Pleiku, phố xưa và phố nay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hạnh phúc đôi khi rất bình dị như cách ai đó vui cùng phố, lẫn vào dòng người tấp nập xe cộ, chợt nhận ra hình hài của phố được minh chứng qua dòng chảy lịch sử thăng trầm như bao vùng đất khác. Pleiku với những con phố nhỏ xinh đủ làm nên khoảnh khắc yêu thương với bao người và được nhận diện qua nhiều bức ảnh với chú thích rõ từng góc phố để chúng đọng mãi với thời gian.

Pleiku xưa trong ảnh

Đôi khi, điều khiến ta nhớ nhung và mong muốn tìm về là vì bất chợt một ngày bắt gặp lại tên phố, tên người vốn đã cũ nhưng vẫn hiện diện chốn này. Thương nhớ phố xưa và hiểu về phố nay không phải trạng huống xúc cảm của riêng ai. Phải chăng, Pleiku ngày ấy là phố của nhàn dật và lặng lẽ. Cái lặng lẽ của sương, nhàn dật của con người và bụi đường đất đỏ, thoắt ẩn thoắt hiện trong non thì xuân xanh. Pleiku xưa còn là hình ảnh từng chuyến xe lam già nua nổ phành phạch, phà nhả những cuộn khói trắng trong sương bay cho đến khi chỉ còn một chấm nhỏ xa dần nơi cuối dốc. Thì dẫu chỉ còn lại trong ảnh hình cũng là cái cớ để ta tìm lại và nhận ra, cũng đã từng có một Pleiku như thế.

Đếm không hết những nơi, những chỗ, những quán xá dùng ảnh xưa để treo thay tranh, khi mà nó quá phổ biến ở thành phố này. Đôi khi, tôi cứ loay hoay rằng, chẳng biết hình ảnh nào của phố sẽ hoài thương trong tim của mình. Cho đến khi tôi tình cờ xem được bức ảnh cổng Trường Trung học Pleiku-sau này là Trường THCS Nguyễn Du (nơi tôi đang công tác). Tấm ảnh được chụp năm 1972 ngay tại phố Hoàng Diệu (bây giờ là đường Hùng Vương). Một cựu học sinh của niên khóa ấy vừa đăng lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lượt thích trong sự ngạc nhiên, thích thú về một Pleiku xưa chưa hề phai dấu. Quan sát đối chiếu thì tấm ảnh cổng trường ngày ấy so với bây giờ không khác nhau là mấy. Ngôi trường ngày ấy cũng lấp lánh trên từng tán lá thông xanh, ẩn hiện trong chiếc áo trắng mến thương lãng đãng sương bay. Một khoảng không dẫu xưa xa bồi hồi, xuyến xao nhưng tình tự vô ngần.

Trường THCS Nguyễn Du ngày nay. Ảnh: N.T.D

Trường THCS Nguyễn Du ngày nay. Ảnh: N.T.D

Thế hệ chúng tôi lớn lên khi Pleiku ngày một đổi mới và phát triển. Vậy nên, nhiều khi chưa kịp hiểu, chưa kịp lý giải vì sao có nhiều người luôn hoài niệm về thành phố xưa qua như thế. Đôi lần, tôi cũng tự vấn rằng, họ có niềm riêng chung, họ yêu ký ức miền đất đã từng là hơi thở, là mạch nguồn cuộc sống. Như chỉ một bức ảnh đen trắng kia thôi cũng có sức lay cảm đến nhường nào.

Pleiku nay-niềm kiêu hãnh của bao thế hệ

Một thầy giáo dạy đàn, người đang thực hiện Dự án “Pleiku xưa và nay” đã chỉ cho tôi nơi có thể tìm lại một chút gì đó của “Phố núi cao, phố núi trời gần” qua những con hẻm dọc đường Hùng Vương. Vậy là, một ngày, tôi dừng chân ngẫu hứng trong con hẻm chùa thầy Năm (chùa Minh Quang) đầu đường Sư Vạn Hạnh (phường Hội Thương) và cũng kịp chụp được vài tấm hình từ con dốc lưng chừng hẻm đó.

Trong vách hẻm cao cao kia có bóng nắng loang, cố víu chặt trên từng mảng tường vàng bám rêu xanh, tĩnh lặng và êm đềm. Gần như chúng tách biệt với ngược xuôi hối hả khi mà chỉ cách đó dăm mét là phố. Trong này là bình thản điềm nhiên của bao người già. Họ đặt cái ghế gỗ cũ ngồi sưởi nắng trước hiên nhà. Cạnh đó là mấy căn nhà xây từ những năm 80 của thế kỷ trước, trầm mặc và yên bình. Nơi này vắng người lại qua, nhưng ở đây đầy ắp những kỷ niệm của bao người. Tôi ngồi bệt nơi góc tường nhìn đám trẻ hồn nhiên đùa vui nơi đầu hẻm, hình như trong nắng hạ còn vương chút xuân thì.

Thỉnh thoảng gặp lại bạn cũ, tôi vẫn luôn nhắc chuyện với họ về nơi này. Nhắc về căn nhà xưa bên suối của chúng tôi giờ đã đổi khác. Xóm cũ bây giờ là khu đô thị suối Hội Phú với nhiều quán xá mọc lên đông đúc. Chiếc cổng chào bé xinh bằng gỗ, đường phố dốc ngắn dài và có giàn hoa rạng đông bung xòe nở từ đầu xuân đến hết hè luôn là một phố rất thật của chúng tôi.

Đến tận sau này, dù khi thành phố được chỉnh trang, nhưng những mòn vẹt bụi mờ như thế của Pleiku xưa thì chẳng phai mất đâu được. Đã có những biệt thự với kiến trúc đẹp đẽ, hiện đại, lấy bờ kè là mặt trung tâm, nhà cửa mặt đều mở hướng ra đấy. Hai bên đường trồng nhiều cây xanh và hoa anh đào được chăm trồng, nuôi dưỡng chờ ngày bung nở. Mọi thứ đổi thay, chỉ có dòng nước vẫn chảy thanh thản ngang qua phố. Thì vẫn còn đấy chứ đâu, cái phong vẻ của lớp phố trải qua thăng trầm đã hòa vào nhau làm nên diện mạo hôm nay.

Tôi chợt làm phép thử rằng, khung cảnh của phố ngày ấy nếu đem đặt trong bối cảnh thời nay thì thế nào. Phố xưa đã thật là xưa rồi, khó có thể tái hiện sống dậy một cách vô hình được. Thì cứ tự nhiên thôi, phố sẽ định danh hữu hình rõ nét một khuôn mặt khác, một thời đại mới. Bởi phố xưa hay nay vẫn luôn là niềm tự hào của Pleiku, của người dân Phố núi suốt dặm dài thời gian.

Có thể bạn quan tâm

Vệt phố

Vệt phố

(GLO)- Nương náu phố núi hơn 40 năm ròng nhưng hình như tôi chưa kịp hiểu hết những ngõ ngách thẳm sâu trong lòng phố.

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.

Bước chạy trong mây

Bước chạy trong mây

Một cuốc chạy bộ ngẫu hứng, từ bờ biển Mân Thái lên đỉnh Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi tự nhủ mình đang có những bước chạy trong mây...

Minh họa: HUYỀN TRANG

Hoài niệm thư tay

(GLO)- Khi ngồi bên hiên nhà cùng cơn mưa cuối mùa, tôi lại nhớ về những người bạn thân từ thuở nhỏ. Đã mấy lần cầm điện thoại, định gọi hoặc nhắn tin trong nhóm, nhưng rồi lại thôi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bữa cơm ngoài đồng

(GLO)- Tôi sinh ra từ làng, lớn lên cùng cánh đồng mỗi năm 2 vụ chính. Thuở ấu thơ, tôi và cánh đồng cùng đi qua những mùa mưa nắng, cùng đằm vị mồ hôi chát mặn của cha mẹ và niềm vui lan tỏa của những bữa cơm ngoài đồng.

Nghề rèn của người Bahnar Đông Trường Sơn

Nghề rèn của người Bahnar Đông Trường Sơn

(GLO)-Với chiếc lò rèn đắp bằng đất sét cùng một số dụng cụ đơn giản, già làng Đinh Hmêh (SN 1948, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) đã tạo ra những vật dụng hữu ích, giúp bà con Bahnar vùng Đông Trường Sơn có thêm những công cụ lao động sắc bén, có khả năng “ăn cây”, “ăn đất”.