phản động FULRO lưu vong và các đối tượng xấu, một số người dân tộc thiểu số (DTTS) tin rằng khi vượt biên sang nước ngoài sẽ có cuộc sống sung sướng. Tuy nhiên, nhiều người nhanh chóng vỡ mộng khi mất hết tài sản, phải sống lay lắt trong các trại tị nạn hoặc chui lủi nơi xứ người nên đã tìm cách về nước. Dù may mắn được trở về bên gia đình nhưng họ vẫn chưa hết ám ảnh về những tháng ngày cơ cực nơi đất khách.

Những tháng ngày cơ cực

Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người DTTS nhẹ dạ nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng FULRO lưu vong để vượt biên đi tìm “miền đất hứa”, chúng tôi đến làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) gặp ông Nhữ Dăm Hoàng (SN 1936, trước đây định cư ở TP. Greensboro, tiểu bang Bắc Carolina, Mỹ), người được “Tổng thống” tự xưng của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” Ksor Kơk phong cho chức vụ “Phó Tổng thống”.

Đi về hướng mặt trời - Kỳ 2: Vỡ mộng chốn “thiên đường” ảnh 1

Ông Nhữ Dăm Hoàng (ở giữa) tuyên truyền bà con không tin, không nghe FULRO, “Tin lành Đê ga”. Ảnh: Thúy Trinh

Dù tuổi cao nhưng ông Hoàng vẫn nhớ những gì đã xảy ra khi tham gia tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga” và cuộc sống cơ cực ở nơi mà nhiều người vẫn gọi là “miền đất hứa”. Ông cho biết: “Năm 1991, tôi được người thân bảo lãnh sang Mỹ và tham gia hoạt động trong tổ chức FULRO lưu vong tại đây. Đến năm 2000, tôi được Ksor Kơk phong chức vụ “Phó Tổng thống”. Trong thời gian này, dù đã được phong là “Phó Tổng thống” nhưng không có tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ về kinh tế, tôi phải vất vả mưu sinh nơi đất khách với công việc làm nhân viên vệ sinh, rửa chén ở một bệnh viện tại TP. Greensboro. Dù bị mọi người ở đây xem thường nhưng vì mưu sinh nên tôi phải nhẫn nhịn để tiếp tục làm việc. Đến năm 2013 thì tôi nghỉ việc”.

Từ năm 2009, khi nhận ra bộ mặt thật của Ksor Kơk và tổ chức FULRO lưu vong, ông Hoàng đã từ bỏ tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”. “Nhiều người chưa trải nghiệm thực tế thì cứ nghĩ sang Mỹ sẽ có cuộc sống nhàn hạ, giàu sang nhưng thực tế thì xin việc ở đây rất khó. Nếu có công việc nhưng làm không đúng thời gian quy định sẽ bị đuổi ngay. Ai bị đuổi việc tới lần thứ 3 thì sẽ không thể xin vào làm việc ở công ty nào nữa. Tôi đã chứng kiến nhiều người DTTS ở Việt Nam vượt biên qua Mỹ phải sống lay lắt, vô gia cư, chịu cảnh đói khát mà tổ chức của Ksor Kơk đâu có quan tâm. Họ chỉ quan tâm đến những người DTTS vượt biên tìm được việc làm và đóng góp tiền cho tổ chức, còn ai không góp thì bỏ mặc. Nhiều người không chịu được muốn quay về quê nhưng không có tiền nên đành phải sống cảnh tha hương, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người”-ông Hoàng tâm sự.

Cũng vừa từ Canada trở về thăm nơi “chôn nhau cắt rốn” ở làng Djrông (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ông Kpă Bum (SN 1953) cho biết: “Năm 2004, tôi nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng FULRO lưu vong vượt biên sang Campuchia để đi nước thứ 3 với lời hứa sẽ có cuộc sống sung túc hơn. Khi đến Campuchia, tôi được đưa vào sống trong trại tị nạn. Ở đây rất cơ cực, không có tiền, không có việc làm nên ai cho gì ăn đó, bữa đói, bữa no. Năm 2005, tôi được đưa sang Canada. Khi đến đây, tôi mới nhận ra cuộc sống nơi đất khách không nhàn hạ, giàu sang như lời hứa trước đó. Tôi và những người DTTS cùng chuyến đi không được ai hỗ trợ, giúp đỡ mà phải tự tìm kiếm việc làm, sống nhờ ở nhà trọ của những người đã qua trước đó. Đến năm 2019, tôi mới được nhập quốc tịch Canada. Sau gần 20 năm lao động quần quật với đủ thứ nghề ở xứ người, tôi vẫn phải ở nhà thuê, tiền cũng không đủ để gửi về giúp đỡ gia đình. Đến bây giờ, tôi có thể khẳng định, viễn cảnh về một cuộc sống giàu sang, nhàn hạ chỉ là trò lừa đảo của các đối tượng xấu”.

Đi về hướng mặt trời - Kỳ 2: Vỡ mộng chốn “thiên đường” ảnh 2

Ông Kpă Bum (bìa trái), trú tại làng Djrônh, xã A Dơk, huyện Đak Đoa kể về những vất vả khi nghe theo lời kẻ xấu vượt biên qua Canada. Ảnh: Thiên Đăng

Tương tự, ông Siu Phân (SN 1960, trú tại làng Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) vẫn không quên quãng thời gian sống chui lủi ở Thái Lan. Ông kể: “Tháng 7-2015, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng ở Mỹ và Thái Lan, tôi và Rmah Anhuch (cùng làng) vượt biên sang Campuchia, sau đó tiếp tục trốn sang Thái Lan. Tại Thái Lan, chúng tôi phải thuê phòng trọ để ở và đi phụ hồ trong nơm nớp lo sợ bị chính quyền Thái Lan bắt giữ. Công việc của chúng tôi không ổn định, có khi mỗi tuần chỉ làm được 1-2 ngày, lương trả rất thấp, thậm chí còn bị chủ thầu quỵt lương, không có tiền mua cơm ăn. Sau gần 8 tháng ở Thái Lan, tôi và Anhuch đã tự nguyện trở về Việt Nam và thề rằng sẽ không bao giờ nghe theo lời kẻ xấu nữa”.

Tiền mất, tật mang

Cũng như bao nạn nhân từng vượt biên để đi tìm “miền đất hứa”, anh Nay Si (SN 1992, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) nhớ lại: Năm 2018, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng xấu ở Thái Lan và Mỹ, anh để vợ và 2 con nhỏ ở lại rồi dẫn bố mẹ tìm đường vượt biên sang Thái Lan với hy vọng có cuộc sống giàu sang. Để có 45 triệu đồng đưa cho người dẫn đường, gia đình anh phải gom góp tất cả số tiền dành dụm được và bán đi một số tài sản. Tuy nhiên, khi đến được Thái Lan, gia đình anh phải sống trong căn phòng trọ tồi tàn và luôn nơm nớp lo sợ bị cảnh sát bắt giữ về tội nhập cư bất hợp pháp.

“Cuộc sống bên Thái Lan rất khổ cực, việc làm không ổn định, đồng lương thì rẻ mạt khi một ngày công chỉ được trả tương đương 180 ngàn đồng tiền Việt Nam nên không đủ trang trải sinh hoạt. Không chịu được cảnh sống chui lủi, đói khát nên tháng 4-2019, khi dành dụm được ít tiền, tôi đã quyết định quay về quê hương với vợ con. Riêng cha mẹ tôi vì không có tiền nên vẫn chưa thể về nước”-anh Si tâm sự.

Tương tự, anh Siu Phương (SN 1992, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) bị đối tượng Siu H'Bẽo móc nối với anh trai là Siu Cheo (đối tượng đã vượt biên từ năm 2013, đang trốn ở Thái Lan) lừa đảo vượt biên sang Thái Lan. Anh Phương cho biết: “Tháng 1-2023, qua mạng xã hội Zalo, tôi nghe một số đối tượng dụ dỗ sang Thái Lan sẽ có công việc nhàn hạ, lương cao. Khi tôi hỏi về kinh phí, các đối tượng cho biết đối với người lớn thì phí dẫn đường là 26 triệu đồng/người, trẻ con thì tính bằng 1/2 người lớn. Sau đó, tôi đã bán 6 con bò được 40 triệu đồng, cho thuê hết đất rẫy được 35 triệu đồng, cộng với tiền tiết kiệm 38 triệu đồng để đưa vợ và 2 con trai đi Thái Lan.

Theo yêu cầu của các đối tượng, để đưa được cả vợ và con đi, tôi đã 3 lần chuyển vào tài khoản của Siu H'Bẽo 78 triệu đồng. Sau khi nộp đủ tiền, các đối tượng hướng dẫn tôi đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh rồi đi xe ô tô xuống huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để vượt biên. Trên đường đi, chúng tôi bị cơ quan Công an phát hiện, tạm giữ rồi hỗ trợ quay về. Được các cán bộ giải thích, tôi đã nhận ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Lỡ nghe theo lời kẻ xấu, tất cả tài sản của gia đình tôi đã bán hoặc cho thuê hết. Giờ tôi mong lấy lại được tiền để chuộc đất và phát triển chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống gia đình”.

Cùng hoàn cảnh, vợ chồng chị Siu H'Piep (SN 1995, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã bán xe công nông lấy 77 triệu đồng cùng với số tiền tiết kiệm được chuyển cho Siu H'Bẽo 90 triệu đồng để các đối tượng dẫn đường cho 4 người trong gia đình chị vượt biên sang Thái Lan kèm lời hứa có việc làm ổn định. Khi được đưa trở về địa phương và hiểu rõ bản chất của những kẻ lừa phỉnh thì gia đình chị H'Piep cũng lâm vào cảnh trắng tay.

Đi về hướng mặt trời - Kỳ 2: Vỡ mộng chốn “thiên đường” ảnh 3

Cán bộ Công an tỉnh làm việc với các nạn nhân bị Siu H'Bẽo và các đối tượng khác lừa đảo vượt biên. Ảnh: Thiên Đăng

Ngoài ra, trong vụ án này, Siu H'Bẽo còn thu của gia đình chị Siu Puh (SN 1977) và anh Adrơng Jem (SN 1972, cùng trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh) tổng cộng hơn 200 triệu đồng để đưa họ sang Thái Lan. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Siu H'Bẽo khai rằng: Số tài khoản mà các nạn nhân chuyển tiền vào là của đối tượng. Tuy nhiên, tháng 9-2022, Siu H'Bẽo đã cho anh trai mình là Siu Cheo sử dụng SmartBanking để nhận và chuyển tiền với các đối tượng liên quan đến việc tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

Rau má “lên ngôi”

Rau má “lên ngôi”

Với nhiều thế hệ người dân Thanh Hóa, ngoài hạt lúa, củ khoai, củ sắn (mì) thì rau má chính là lương thực cứu… đói qua cả một thời cơ cực. Khi cuộc sống khấm khá hơn, rau má được nâng tầm thành thức ăn chơi, ăn ghém trong mỗi bữa ăn. Ít ai có thể ngờ, thứ rau mọc “cù bất cù bơ” bên bờ rào, ngoài bãi hoang lại “lên ngôi”...
Nhà trọ "vip" và những nguy cơ

Nhà trọ "vip" và những nguy cơ

Khác xa với thời kỳ nhà trọ sinh viên đồng nghĩa với những căn phòng xập xệ, ẩm thấp, thiếu tiện nghi... giờ đây có không ít sinh viên được cha mẹ thuê hẳn cho một căn phòng riêng "sang chảnh" tại chung cư mini, nhà ống cao tầng...
Sen Trà Lý vào mùa

Sen Trà Lý vào mùa

Giữa những ngày mùa hè oi ả, nhiều du khách tìm đến cánh đồng sen Trà Lý (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để thư giãn và check in. Tháng 6 cũng chính là thời điểm sen Trà Lý nở rộ.
Nhọc nhằn giấc mơ sâm

Nhọc nhằn giấc mơ sâm

Trong giấc mơ ngàn năm ở vùng sâm, người Xê Đăng hay Ca Dong đã ước tới một ngày giàu lên từ núi, cuộc sống được đổi thay từ cây thuốc giấu. Giấc mơ ấy đã trở thành sự thật, đổi bằng những nhọc nhằn không nhỏ.
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm: “Vàng mười” của múa

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm: “Vàng mười” của múa

(GLO)- “Tôi luôn đưa cuộc sống vào nghệ thuật múa vì cuộc sống quá đẹp. Những gì mình làm bằng trái tim đều có sức lay động”-Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Quang Tâm-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đúc rút kinh nghiệm sau gần nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp múa.
Ân nhân của thú rừng

Ân nhân của thú rừng

Chess và Poly là hai con gấu cái đã sống quãng đời bình yên ở khu cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát miền Tây Nghệ An. Hơn 10 năm trước, lực lượng Công an và kiểm lâm đã giải cứu thành công hai chú gấu từ các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Cào sò ở vịnh Xuân Đài

Cào sò ở vịnh Xuân Đài

Khi triều cường xuống, vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu, Phú Yên) lộ ra bãi bùn cát trải dài. Đó là lúc vùng vịnh này trở nên nhộn nhịp bởi những người mưu sinh bằng nghề cào sò.
'Bố già' xóm chân cầu

'Bố già' xóm chân cầu

Là người đầu tiên sinh sống ở bãi giữa sông Hồng rồi từ từ mà tụ họp thành cả một xóm ngụ cư như hiện nay, dân ở đây coi ông Được Đen như trưởng làng của mình. Trẻ con sinh ra ở cái xóm chắp vá này, được người thầy đầu tiên là ông Được dạy chữ. Lại cũng là ông, chạy vạy ngược xuôi để đám trẻ ấy có giấy khai sinh, có thể đến trường lớp đàng hoàng...
'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

Trở lại quê hương với khát khao có thêm hiểu biết về tình hình chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, những người con đất Việt xa xứ đã chia sẻ nhiều câu chuyện trong việc góp phần gìn giữ bản sắc của người Việt ở nơi định cư, lập nghiệp mới, với niềm tin và khát vọng hướng về đóng góp cho nơi mình được sinh ra.
Tổ quốc nhìn từ biển: Cả nước vì Trường Sa

Tổ quốc nhìn từ biển: Cả nước vì Trường Sa

Kiên gan bền chí nơi tuyến đầu sóng gió, hình ảnh những người lính nơi đảo xa và nhà giàn DK1 chắc tay súng quyết giữ vững chủ quyền từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc khiến mọi người trong đoàn công tác rưng rưng và cảm phục. Phút chia tay, những tiếng hô như vỡ tung lồng ngực vang lên át cả tiếng sóng biển gầm gào: Cả nước vì Trường Sa! Trường Sa vì cả nước!
'Tổ quốc nhìn từ biển…': Chung tay bảo vệ sơn hà

'Tổ quốc nhìn từ biển…': Chung tay bảo vệ sơn hà

Một trong những kỷ niệm mà Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân nhớ nhất trong hành trình đưa kiều bào ra thăm Trường Sa là câu chuyện về cựu thiếu úy biệt động quân Nguyễn Ngọc Lập của chế độ Việt Nam Cộng hòa hiện đang sinh sống tại Mỹ. Trong suốt chuyến đi năm đó, ông Lập luôn mang theo mặc cảm hận thù. Thế nhưng một 'biến cố' xảy ra đã khiến người này thay đổi.
'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

Trở lại quê hương với khát khao có thêm hiểu biết về tình hình chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, những người con đất Việt xa xứ đã chia sẻ nhiều câu chuyện trong việc góp phần gìn giữ bản sắc của người Việt ở nơi định cư, lập nghiệp mới, với niềm tin và khát vọng hướng về đóng góp cho nơi mình được sinh ra.