(GLO)- Ở vùng biên giới Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hiện có đến gần 30 hộ gia đình mang 2 quốc tịch Việt Nam-Campuchia. Họ đã viết nên những câu chuyện tình không biên giới vô cùng lãng mạn bên dòng sông Pô Cô và thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước láng giềng. Thế nhưng, hầu hết các cặp vợ chồng ấy đều sống với nhau mà chưa có hôn thú.
Chuyện tình không biên giới
Nhắc lại câu chuyện “bắt” chồng, chị Ksor Le (làng Kom II, xã Ia O) thẹn thùng “Mình thích nó ngay từ lần đầu gặp”. Vốn có họ hàng bên xã Ia O nên ngay từ khi còn nhỏ, anh Rơ Mah Thiêng (xã Nhang, huyện Đun Mia, Ratanakiri) vẫn thường xuyên theo bố sang Việt Nam chơi. Rồi như một sự tình cờ, cách đây 7 năm, nhà họ hàng có tổ chức lễ bỏ mả và Thiêng cùng bố được mời sang dự. Ngay khi nhìn thấy chị Ksor Le, anh Thiêng đã bị cuốn hút bởi cô gái có nụ cười buồn.
Vợ chồng anh chị Ksor Lài là một trong số ít các cặp vợ chồng hai quốc tịch có đăng ký kết hôn. Ảnh: P.D |
Nhưng vì đã từng bất hạnh trong hôn nhân (vợ anh Thiêng chết sớm-N.V) nên khi gặp chị Ksor Le, anh khá rụt rè. Mãi đến khi nghe mọi người nói chị cũng từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân và đang nuôi con gái 5 tuổi, anh mới mạnh dạn tiếp cận. Do “đồng cảnh ngộ” nên cả hai nhanh chóng cảm thông và yêu nhau. Vài tháng sau, chị quyết định theo anh sang Campuchia để “ra mắt” gia đình người yêu và để kiểm chứng những lời anh nói. Rồi chẳng để anh phải lặn lội đường sá xa xôi, cách trở, chị thông báo với gia đình sẽ “bắt” Thiêng về làm chồng và nhận được sự đồng ý của mọi người. “Thiêng thương con gái mình như đứa con chung nên gia đình mình vui lắm”-chị Le tâm sự. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, song trong suốt những năm chung sống, cả hai luôn cảm thấy hạnh phúc vì họ thật sự đã tìm được một nửa của nhau.
Cũng phải lòng cô gái Việt ngay từ cái nhìn đầu tiên nên chàng trai Campuchia Ksor Lài (xã Nhang, huyện Đun Mia) đã đặt quyết tâm phải cưới bằng được Ksor Chép (làng Dăng, xã Ia O) về làm vợ. “Cô ấy hiền và cười rất đẹp”-đó là những cảm nhận đầu tiên của anh Ksor Lài về người vợ hiện tại. Cũng chính nụ cười ấy đã khiến cho Ksor Lài bao đêm thao thức. Kể từ đó, Lài thường xuyên sang thăm nhà bà con bên Việt Nam mà chẳng đợi phải có dịp lễ, Tết như trước. “Nhưng lúc đó có nhiều trai làng cũng đang theo tán tỉnh cô ấy nên mình chẳng dám mở lời”-anh Lài cười nói. Qua lại khoảng 1 tháng, một tối trước khi về lại Campuchia, anh Lài hẹn gặp chị Ksor Chép và nói: “Nếu Chép không đồng ý yêu mình thì mình sẽ không sang bên này nữa”. Sự liều lĩnh của Ksor Lài đã khiến cô gái trẻ bị khuất phục và chẳng lâu sau, hai họ đã mổ heo để kết tình thông gia. Từ đó, chàng trai Campuchia chính thức trở thành rể của làng Dăng. Hạnh phúc của họ đã được chứng minh bằng 19 năm chung sống bên nhau và 3 cậu con trai. Đây cũng là một trong số ít những cặp vợ chồng Việt Nam-Campuchia có giấy đăng ký kết hôn.
“Sao phải đăng ký kết hôn?”
Viết nên những câu chuyện tình đẹp vượt biên giới, song có một thực tế là hiện nay đa số cuộc sống của các hộ gia đình Việt Nam-Campuchia trên biên giới vẫn còn rất khó khăn. Nói về cuộc sống hiện tại, anh Ksor Lài cho biết: Không có đất sản xuất nên hai vợ chồng phải thuê 5 sào đất ở làng khác với giá 2 triệu đồng/năm. Con trai lớn-Ksor Tái năm nay 16 tuổi nhưng cũng chỉ học hết lớp 2 rồi ở nhà phụ gia đình trồng mì. “Có nhiều hôm mình phải đi mượn tiền về mua gạo, mua mắm rồi đi làm công trả nợ”-anh Lài nói.
Không dừng lại ở nghèo khó, đông con, hầu hết các cặp vợ chồng mang 2 quốc tịch này chung sống với nhau nhưng đều không có đăng ký kết hôn. Theo kết quả khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh năm 2015 về tình hình phụ nữ người dân tộc thiểu số lấy chồng người Campuchia tại 7 xã biên giới của tỉnh, có 47 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số kết hôn với người Campuchia, tập trung chủ yếu của 2 huyện: Đức Cơ, Ia Grai. Một số chị khi hỏi về việc cưới chồng có đăng ký kết hôn hay không đã trở lời rất tự nhiên rằng “sao phải đăng ký kết hôn?” hay “hai bên gia đình mình đều đồng ý mà”… Mãi đến khi nghe cán bộ Tư pháp truyền thông về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhiều cặp gia đình mới “ngã ngửa” vì thấy rằng, trước nay mình chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng cũng nhận thấy mình còn thiếu những giấy tờ cần thiết liên quan đến việc đăng ký kết hôn.
Lấy chồng gần 20 năm và có với nhau 5 mặt con, song đến nay chị Rmah Krai (xã Nhang, Đun Mia) “bắt” chồng làng Bi mới biết cần phải có giấy đăng ký kết hôn mới được công nhận là vợ hợp pháp. Hỏi chị, “giờ biết rồi có nói chồng lên xã đăng ký kết hôn không?”, chị cười “Lớn tuổi rồi, ngại lắm!”. Còn chị Ksor Seo (làng Kloong) thì nêu nguyên nhân: Do mẹ chết, bố đi xa cầm theo hết các giấy tờ nên giờ mình không có giấy tờ tùy thân để đi đăng ký kết hôn. Vì vậy, lấy nhau gần 8 năm, có với nhau 2 đứa con song đến nay, cả 2 con đều chưa có giấy khai sinh…
Thực tế, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trên khu vực biên giới cũng không quá phức tạp, song do một bộ phận người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng, lợi ích cũng như hệ lụy nên còn thờ ơ. Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Hiền-Trưởng phòng Hành chính-Tư pháp (Sở Tư pháp), nhấn mạnh: Mỗi công dân đều được quyền đăng ký khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha-mẹ-con, khai tử, tuy nhiên trong quá trình thực hiện quyền đó công dân có khó khăn về giấy tờ phải nộp theo quy định của Luật Hộ tịch 2014; Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Cụ thể, đối với công dân mang quốc tịch Campuchia thì thiếu giấy tờ tùy thân, thiếu giấy tờ chứng minh nơi cư trú nên không đủ thủ tục đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn… Nếu không đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng và không được pháp luật bảo vệ; khi sinh con, người con cũng bị thiệt thòi vì trong giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ mà không có tên cha… Còn nếu không đăng ký khai sinh sẽ không đăng ký được thường trú, không có thẻ bảo hiểm y tế, sau này liên quan đến các thủ tục nhập học…
Phương Dung