Ông "chăn kiến"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều năm nay, vườn cây ca cao của ông Đoàn Văn Le (ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) không cần tới một giọt thuốc trừ sâu nhưng vẫn xanh tốt và cho năng suất cao.

Bí quyết nằm ở đội quân kiến vàng mà ông đã cất công dẫn dụ về để làm nhiệm vụ diệt sâu bọ!

Câu chuyện bắt đầu từ trái ca cao là mồi ngon của bọ xít muỗi và rệp sáp nên nhiều nông dân lắm phen đau đầu.

 

 

Dẫn dụ kiến

Chuyện nuôi kiến để diệt bọ xít muỗi cho cây ca cao đến với ông Đoàn Văn Le (Mười Le, 58 tuổi) rất tình cờ. Đó là vào khoảng năm 2007, một lần TS Phạm Hồng Đức Phước đến thăm vườn ca cao nhà ông ở huyện Định Quán, gặp lúc nhà hàng xóm đang đốn hạ những cây tràm bông vàng ở giáp ranh vườn.

Nhìn kiến vàng mất tổ chạy loạn xạ khắp nơi, TS Phước gợi ý: “Nuôi kiến cho nó ăn bọ xít muỗi đi anh Mười”.

Ông gật đầu lấy lệ. Bởi mặc dù được TS Phước gợi ý nhưng ông Mười Le vẫn bán tín bán nghi. Lâu nay vườn cây được phun thuốc trừ sâu nên không con kiến nào bén mảng tới. Giờ dẫn dụ kiến về cách nào?

Dẫn dụ về rồi có giữ chân được không hay chúng lại kéo nhau bỏ đi? Giữ được kiến trong vườn nhưng chúng có chịu bắt sâu bọ hay không?... Những câu hỏi đó khiến ông Mười Le dùng dằng một thời gian.

Nhưng rồi, “Tui đắn đo dữ lắm. Chi phí thuốc sâu, công phun xịt mỗi năm tốn khoảng 10 triệu đồng/ha, vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe trong khi mình tuổi ngày càng cao. Tui quyết làm liều theo thầy Phước coi sao” - ông Le nhớ lại.

Khi bắt tay vào làm, ông ngưng phun thuốc sâu và tìm cây cối có tổ kiến ở các khu vực lân cận rồi giăng dây dẫn dụ kiến về vườn. Phải vài tháng sau kiến mới lác đác bò về. Mật độ kiến quá thưa, chưa thể làm nên trò trống gì, vườn ca cao nhà ông bị bọ xít muỗi làm cho xiểng liểng, thất thu.

Hàng xóm thấy vậy cho là ông làm chuyện dại. Bản thân ông cũng thấy hơi nao núng trong bụng vì nếu tình hình kéo dài có thể “sập tiệm” như chơi.

“Nhưng tui cũng nhớ hồi ở dưới quê, để ý thấy cây trái mà có kiến vàng làm ổ thì cũng ít sâu bọ nên nghĩ bụng biết đâu trời không phụ lòng người” - 
ông Mười Le kể.

 

Ông Mười Le với vườn ca cao trĩu quả mà không còn phải lo sâu bọ.
Ông Mười Le với vườn ca cao trĩu quả mà không còn phải lo sâu bọ.

Lợi đủ đường

Không chịu thua, ông Mười Le cất công quan sát tập tính của loài kiến vàng. Ông nhận ra rằng lũ kiến cũng rất kén chọn đường đi. Ban đầu, ông dùng dây điện bọc nhựa để giăng đường dẫn dụ kiến về. Nhưng ngặt nỗi, dây mới nên mùi nhựa tỏa ra làm lũ kiến ngại, không dám bò.

Ông bèn tìm mua dây điện thoại đã qua sử dụng về thay. Loại dây này vốn đã dầm mưa dãi nắng nên thân 
thiện hơn với lũ kiến.

Rồi ông lại mày mò lựa mồi để dụ kiến. Kiến vàng thích ăn xác động vật nên ông cũng thử qua nhiều loại mồi, từ cá tươi, xác chuột cho tới... ruột vịt gà. Qua thời gian thử nghiệm, ông đúc kết: “Kiến vàng khoái nhứt là ruột gà, ruột vịt, với điều kiện phải tuốt hết mỡ đi, để nguyên mỡ là nó không xơi”.

Biết món khoái khẩu của kiến vàng, rồi lại phải tính toán liều lượng thức ăn. Nếu không cho ăn thì kiến tất nhiên bỏ đi, còn cho ăn no quá thì chúng lười, không thèm làm công việc bắt bọ xít muỗi. Và theo tính toán của ông, tần suất cho ăn mỗi tháng 
một lần là hợp lý.

Quả nhiên, “kiến không phụ lòng người”, mấy vụ mùa tiếp theo kiến vàng lũ lượt kéo về vườn ca cao nhà ông Mười Le định cư và sinh sôi. Quan sát thấy sự xuất hiện của bọ xít muỗi cứ ít dần theo mật độ tăng dần lên của những đàn kiến, ông Mười Le khấp khởi mừng.

Đến cuối năm thứ hai thì vườn ca cao nhà ông hầu như sạch bóng bọ xít muỗi.

“Điều đặc biệt là từ lúc có kiến vàng, hổng biết nó tương tác thế nào mà con rệp sáp trở nên vô hại. Chứ trước đó, rệp sáp bu trái nào là 
trái đó héo queo hết”, ông Mười Le hồ hởi.

Theo ông Mười Le, từ ngày nuôi kiến vàng, không chỉ trừ được bọ xít muỗi, “thuần hóa” rệp sáp trên ca cao mà sâu bọ trên các cây ăn trái khác cũng bị đẩy lui và cây nào cũng cho năng suất cao.

Riêng vườn ca cao trồng xen của ông mỗi năm thu được khoảng 15 tấn trái/ha, cao hơn cả các vườn ca cao chuyên canh trong vùng. Các loại cây trái khác của ông nhờ không dùng thuốc trừ sâu nên luôn bán được với giá cao, nhiều người quen ở các tỉnh biết tiếng gọi điện đặt mua, 
không có đủ để bán.

Sau gần chục năm “chăn kiến vàng”, ông Mười Le khẳng định mình được lợi đủ đường.

“Hồi trước còn dùng thuốc trừ sâu cứ ngơi thuốc là sâu bọ lại sinh sôi, tui không dứt ra mà đi đâu được. Giờ chuyện sâu bọ có đám “đệ” kiến vàng lo, chỉ cần mỗi tháng cho kiến ăn một lần, ngoài thời gian bón phân, thu hoạch trái thì tui có thể rảnh rang đi đây đó mà chơi” - ông Mười Le nói.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.