Nông dân Ya Hội thoát nghèo nhờ nuôi bò rẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nuôi bò rẽ là hộ có bò cho hộ có hoàn cảnh khó khăn nhận nuôi, sau khi bò sinh sản sẽ chia đều cho cả hai bên. Tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), mô hình này được người dân áp dụng khá phổ biến, qua đó giúp nhiều gia đình có vốn làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Juenh là hộ nghèo của làng Bung-Tờ Số. Năm 2016, vợ chồng chị ra ở riêng, không có đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Để tăng thu nhập, vợ chồng chị nhận nuôi bò rẽ của một hộ trong làng. Đến nay, bò đã đẻ được 4 con, gia đình chị được nhận về 2 con bê. Riêng con bê đầu tiên được chia lại, anh chị nuôi lớn và hiện đã sinh sản thêm 2 con bê. Nhờ đó, gia đình chị đã phát triển đàn bò lên 4 con.

Sau khi bán 1 con bò thu về 20 triệu đồng, cùng với số tiền gom góp từ công việc làm thuê, gia đình chị đã mua 1 ha đất sản xuất. “Ngoài nuôi bò rẽ, tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ theo chương trình giảm nghèo bền vững. Cuối năm 2019, gia đình đã được công nhận thoát nghèo”-chị Juenh cho biết.

Gia đình chị Đinh Thị Juenh (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) tận dụng ngọn mía cho bò ăn. Ảnh: Nhật Hào
Gia đình chị Đinh Thị Juenh (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) tận dụng ngọn mía cho bò ăn. Ảnh: Nhật Hào


Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Trâm (làng Bung-Tờ Số) cũng thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò rẽ. Trước đó, vợ chồng anh được bố mẹ cho 1 ha đất trồng mía nhưng do thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu phân bón nên sản xuất không hiệu quả. Để cải thiện kinh tế, năm 2014, anh nhận nuôi bò rẽ của gia đình anh Đinh Hnghit (cùng làng). Đến nay, sau 6 năm, bò sinh sản được 6 con bê, gia đình anh được nhận về 3 con. Cuối năm 2019, anh bán 1 con thu được 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất mía.

Anh Trâm chia sẻ: “Để bò phát triển khỏe mạnh, vợ chồng mình thay nhau đi cắt cỏ và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn để cho bò ăn. Ngoài ra, mình cũng học hỏi cách phòng bệnh nên bò nhanh lớn và ít bị bệnh.

Ngoài những hộ được nhận nuôi, các chủ bò cho nuôi cũng có thêm một nguồn thu khá ổn định mà không phải mất công chăm sóc. Anh Hnghit (hộ cho nuôi bò rẽ đầu tiên ở làng Bung-Tờ Số) cho biết, gia đình bắt đầu cho nuôi rẽ từ năm 2010. Ban đầu, anh cho một hộ khó khăn ở làng Groi nhận nuôi 1 con bò cái. Đến cuối năm 2016, bò lần lượt sinh sản được 6 con, anh nhận về 3 bê con. Từ 3 con bê này, anh tiếp tục cho các hộ dân ở làng Groi và Bung-Tờ Số nhận nuôi và đến nay gia đình anh được nhận về thêm 4 con. Nhờ đó, đàn bò của anh hiện có 7 con. Riêng các hộ nhận nuôi bò của anh đã có 2 hộ vươn lên thoát nghèo.

Anh Hnghit chia sẻ: Khi cho các hộ nhận nuôi bò, tôi thường xuyên đến thăm hỏi và chỉ cho họ cách làm chuồng để đảm bảo thoáng mát về mùa khô và ấm về mùa mưa; đồng thời, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Nhờ đó, đàn bò của tôi cho nuôi rẽ không bị bệnh và cho sinh sản tốt. Tôi sẽ tiếp tục cho nuôi bò rẽ để giúp gia đình mình có thêm thu nhập cũng như giúp các hộ khó khăn tranh thủ thời gian nhàn rỗi đầu tư nuôi bò nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nói về mô hình này, ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội-cho hay: Hiện trên địa bàn xã có 104 hộ nghèo, chiếm 16,72%. Để giúp các hộ này thoát nghèo, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Nhà nước hỗ trợ bà con thì mô hình cho nuôi bò rẽ tự phát trong dân cũng phát huy hiệu quả. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ có bò cho nuôi rẽ, giúp 50 hộ nghèo ở 4 làng của xã (gồm: Đak Ya-Kliết, Groi, Bung-Tờ Số, làng Mông) vươn lên phát triển kinh tế và có một số hộ đã thoát nghèo.

“Từ mô hình này, cả người cho nuôi bò và người nhận nuôi đều có lợi. Bởi vậy, các hộ dân còn áp dụng mô hình đối với các loại gia súc khác như trâu, heo, dê. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho bà con, chung sức cùng địa phương thực hiện công tác xóa nghèo bền vững”-ông Thạch cho hay.

NHẬT HÀO-TUYẾT MAI

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.