Phát huy bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2023 đã khép lại. Trong muôn vàn khó khăn, thử thách, tỉnh Gia Lai vẫn vững vàng đi lên cùng đất nước với nhiều thành tựu nổi bật. Đây là nền tảng để Đảng bộ, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững tin bước vào năm 2024 với khí thế mới, thắng lợi mới.

Nhân dịp năm mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Gia Lai xung quanh vấn đề này.

*P.V: Đồng chí có thể khái quát một số thành tựu nổi bật mà Gia Lai đạt được trong năm 2023?

- Chủ tịch UBND tỉnh TRƯƠNG HẢI LONG: Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường (xung đột quân sự, đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm…), kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động lớn. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng chung đó, kinh tế-xã hội của tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với tinh thần xuyên suốt là “đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, chủ động sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức và gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận.

Theo đó, trong năm 2023 có 14/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Điển hình như: tổng diện tích gieo trồng tăng 2,98%; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,18%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,45%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,48%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3,03%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,28%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,6%. Ngoài ra, trong năm, tỉnh có 35 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng (gấp 2 lần năm 2022).

Năm 2023 cũng là năm thành công trên lĩnh vực du lịch với nhiều dấu ấn được ghi nhận và lan tỏa. Trong số đó có thể kể đến việc tổ chức thành công chương trình thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi”, Tuần Văn hóa-Du lịch và Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023 với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa” và trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.

Trong năm, tỉnh đã đón trên 1,15 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm (tăng 19,8% so với năm 2022, vượt 4,6% chỉ tiêu kế hoạch).

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh; hoàn thành 100% kế hoạch tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2023…

Những thành tựu đạt được trong gian khó đã tạo thêm niềm phấn khởi, tự tin cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh vững bước ở giai đoạn phát triển mới.

Các nghệ nhân biểu diễn múa xoang trong khuôn khổ Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Các nghệ nhân biểu diễn múa xoang trong khuôn khổ Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

*P.V: Trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 có 7 chỉ tiêu tỉnh không đạt. Vậy theo đồng chí, nguyên nhân là do đâu?

- Chủ tịch UBND tỉnh TRƯƠNG HẢI LONG: Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành sát sao, thống nhất với nhiều giải pháp đồng bộ, song trong năm 2023 vẫn có 7 chỉ tiêu chủ yếu không đạt.

Đầu tiên là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra là 8,62% nhưng chỉ đạt 3,02% (đây là số liệu Tổng cục Thống kê công bố chung cho toàn quốc). Nguyên nhân chính là do giảm sản lượng của ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 7,03% so với năm 2022) làm cho ngành công nghiệp giảm 2,5%. Ngoài ra, một số ngành dịch vụ tuy tăng cao về doanh thu và giá trị sản xuất theo giá hiện hành nhưng khi chuyển qua giá so sánh thì thấp hơn dẫn đến không đạt kế hoạch.

Trên thực tế, dù chỉ tiêu GRDP của tỉnh năm 2023 tăng thấp nhưng có thể nói là một sự cố gắng đáng ghi nhận. Bởi lẽ, trong năm, cả nước vẫn có 4 tỉnh có mức tăng trưởng âm gồm: Bắc Ninh (-9,28%), Lai Châu (-2,77%), Quảng Nam (-8,25%) và Bà Rịa-Vũng Tàu (-1,02%).

Thứ hai, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh không đạt đã kéo theo GRDP bình quân đầu người không đạt.

Thứ ba, dự kiến năm 2023, tỉnh chỉ có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 55,6% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu mới, nâng cao chưa phù hợp thực tế địa phương. Thêm vào đó, các hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn chồng chéo, bất cập nên khó triển khai, nhất là trong giải ngân vốn gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện.

Thứ tư, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ đạt 88,5% so với nghị quyết và giảm 7,8% so với năm 2022. Sở dĩ chỉ tiêu này không đạt là bởi năm 2023, tỉnh giảm thu từ thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 690 tỷ đồng. Tổng thu tiền sử dụng đất cũng giảm 500 tỷ đồng so với kế hoạch do thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng; một số dự án thu tiền sử dụng đất còn chờ phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Mặt khác, Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nên tỉnh chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng lộ trình triển khai các dự án thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án có thu tiền sử dụng đất.

Thứ năm, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2023-2025) của tỉnh giảm còn 8,11% (Nghị quyết đề ra giảm còn 8,1%); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,95% (Nghị quyết đề ra là 2%). Trên thực tế, các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chậm được triển khai do phát sinh một số vướng mắc, nhất là về thể chế, hướng dẫn nên chưa đảm bảo tiến độ, chưa phát huy được hiệu quả, số lượng hộ thoát nghèo chưa đảm bảo kế hoạch.

Thứ sáu, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 91%, trong khi kế hoạch đề ra trong năm 2023 phải đạt 92,75%. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ; hiện còn khoảng 140.000 người dân tộc thiểu số trong tỉnh chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Chỉ tiêu cuối cùng không đạt là tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở đô thị (chỉ đạt 88,4% so với kế hoạch đề ra là 95,8%). Đây là kết quả rà soát thực tế tại các địa phương; nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện ở các địa phương chưa cao.

Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (hàng trước, bên phải) ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Ảnh: H.D

Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (hàng trước, bên phải) ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Ảnh: H.D

*P.V: Năm 2024 là năm then chốt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Vậy tỉnh sẽ đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gắn với các giải pháp đột phá như thế nào, thưa đồng chí?

- Chủ tịch UBND tỉnh TRƯƠNG HẢI LONG: Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt nên cần tạo ra được đột phá vượt bậc để bù đắp các chỉ tiêu năm 2023 còn đạt thấp; đảm bảo hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025 cũng như góp phần triển khai tốt các mục tiêu của Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050.

Dự báo tình hình trong năm 2024 có các thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tỉnh quyết tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát huy nội lực, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội toàn diện.

Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và các nghị quyết quan trọng do HĐND tỉnh thông qua. Tổ chức công bố quy hoạch và xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết hợp với tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Rà soát các loại quy hoạch để tiếp tục triển khai, nhất là các quy hoạch liên quan đến thu hút đầu tư các dự án có sử dụng đất.

Cùng với đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng; ưu tiên phát triển nhóm ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh như: chế biến nông-lâm sản, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu không nung, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Tỉnh cũng sẽ tập trung phối hợp nghiên cứu đề xuất triển khai dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19), đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-6-2024. Đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo cung cầu hàng hóa và phát triển thương mại điện tử.

Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời và chống thất thu, nợ đọng thuế. Thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Khẩn trương phân bổ các nguồn vốn, chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết để triển khai ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, phấn đấu đạt 100% kế hoạch.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; làm tốt công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Rà soát, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư; tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo; triển khai tốt công tác khám-chữa bệnh, phòng-chống dịch bệnh. Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái-văn hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và công tác giảm nghèo bền vững. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số...

Bên cạnh đó, tập trung triển khai kịp thời các chương trình, đề án, chính sách dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Năm 2024, tỉnh cũng sẽ quyết tâm làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; thực hiện quyết liệt các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội…

*P.V: Đồng chí có nhắn nhủ gì đến cán bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nhân dịp năm mới?

- Chủ tịch UBND tỉnh TRƯƠNG HẢI LONG: Bước vào năm mới, tôi kêu gọi các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh phát huy bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên cũng như tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức để đoàn kết, chung sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa Gia Lai ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.

Nhân dịp năm mới 2024 và Xuân Giáp Thìn đang đến gần, trong thời khắc hân hoan đầy ý nghĩa, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi xin gửi đến toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh lời chúc mừng năm mới hạnh phúc, đoàn kết và thắng lợi!

*P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

(GLO)- Những ngày qua, không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại lan tỏa khắp các khu dân cư trên địa bàn thị xã An Khê. Ngày hội là dịp để chính quyền địa phương triển khai các công trình ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết và chung sức xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.