Ông Hoan '7 trên 1' và '7 trong 1' - Bài 2: Người đảng viên trung kiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa VII và VIII, ông Lê Văn Hoan có một quá trình hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông sinh năm 1932; năm 1945 đã là đội viên thiếu nhi tham gia cùng bà con đi 'cướp chính quyền'; năm 27 tuổi, là Phó Bí thư Huyện ủy Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).
Ông Lê Văn Hoan thăm một cháu bé được phục hồi chức năng

Ông Lê Văn Hoan thăm một cháu bé được phục hồi chức năng

Chỗ núp tốt nhất là lòng dân

Sở dĩ gọi ông là ông Hoan “7 trên 1” bởi, năm 1954 cả vùng có gần một vạn đảng viên; sau Hiệp định Geneva, số đảng viên tập kết ra Bắc chừng 2.000, còn lại 8.000 và sau bao nhiêu lần “tố cộng diệt cộng” chỉ còn lại 71 đảng viên, trong đó huyện Hải Lăng còn lại 7 đảng viên; và ông là một trong số 7 đảng viên còn lại của huyện.

Qua nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, ông Hoan “7 trên 1” luôn tâm sự: “Gây dựng lại phong trào thì phải về bám dân. Đất Hải Lăng mênh mông cát trắng, chỗ núp tốt nhất chính là lòng dân”. Mà quả đúng vậy, bởi chính nhờ người dân che chở trong những năm tháng hoạt động “nằm vùng” mà ông đã bám trụ. Sau này, làm bất cứ điều gì, ông cũng nghĩ đến dân trước hết.

Không chỉ là câu chuyện lớn về chia tỉnh và những bước phát triển tích cực của hàng chục địa phương như chúng tôi đã kể trong bài trước; kinh nghiệm hoạt động nghị trường, những mối quan hệ do ông xây dựng, uy tín cá nhân của một lãnh đạo có tư duy mạch lạc, đã khiến ông lúc đương chức và cả khi đã về hưu vẫn cống hiến rất nhiều cho nhân dân trong tỉnh.

Năm 1977, hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, thị xã Quảng Trị nhập lại thành huyện Triệu Hải, ông Lê Văn Hoan được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Sau đó, huyện được Trung ương đầu tư xây dựng hệ thống đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Giai đoạn đó, mỗi ngày trên đại công trường luôn có tầm 2 vạn người lao động thủ công với khí thế “dời non lấp bể”. Với hệ thống thủy lợi này, hàng vạn hécta đồng đất trong vùng được mong chờ tưới mát, đồng thời làm nhiệm vụ phân lũ. Tuy nhiên, hệ thống phân lũ lại không được thi công tiếp tục, uy hiếp sự an toàn của cư dân huyện Triệu Phong và thành cổ Quảng Trị. Trăn trở mãi, sau khi tìm hiểu, ghi nhận kỹ, ông đề xuất phương án xây cống An Tiêm để phân lũ và đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn. Thế nhưng, ý kiến của ông bị bác! Sau bao nhiêu năm, cứ đến mùa lũ là hàng chục điểm đê lại bị vỡ, hàng vạn nhà ngập, lại thêm người chết.

Trong tư liệu ông lưu giữ còn có thư gửi ông Nguyễn Cảnh Dinh, Bộ trưởng Thủy lợi lúc bấy giờ, với kiến nghị xây cống An Tiêm để phân lũ từ năm 1990. Nhưng cho đến trận lụt lịch sử năm 1999 với thiệt hại nghiêm trọng thì các cấp thẩm quyền mới xem xét các ý kiến, trong đó lưu ý đặc biệt ý kiến của ông để thực thi. Sau khi cống An Tiêm xây xong, công trình phân lũ và tích hợp nhiều chức năng này mang lại hiệu quả thấy rõ. Bao nhiêu năm nay, lũ vẫn không kém những mùa trước, song không còn cảnh chạy lũ kinh hoàng của cư dân thị xã Quảng Trị và hệ thống các xã vùng ngoài đê. Nhiều cán bộ cựu trào cùng thời đều kể, ông luôn là người sẵn sàng phản biện, cái gì lợi cho dân là hết sức làm.

Lúc còn làm bí thư huyện, khi nhiều địa phương hồ hởi với các dự án “hợp tác xã bậc cao”, mỗi xã thành một hợp tác xã, thì ông luôn yêu cầu cán bộ phụ trách và địa phương quan sát thực tế kỹ càng, khoan thành lập ồ ạt, chọn thí điểm trước. Chi tiết hơn, ông yêu cầu trước mắt làm hợp tác xã theo từng thôn nhỏ, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm... Thời điểm đó, những đúc kết của ông va phải lực cản, không dễ để thành bài học, nhưng sự thận trọng và thực tế của ông vẫn đem lại những dấu ấn tốt đẹp!

Nhiều người biết đến ông vẫn thường gọi ông Hoan “7 trong 1”, bởi vì những năm ông đương chức, tỉnh Quảng Trị có đến mấy vị lãnh đạo trùng tên với ông, ví như một ông tên Hoan là Bí thư Tỉnh ủy, một ông tên Hoan khác là giám đốc sở, một ông Hoan nữa là lãnh đạo một tờ báo… Thành ra, để phân biệt người ta gọi ông Hoan theo các chức vụ mà người ta gắn bó với ông nhất.

Món nợ ân tình…

Khi nghỉ hưu, ông Lê Văn Hoan dành sức lực thực hiện những dự án cho cộng đồng mà ông ấp ủ, trong đó có các dự án từ thiện.

Ông kể, hồi còn làm đại biểu Quốc hội, trong một chuyến tham quan tỉnh Hải Dương, thấy mô hình của hội từ thiện tỉnh này hoạt động rất hiệu quả nên quyết tâm học tập để về Quảng Trị lập nên hội từ thiện tỉnh (năm 1990), thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ông là một người làm từ thiện có “nghề”.

Hồi đang đương chức, đi công tác về cơ sở, địa phương nào, ông cũng chụp ảnh, ghi chi tiết hoàn cảnh từng trường hợp khó khăn, lập hồ sơ. Khi có các nguồn tài trợ, ông chỉ lật hồ sơ ra là có ngay tên tuổi, địa chỉ cụ thể để kết nối. Cách làm ấy đã khiến không ít tổ chức từ thiện nhân đạo quốc tế muốn hợp tác với ông. Chẳng hạn, Caritas - một tổ chức từ thiện tôn giáo của Đức, khi thấy ông đưa vấn đề hàng ngàn cháu bé đang bị thiểu năng vận động, cần một trung tâm phục hồi chức năng, đã nhiệt tình ủng hộ. Nhờ đó, một trung tâm phục hồi chức năng được xây dựng với trang thiết bị cho các em luyện tập đã hình thành. Lập trung tâm, có cơ sở vật chất, nhưng tìm đâu ra người hướng dẫn tập luyện, làm sao đưa các em từ các huyện vùng sâu về phục hồi? Ông lại đi học tập mô hình từ các trung tâm giáo dục trẻ chuyên biệt, rồi về áp dụng. Cộng tác viên được bác sĩ chuyên ngành tập huấn, sau đó về tập huấn lại cho các bà mẹ. Đồng thời ngay tại địa phương cư trú, những cộng tác viên này cũng phụ trách luôn các nhóm. Nhờ vậy, nhiều bé thiểu năng vận động sau một thời gian kiên trì luyện tập đã hòa nhập cộng đồng.

Đi tìm hiểu và tìm kiếm các em bé cần được phục hồi chức năng, ông nghĩ phải tìm cách giúp gia cảnh bệnh nhân khá lên, có kinh tế mới có sức chăm lo đưa con cái đi phục hồi. Ông tìm đến những gia đình nạn nhân chất độc da cam vùng Cùa (thuộc huyện Cam Lộ) và nhận thấy xin trợ cấp mỗi hộ vài chục ngàn đồng (thời điểm cuối thập niên 90) chẳng thể giúp họ giải quyết được gì. Vậy là ông bèn xin Quỹ từ thiện Schmitz Stiftung của Đức cho mỗi hộ được vay tiền mua 1-2 con bò, sau khi bò đẻ thì bán bò hoàn vốn cho gia đình khác. Nhờ vậy, nhiều hộ tạo dựng được “gia tài” cả đàn bò từ những con bò tình nghĩa ấy.

Cũng với nguyên tắc “cho cần câu thay vì cho con cá”, ông triển khai thêm đến các địa phương khác, nơi thì nuôi bò, nơi được vay vốn buôn bán, làm thêm nghề thủ công… Chưa kể, bà con ở vùng sâu vùng xa muốn đưa con cái về trung tâm phục hồi chức năng nhưng gặp khó khăn đi lại, ông đi xin xe cho trung tâm để hàng tuần xe về các vùng đưa các bé cùng thân nhân đến trung tâm. Với uy tín gầy dựng từ bao nhiêu năm, lại bền lòng với một chữ “tâm”, nên ở nhiều địa phương, người dân đều biết đến ông và mỗi khi xảy ra chuyện gì cần hỗ trợ, người ta lại kêu: Ông Hoan ơi!

Những cán bộ cựu trào gọi ông là “ông Hoan nằm vùng” để nhắc nhớ thời ông bám trụ cùng dân; lớp trẻ hơn gọi ông là “ông Hoan Triệu Hải” để nhắc đến giai đoạn ông làm bí thư huyện. Nhưng người dân nhắc ông nhiều hơn là “ông Hoan Quốc hội” vì ông là đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tiếp (khóa VII và VIII), hay ông “Hoan Mặt trận” vì ông là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên. Rồi người ta gọi ông là ông “Hoan Hội đồng” vì sau chia tỉnh, ông là Chủ tịch HĐND tỉnh, hay “ông Hoan Từ thiện”. Còn anh em văn nghệ sĩ thì gọi ông là “ông Hoan Trưởng Thành” - bút danh ông ký dưới các bài thơ. Ông có làm thơ, không phải để thành thi sĩ mà để bày tỏ cái chí của một người đã đi ngang dọc một đời, tận trung tận hiếu vẫn chưa hết nợ, ngay cả khi tuổi đã ngoài 90 vẫn còn mang nợ. Đấy là món nợ của tấm lòng luôn đau đáu với đời dân - vận nước.

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...