
Nhiều virus có kích thước vài chục nanomét (nm), nhưng vẫn có các ngoại lệ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, các virus khổng lồ có thể lớn gấp 1.000 lần hơn so với các họ hàng của chúng.
Và tại Phần Lan, các nhà nghiên cứu đã phát hiện virus khổng lồ đầu tiên của nước này: đó là Jyvaskylavirus, virus có đường kính 200 nm, tức lớn gấp hơn 2 lần so với virus cúm hoặc coronavirus.
Jyvaskylavirus được mô tả chi tiết trong báo cáo đăng trên chuyên san eLife, và được đặt tên theo Jyväskylä, thành phố Phần Lan nơi được phát hiện.
Các nhà nghiên cứu Đại học Jyväskylä cho biết chủng virus mới được tìm thấy sau khi họ trộn lẫn các mẫu sinh phẩm môi trường với cộng đồng amíp tên Acanthamoeba castellanii.
Đồng tác giả báo cáo Lotta-Riina Sundberg và giáo sư Lotta-Riina Sundberg của Đại học Jyväskylä cho hay cấu trúc gien của Jyvaskylavirus có điểm tương đồng với chủng virus khổng lồ Marseilleviruses trước đó được phát hiện ở Pháp.
Điều khiến Jyvaskylavirus thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu chính là vị trí họ tìm thấy virus. Cho đến nay, đa số virus khổng lồ thường được phát hiện ở châu Âu và Nam Mỹ.
Vì thế, việc tìm ra một chủng virus khổng lồ ở vị trí xa về hướng bắc, cụ thể là ở vòng cực bắc như Phần Lan là điều gây bất ngờ.
Các chuyên gia hy vọng nỗ lực nghiên cứu các ví dụ như Jyvaskylavirus sẽ cho phép con người hiểu rõ hơn về những chủng loài vi sinh vật này.
"Phát hiện mới sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những tương tác giữa các vi khuẩn và vai trò của virus trong việc điều tiết các cộng đồng của mọi sinh vật sống, cũng như mang đến cái nhìn mới về cấu trúc của các chủng virus khổng lồ", theo chuyên gia Sundberg.
Theo Hạo Nhiên (TO)