Phòng trưng bày sản phẩm dệt truyền thống: Đa dạng sắc màu thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hơn 140 hiện vật cùng hình ảnh minh họa, phòng trưng bày sản phẩm dệt truyền thống Gia Lai tại Bảo tàng tỉnh giới thiệu một cách khái quát đặc trưng nghề dệt thổ cẩm nói chung, trang phục truyền thống của các dân tộc trong tỉnh nói riêng.

Thổ cẩm là những sản phẩm dệt thủ công truyền thống chứa đựng những giá trị tiêu biểu về văn hóa xã hội được biểu hiện qua các họa tiết, đường nét hoa văn tinh tế, với nhiều sắc màu sinh động mang tính nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong đó, trang phục là một trong những yếu tố quan trọng của mỗi tộc người, mỗi cộng đồng, tạo nên những sắc thái riêng để phân biệt trên các phương diện cụ thể như: nguyên liệu, kỹ thuật chế tác, họa tiết hoa văn, giá trị sử dụng… Đồng thời, trang phục còn thể hiện môi trường sống, sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, tri thức dân gian và sự giao lưu của các dân tộc.

 Góc trưng bày sản phẩm dệt truyền thống tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Xuân Toản
Góc trưng bày sản phẩm dệt truyền thống tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản


Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do ThS. Hoàng Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm đã thực hiện nhiều sản phẩm, trong đó, phòng trưng bày sản phẩm dệt truyền thống Gia Lai tại Bảo tàng tỉnh biểu hiện sự đa dạng về sắc màu thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số tiêu biểu trong tỉnh. Với hơn 140 hiện vật cùng hình ảnh minh họa, phòng trưng bày giới thiệu một cách khái quát đặc trưng nghề dệt thổ cẩm nói chung, trang phục truyền thống của các dân tộc trong tỉnh nói riêng.

Sự đa dạng sắc màu của phòng trưng bày không chỉ thể hiện ở việc bố cục thành các nhóm chủ đề của chủ thể như: Bahnar, Jrai và các dân tộc khác một cách phong phú mà còn được thể hiện trong mỗi nhóm chủ đề với từng loại hình sản phẩm. Sự đa dạng đó được biểu hiện qua các chi tiết như: kiểu dáng, tạo hình của mỗi dân tộc hay mỗi nhóm tộc người có những cách thể hiện khác nhau. Người Bahnar, Jrai nổi bật với áo mặc chui đầu, nam đóng khố, nữ quấn váy. Trong khi đó, đa số các dân tộc thiểu số ở phía Bắc lại sử dụng áo cài khuy, nam mặc quần, nữ quấn váy.

Kỹ thuật dệt, cắt, may cũng được biểu hiện rõ nét qua cách tạo ra sản phẩm. Trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai được tạo nên từ việc se sợi, dệt vải, khâu tay hình thành nên sản phẩm và gần như sử dụng kỹ thuật thủ công thuần nhất. Trong khi đó, các dân tộc thiểu số ở phía Bắc bên cạnh việc dùng nguyên liệu tự dệt, còn sử dụng thêm nguyên liệu công nghiệp để làm ra sản phẩm.

Đối với kỹ thuật tạo hoa văn, mặc dù đi vào từng chi tiết sẽ có sự khác biệt, nhưng xét trên phương diện tổng thể thì có sự tương đồng giữa các nhóm tộc người. Hầu hết các họa tiết hoa văn đều được tạo ra bằng phương pháp thủ công. Trong đó, thêu là hình thức phổ biến nhất đối với các dân tộc thiểu số phía Bắc, bằng cách dùng kim đưa sợi chỉ tạo ra nhiều hình thù hoa văn khác nhau, thể hiện ý tưởng nghệ thuật và sự khéo léo, óc sáng tạo của nghệ nhân. Trong khi đó, việc tạo hoa văn của người Bahnar, Jrai được thể hiện một cách trực tiếp và đồng nhất với quá trình tạo ra sản phẩm. Dải hoa văn của người Bahnar, Jrai được tạo ra trong quá trình dệt và thường không có khuôn mẫu cố định mà được nghệ nhân mường tượng ra và dựa trên các quy ước nhất định để tạo thành hoa văn khi dệt. Việc này không chỉ thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của đôi bàn tay mà còn biểu hiện tri thức dân gian phong phú, sự liên tưởng, mường tượng từ cái tổng thể đến từng chi tiết trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Màu sắc, sản phẩm dệt truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Gia Lai rất phong phú và đa dạng. Nếu như cư dân Bahnar, Jrai chủ yếu dùng tông màu chàm (với 4 màu chủ đạo: đen, đỏ, trắng, vàng) thì các dân tộc thiểu số ở phía Bắc lại sử dụng rất nhiều màu sắc sặc sỡ. Ngay chính trong mỗi nhóm tộc người, màu sắc trang phục vẫn có sự khác biệt, phần lớn màu sắc trên trang phục nữ sặc sỡ hơn trang phục nam.

Cùng với trang phục truyền thống, thổ cẩm các dân tộc thiểu số ở Gia Lai còn được biểu hiện qua các loại hình: mũ, khăn, tấm địu con, chăn, túi xách… Đặc biệt, sự kết hợp hài hòa với các loại hình trang sức và phụ kiện đính kèm vừa tô điểm thêm vẻ đẹp của trang phục, vừa biểu hiện được đặc trưng văn hóa, giá trị thẩm mỹ cũng như trình óc sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm.

Một nội dung quan trọng và không thể không nhắc đến đó là bảng mẫu hoa văn. Với các đồ án hoa văn chi tiết, sinh động và đa dạng, bảng mẫu hoa văn đã thể hiện sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú trong tâm thức của chủ thể. Hầu hết các sản phẩm được làm từ thổ cẩm đều có trang trí hoa văn. Các họa tiết hoa văn là biểu tượng cho cỏ cây, hoa lá, chim muông, con người và những vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, được nghệ nhân đưa vào trên nền dệt thổ cẩm một cách hài hòa, thể hiện kỹ thuật điêu luyện cũng như kinh nghiệm và tri thức bản địa của mỗi dân tộc.

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, phòng trưng bày còn cho khách tham quan thưởng lãm nguyên liệu và dụng cụ tái hiện quy trình chế tác, tạo nên sản phẩm dệt truyền thống của cư dân như: sợi bông, cuộn chỉ, dụng cụ cán bông, quay sợi se chỉ, nhuộm màu, dệt vải và các nguyên liệu pha màu truyền thống.

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống thể hiện rõ đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Trong điều kiện hiện nay, việc giữ gìn và phát huy giá trị của dệt thổ cẩm là tất yếu và cần thiết. Phòng trưng bày sản phẩm dệt truyền thống Gia Lai tại Bảo tàng tỉnh là nơi tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương, là địa điểm tham quan hấp dẫn, điểm học tập ngoại khóa bổ ích cho học sinh, sinh sinh viên nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

 

 XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.