Niềm vui làng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, hàng chục hộ dân ở 2 huyện Mang Yang và Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hân hoan di dời nhà cửa về nơi ở mới. Niềm vui làng mới hiện hữu trên khuôn mặt của những con người từng thấp thỏm lo âu, canh cánh nỗi niềm khi chưa có mảnh vườn chính chủ để yên ổn làm ăn.
Hạnh phúc trong căn nhà mới
Trên con đường bê tông phẳng lì, chúng tôi nhanh chân rảo bước về phía những ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa tại khu tái định cư làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) và làng A Chông (xã Ayun, huyện Chư Sê). Ông Đặng Văn Mình (quê Lạng Sơn) cùng mấy người con đang hoàn tất công đoạn lát gạch nền để sớm mai làm lễ cúng gia tiên. Hơn 24 năm mưu sinh ở Gia Lai, người đàn ông dân tộc Dao này mới có được niềm vui trọn vẹn về chốn an cư. Ông Mình phấn khởi: “Năm 1997, chúng tôi chuyển vào xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) lập nghiệp với hy vọng có cuộc sống no đủ. Sau 10 năm, thấy đời sống cũng không khá hơn là bao, chúng tôi chuyển xuống làng Tơ Bla (xã Đak Trôi, huyện Mang Yang) định cư, mượn đất họ hàng dựng tạm ngôi nhà rồi làm thuê nuôi con ăn học. Gia đình cũng đã dành dụm được một ít tiền mua 6 sào đất để trồng hồ tiêu nhưng cây bị bệnh chết hàng loạt. 4 đứa con trai lần lượt nghỉ học vào miền Nam làm công nhân. Được chính quyền huyện Mang Yang quan tâm cấp cho lô đất ở khu tái định cư này, tôi mạnh dạn vay mượn để làm nhà. Bao nhiêu năm lang bạt, nay mới có được căn nhà xây trên mảnh đất đứng tên mình và được ở khu định cư quy hoạch bài bản, tôi mừng lắm”.
Ông Đặng Văn Mình hoàn tất các công đoạn để làm lễ về nhà mới. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Đặng Văn Mình hoàn tất các công đoạn để làm lễ về nhà mới. Ảnh: Hoành Sơn
Trong lều bạt dựng tạm phía sau ngôi nhà xây chờ lợp mái, bà Nguyễn Thanh Dâng cặm cụi nấu bữa cơm trưa cho thợ. Bà tâm sự: “Mấy chục năm nay, chúng tôi ở trong căn nhà tạm bợ trên đất của người quen tại tỉnh Đak Lak rồi di cư đến làng Ta (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) nên khổ quen rồi. Mưa thì dột, còn nắng thì nóng nực, bụi bặm. Bây giờ, gần cuối đời, tôi mới có được ngôi nhà xây kiên cố trên mảnh đất rộng 400 m2 do Nhà nước cấp nên vui lắm”.
Ở làng A Chông, các hộ người Bahnar, Jrai có tên trong dự án di dân tái định cư do ảnh hưởng của thiên tai cũng đang rộn ràng chuyển nhà về nơi ở mới. “Làng có 97 hộ, trong đó có 32 hộ với 165 khẩu dựng nhà sát bờ sông Ayun. Vào mùa mưa, dân làng nơm nớp nỗi lo lũ lụt đổ về. Có năm, nước lũ hung hãn cuốn mất mấy nóc nhà. Vì thế, khi huyện triển khai dự án, 32 hộ được chọn hồ hởi chờ mong ngày di dời. Đến khi huyện hoàn thành mặt bằng, bà con tự giác chuyển nhà ra ở ngay”-anh Kyơi-Trưởng thôn A Chông-chia sẻ.
Người dân làng A Chông (xã Ayun, huyện Chư Sê) giúp nhau dời nhà về khu tái định cư. Ảnh: Hoành Sơn
Người dân làng A Chông (xã Ayun, huyện Chư Sê) giúp nhau dời nhà về khu tái định cư. Ảnh: Hoành Sơn
Dù gió trời thông thốc thổi kèm theo mưa phùn nhưng hàng chục người dân làng A Chông vẫn hăng say làm việc. Một nhóm người cặm cụi đào hố, đóng cọc. Xa xa, hàng chục người chung vai cõng nhà sàn từ nơi cũ sang nơi mới. Ở góc khác, chị em phụ nữ tíu tít chuẩn bị bữa cơm chiều. Tiếng cười nói vang vọng một góc núi. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Rơ Mah Lang vui mừng nói: “Nhà mình dời về đây được một tuần rồi. Còn hôm nay, mình đi giúp các hộ khác. Bữa họ giúp mình, nay giúp lại. Nơi ở mới cao ráo lại có điện, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng nên bà con yên tâm lắm”.
Nối dài những niềm vui
Chúng tôi đã đến nhiều khu tái định cư trong tỉnh nhưng chưa nơi nào có vị trí đẹp như ở làng Dơ Nâu. Không chỉ nằm trên con đường giao thông nối với xã Đê Ar, Đak Trôi và có địa hình bằng phẳng, khu tái định cư này chỉ cách trung tâm xã Kon Thụp chừng 1 km nên thuận tiện cho cuộc sống của người dân.
Có lẽ vì thế mà chưa đầy 1 tháng sau buổi bốc thăm phân lô, 50/100 hộ dân di cư tự do ở 4 xã Kon Chiêng, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi đã nhanh chóng đến xây nhà mới để định cư. Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ-quyền Trưởng phòng Dân tộc huyện Mang Yang: “Ban đầu, dự án ổn định dân cư tập trung làng Dơ Nâu có 123 hộ đăng ký. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên dự án chỉ còn 100 hộ đủ điều kiện ra khu tái định cư. Hiện nay, một nửa số hộ đã xây dựng nhà cửa và từ nay đến 31-12-2021 sẽ có thêm khoảng 30 hộ dân ra làm nhà ở tại khu tái định cư này. Như vậy sẽ đảm bảo theo đúng kế hoạch của dự án”. 
Những ngôi nhà mới xây tại khu tái định cư cho dân di cư tự do làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang). Ảnh: Hoành Sơn
Những ngôi nhà mới xây tại khu tái định cư cho dân di cư tự do làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang). Ảnh: Hoành Sơn
Còn ở làng A Chông, dự án tái định cư rộng 3,4 ha với tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng đã có 18 hộ chuyển đến sinh sống. “Theo kế hoạch, đến ngày 31-12-2021, việc di dời sẽ hoàn tất”-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun Nguyễn Đức Cường thông tin.
Sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp những hộ dân từng sống trong cảnh lo lắng thiên tai hoặc khao khát ở trong ngôi nhà trên mảnh đất đứng tên mình có những thay đổi theo hướng tích cực. Ông Đặng Văn Mình cho biết sẽ khuyên nhủ các con không “Nam tiến” nữa mà xin vào làm công nhân cho các công ty đứng chân trên địa bàn. Còn anh Nguyễn Văn Thành (dân tộc Tày, quê Cao Bằng) cũng cầm chắc phương án sau khi xây xong nhà sẽ chuyển cả gia đình từ xã Đak Trôi ra làng Dơ Nâu định cư rồi xin làm công nhân tại Công ty cổ phần chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai. Bà Dâng cũng dự tính mở một gian tạp hóa nhỏ hoặc làm các loại bánh rồi mang ra chợ Kon Thụp bán. 
Đối với các hộ dân làng A Chông, chuyển đến khu tái định cư với những mảnh vườn được rào bằng lưới B40, có nhà vệ sinh khép kín đã mang lại tín hiệu vui trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Già Đinh Chaih thổ lộ: “Ra đây, vườn rộng rãi và có nước sạch để dùng, mình đã nói với vợ con chăm chỉ trồng rau để có thêm thu nhập. Mình cũng sẽ vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp”.
Ở khu tái định cư làng A Chông, người dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh. Ảnh: Quang Tấn
Ở khu tái định cư làng A Chông (xã Ayun, huyện Chư Sê), người dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh. Ảnh: Quang Tấn
Nhìn 2 khu tái định canh, định cư quy hoạch bài bản, chúng tôi cũng thấy vui lây khi được biết, các cấp chính quyền 2 huyện Mang Yang, Chư Sê đã có thêm những dự định tạo thêm sinh kế giúp các hộ dân có cuộc sống ổn định hơn. Ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun-cho hay: “Khi các hộ chuyển hết đến khu tái định cư, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng chức năng của huyện hướng dẫn người dân trồng rau xanh và cây ăn quả để tăng thu nhập”. Còn Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng thì cho biết: “Việc đầu tiên huyện sẽ triển khai khi các hộ dân chuyển hết về làng Dơ Nâu là kiện toàn hệ thống chính trị nhằm tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa người bản địa với bà con mới chuyển đến. Chúng tôi cũng sẽ tạo thêm sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ vật nuôi, cây trồng. Mặt khác, huyện cũng đang huy động, kêu gọi các nguồn tài trợ để có thêm kinh phí xây nhà cho các hộ dân di cư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Huyện cũng đã làm việc với Công ty cổ phần chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai và các doanh nghiệp khác tuyển người dân vào làm công nhân”.
HOÀNH SƠN - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.