Những vòng ngà voi oan nghiệt - Kỳ 1: Vào tù vì chiếc vòng tay kỷ niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thấy những chiếc vòng tay ngà voi được bán đầy các khu chợ ở Angola, nhiều người Việt mua về làm quà lưu niệm đã bị xử tù vì tàng trữ, mua bán sản phẩm liên quan động vật hoang dã quý hiếm.

Cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã là một cuộc chiến mang tầm toàn cầu. Tính chính nghĩa của nó không cần phải bàn cãi. Nhưng ở châu Phi, có những trường hợp người Việt vướng vòng tù tội vì không hiểu biết về luật pháp ở nơi mình đặt chân đến.

Ngày 31-3, bà Trương Thị Niềm ra sân bay Nội Bài đón chồng từ nước ngoài trở về. Không như những cuộc đoàn tụ khác đầy nụ cười, họ đã gặp nhau trong nước mắt mừng mừng tủi tủi bởi ông Trần Văn Tuấn(*) về nước sau một năm ngồi tù ở Kenya.

Cả ông và gia đình có lẽ chưa bao giờ hình dung ra ngày trở về lại như thế này. Không những không có tiền mang về sau thời gian vắt sức ở nước ngoài mà còn gánh cả khoản nợ vay để ra nước ngoài làm việc.

 

Nhiều người Việt vướng vòng tù tội vì những chiếc vòng ngà voi.
Nhiều người Việt vướng vòng tù tội vì những chiếc vòng ngà voi.

Đi châu Phi để đổi đời

Cách đây bốn năm, vào năm 2013, ông Tuấn cũng từng ở sân bay này nhưng trong một tâm trạng khác hẳn.

Đầy nụ cười, đầy hi vọng. Ông có hộ chiếu cùng vé máy bay để cùng vài người hàng xóm lên đường sang Angola mưu sinh. Gia đình ông đã phải vay mượn 150 triệu đồng để chi phí cho chuyến đi dưới hình thức lao động cá nhân.

Ở ngôi nhà nhỏ thuộc vùng nông thôn huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), người đàn ông trạc tuổi tứ tuần nhớ lại: “Hai vợ chồng tôi đã bàn bạc kỹ với nhau, vợ chồng nhất trí thì tôi mới đi. Chúng tôi cũng hiểu độ khó khăn khi làm việc ở xứ người, sống được thì ăn, đen đủi thì về trắng tay.

Đồng tiền cũng không phải của nhà mình mà phải đi vay mượn ngân hàng tín dụng. May mà mình còn sức khỏe, còn kiếm được tiền để trả nợ. Ai mà chẳng muốn đi làm có tiền để chu cấp cho gia đình”.

Khi đó, những thông tin có được về việc làm bên Angola rất ít và mơ hồ. Mọi người chỉ được biết là họ có thể làm nghề xây dựng và kiếm được 500 USD/tháng.

Khoản tiền này thực sự là mơ ước của nhiều người nông dân ở vùng nông thôn. Và ông Tuấn đã tự xoay xở để có thể đặt được chân sang Angola.

Trên thực tế, mọi việc khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những gì ông hình dung. Ông nhớ lại:

“Mình không đi theo đường công ty chính thức. Nghe anh em bên ngoài kể lại là làm ăn bên đó cũng được, sẽ kiếm được 700-800 USD mỗi tháng, sau dần tăng lên 1.000 USD thì mình thấy xuôi tai, cũng đúng theo nguyện vọng. Thế là vợ chồng nhất trí vay mượn tiền lo làm thủ tục”.

Kết thúc thời gian làm việc, ông Tuấn trở về quê nhà. Ông đã định sẽ không quay lại châu Phi nữa vì kết quả không như mong muốn và ở hẳn Việt Nam để làm ăn. Rời xứ người, ông chỉ muốn mua vài món quà nhỏ về cho người thân.

“Mình cầm về ba vòng tay làm bằng ngà voi, mỗi chiếc 15.000 quan (kwanza) tiền Angola, tính tiền Việt vào khoảng 700.000 VND/chiếc.

Mấy loại vòng này tại Angola người dân bán đầy ở chợ, nhiều như quần áo bán ở chợ mình đây. Mình lên xe buýt ra chợ ngà voi để mua về làm quà cho vợ con chứ không phải mua về bán để kiếm lời” - người nông dân chân chất nhớ lại lúc đi mua quà lưu niệm trước khi về nhà.

Ông Tuấn rời sân bay ở Angola không chút vấn đề. Chuyến bay quá cảnh tại sân bay Nairobi của Kenya. Tại đây ông đã bị bắt giữ vì tội tàng trữ, mua bán sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm.

Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania (kiêm nhiệm Kenya) gửi Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola ghi rõ:

“Ngày 
27-2-2016, công dân Trần Văn Tuấn, quê quán tại Ninh Bình, bị bắt giữ lúc 21 giờ tại sân bay Nairobi, Kenya do mang theo trong người ba vòng tay làm bằng ngà voi với mục đích làm quà cho người thân”.

 

Ba tù nhân người Việt trong nhà tù ở Kenya, từ trái sang: H.K. Thành, T.V. Tuấn và N.Q. Huy.
Ba tù nhân người Việt trong nhà tù ở Kenya, từ trái sang: H.K. Thành, T.V. Tuấn và N.Q. Huy.

Vào tù vì thiếu hiểu biết

Cũng là người đi lao động tự do tại Angola như ông Tuấn, anh Huỳnh Kiến Thành và anh Nguyễn Quang Huy bị bắt giữ với tội danh tương tự khi quá cảnh tại Nairobi.

Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania khi đó báo cáo: “Năm 2014, ông Huỳnh Kiến Thành bị bắt ngày 21-2-2014, bị kết án 6 năm; ngày 13-3-2014 ông Nguyễn Quang Huy bị bắt và bị kết án 6 năm”.

Họ đều bị bắt do mang theo người các đồ lưu niệm bằng ngà voi và vuốt sư tử. Giờ đây khi vừa được trả tự do về lại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy, người dân nông thôn huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), vẫn còn bàng hoàng sau thời gian thụ án 3 năm 1 tháng:

“Tôi không biết việc cầm về mấy cái móng vuốt để làm đồ kỷ niệm cho con trai mà bị nặng như vậy. Tôi thấy mình trót dại khi cố mang về những thứ như vậy. Thật đau xót khi phải đánh đổi bằng những năm tháng tù tội”.

Câu chuyện của họ bị phạt tù ở tận một đất nước châu Phi xa xôi vì vài chiếc vòng làm bằng ngà voi là một cái gì đó rất “mới mẻ” đối với những người hàng xóm.

Thực sự trước đó, họ chưa bao giờ hình dung được lý do vì sao ở nước này những sản phẩm từ động vật hoang dã được buôn bán tự do, trong khi tại một nước khác chúng lại bị cấm đoán nghiêm khắc.

Nữ luật sư Malrence Abongo giải thích với chúng tôi trong cuộc gặp tại thủ đô Nairobi: “Điều tôi có thể nói thêm về những trường hợp người Việt bị bắt giữ là cả ba người đều đến từ Angola. Họ chỉ là những người lao động phổ thông với đồng lương ít ỏi.

Khi bị bắt giữ, họ thậm chí còn không biết mình bị phạm tội. Một người trong số họ có năm vòng tay bằng ngà voi, một người khác chỉ có một vòng tay, người còn lại chỉ có một chiếc vòng cổ.

Như vậy có thể thấy họ không hiểu biết đầy đủ, họ có thể đã mua những sản phẩm này từ những cửa hàng lưu niệm.

Và khi biết mình bị bắt giữ, họ đã vô cùng sốc, nhưng buộc phải chấp nhận đúng là mình đã sở hữu những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và tòa án đã kết tội họ với một khoản 
tiền phạt”.

Nữ luật sư người Kenya - người đã đưa chúng tôi vào nhà tù tại Kenya gặp các công dân Việt - cho biết đã có những nỗ lực liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam hoặc các tổ chức, cá nhân để có thể cho họ vay mượn nhưng không thành.

(*) Tên các nhân vật người Việt trong bài đã được thay đổi.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.