Không chỉ mang lại vụ mùa bội thu, mô hình còn giúp bà con thay đổi phương thức canh tác lúa theo hướng bền vững.
Lúa được mùa, được giá
Trung tuần tháng 11 vừa qua, nhiều thành viên HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung vô cùng phấn khởi khi mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình đã có một vụ mùa bội thu. Không chỉ được mùa, mức giá thu mua cũng tăng đáng kể.
Ông Hoàng Văn Vang (làng Cao Sơn) phấn khởi cho biết: “Vụ mùa này, gia đình tôi tham gia mô hình VietGap với 5 sào, gieo sạ giống lúa RVT. Nhờ giống lúa mới chất lượng tốt, lại được cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn cách bón phân, phun thuốc hợp lý nên năng suất đạt 3,5 tấn/5 sào, vượt 5 tạ lúa tươi so với sản xuất truyền thống. Với giá 9.000 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 15-17 triệu đồng/5 sào”.
Cùng chung niềm vui, ông Phan Đình Hào (làng Đồng Tâm) cho hay: Vụ mùa này là năm đầu tiên gia đình gieo trồng, sản xuất lúa theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP. Thời tiết tương đối thuận lợi nên sâu bệnh cũng được hạn chế. Hơn nữa, giống lúa RVT chống chịu tốt trước thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng Đông Gia Lai, do đó, năng suất và chất lượng lúa đạt cao.
Ngoài ra, khi tham gia mô hình, lượng giống gieo sạ của gia đình ông Hào được điều chỉnh giảm từ 20 kg/sào xuống còn 10-12 kg/sào, kéo theo lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm 1,5 lần. Chi phí đầu tư, vì thế, giảm từ 1,5-2 triệu đồng/sào so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây.
“Thu hoạch xong, tôi khá bất ngờ khi năng suất lúa đạt tới 9 tấn/ha. Nếu triển khai trong vụ Đông Xuân, năng suất phải lên đến 10-11 tấn/ha”-ông Hào dự đoán.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Vụ mùa 2024, thành viên HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung canh tác tổng cộng 2,9 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Minh Tân-Giám đốc HTX, việc sản xuất lúa VietGAP mang lại nhiều lợi ích về an toàn thực phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường, đem lại lợi nhuận cao cho các thành viên. Bên cạnh đó, do hạn chế sử dụng phân vô cơ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí sản xuất thấp hơn khoảng 30% so với trước đây.
"Trước hiệu quả mà mô hình mang lại, HTX sẽ triển khai nhân rộng lên diện tích 10 ha cho tất cả các thành viên nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững"-Giám đốc HTX khẳng định.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đỗ Công Trúc cũng cho biết: Vụ mùa năm nay, người dân toàn huyện Kbang gieo trồng khoảng 1.200 ha lúa. Trong đó, Trung tâm đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên với quy mô 2,9 ha tại xã Tơ Tung.
Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống gieo sạ; được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP và hướng dẫn cách ghi sổ tay nhật ký đồng ruộng. Năng suất lúa tham gia mô hình đạt 9-10 tấn/ha. Với giá bán lúa khô hiện nay là 9 ngàn đồng/kg, người dân thu về lợi nhuận 35-40 triệu đồng/ha, cao hơn lúa sản xuất truyền thống 8-10 triệu đồng/ha.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để áp dụng trong sản xuất lúa gạo. Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, tiến tới xây dựng thành công thương hiệu lúa gạo Kbang”-ông Trúc thông tin thêm.