Những phụ nữ khuyết tật ở Chư Prông vượt lên số phận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không đầu hàng số phận, nhiều phụ nữ khuyết tật ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

1. Nằm khuất trong con hẻm nhỏ thuộc tổ 3 (thị trấn Chư Prông) nhưng quán nước của bà Lê Thị Nga (SN 1970) vẫn khá đông người lui tới. Bà Nga cho biết, hiểu được hoàn cảnh của bà khó khăn nên hầu hết khách hàng đến uống cà phê, nước giải khát để ủng hộ. Bà Nga sinh ra vốn lành lặn nhưng khi được 8 tháng tuổi thì bị teo cơ chân trái do di chứng của cơn sốt bại liệt. Là chị cả trong gia đình có 6 chị em, năm 12 tuổi, bà Nga đã phải bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bà mua từng mớ rau, con cá rồi nhờ người chở vào các làng của thị trấn để đổi lấy gạo, bắp; sau đó, làm bánh chuối chiên bán, nướng bánh tráng cho các nhà hàng.

Năm 2018, thấy việc đi lại khó khăn, bà mở quán giải khát tại nhà. Sau khi trừ chi phí, bà thu về 70-100 ngàn đồng/ngày. Dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp bà có điều kiện để phụ bố mẹ nuôi các em ăn học và nuôi con trai của người em út bị thiểu năng trí tuệ.

Sức khoẻ giảm sút nên bà Nga chuyển sang bán cà phê, nước giải khát để có thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Sức khoẻ giảm sút nên bà Nga chuyển sang bán cà phê, nước giải khát để có thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Nói về bà Nga, chị Đinh Thị Hà-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Chư Prông-cho hay: Tuy bị khuyết tật nặng nhưng bà Nga không mặc cảm, tự ti mà luôn nỗ lực để vượt lên số phận. Không những thế, với công việc bán quán nước, bà Nga kết hợp tuyên truyền về ý nghĩa các phong trào, hoạt động của Hội đến chị em phụ nữ trong tổ. Bà đã góp phần giúp Chi hội Phụ nữ tổ 3 hoàn thành các nhiệm vụ, nổi bật là huy động chị em tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, phòng-chống dịch bệnh Covid-19.

2. Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh ở chân nhưng chị Đinh Thị Nguyệt (SN 1983, thôn Đài Bắc, xã Ia Lâu) cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống tươi sáng. Trông chị Nguyệt bình thường nhưng chiều cao chỉ 1,3 m, 2 chân bước đi thường đá ra 2 bên, đầu gối chụm lại và 2 tay không thể giơ cao quá mặt. Ban đầu, chị cũng mặc cảm, tự ti về bản thân nên học hết lớp 10 thì xin nghỉ để phụ giúp bố mẹ việc đồng áng.

Cảm phục trước tinh thần chịu khó của chị, năm 2003, anh Bùi Văn Nghiệp (cùng thôn) đem lòng thương mến rồi hỏi cưới chị. Cuộc sống mở sang trang mới đã giúp chị tự tin hơn. Hàng ngày, chị cùng chồng chăm sóc 2 ha lúa nước. Năm 2005, chị bàn với chồng thuê 2 ha đất trồng mì để cải thiện thu nhập. Ngoài ra, chị còn nuôi heo và gà. Mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng chị lãi 70-100 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, vợ chồng chị xây được nhà, chăm sóc bố mẹ và nuôi 2 con ăn học.

Tuy khuyết tật ở chân nhưng chị Nguyệt vẫn làm kinh tế giỏi. Ảnh: Nhật Hào

Tuy khuyết tật ở chân nhưng chị Nguyệt vẫn làm kinh tế giỏi. Ảnh: Nhật Hào

“Để có được cuộc sống ổn định, bản thân tôi luôn phải nỗ lực, cố gắng hơn người bình thường, phải nghĩ đến việc làm phù hợp với sức khỏe của mình, không tự ti, cố gắng vượt qua chính mình”-chị Nguyệt tâm sự. Chị Hoàng Thị Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Lâu-nhận xét: Không chỉ vượt khó làm kinh tế giỏi, chị Nguyệt còn tích cực tuyên truyền, vận động chị em hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội phát động và các hoạt động quyên góp, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

3. Tại thôn 2 (xã Thăng Hưng), hình ảnh chị Lâm Thị Kim Cúc (SN 1982) bị khuyết tật bẩm sinh chân trái phải đi bằng nạng nhưng vẫn nỗ lực lao động để nuôi sống bản thân và người cha già yếu đã truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên. Chị Cúc cho biết: Năm 20 tuổi, chị mở quán bán tạp hóa. Sau này, thấy việc bưng bê hàng hóa khó khăn, chị chuyển sang bán bánh chuối chiên. Để thu hút khách, chị phối trộn giữa các loại bột và gia vị để tạo ra hương vị bánh thơm ngon. Nhờ đó, mỗi ngày, chị bán hơn 100 chiếc bánh, thu 500-600 ngàn đồng, lãi gần 150 ngàn đồng.

Mỗi ngày, chị Lâm Thị Kim Cúc (thôn 2, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) kiếm được gần 150 ngàn đồng từ công việc bán bánh chuối chiên. Ảnh: Nhật Hào

Mỗi ngày, chị Lâm Thị Kim Cúc (thôn 2, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) kiếm được gần 150 ngàn đồng từ công việc bán bánh chuối chiên. Ảnh: Nhật Hào

Bà Siu H’Thoan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông: Toàn huyện có hơn 1.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 500 người là hội viên phụ nữ. Tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng nhiều hội viên khuyết tật vẫn làm kinh tế giỏi, có hộ thu nhập mỗi năm 100-200 triệu đồng; đồng thời, các chị cũng có nhiều đóng góp cho công tác Hội và các hoạt động từ thiện trên địa bàn.

Khi có thu nhập ổn định, chị thường xuyên mua nhu yếu phẩm hỗ trợ người nghèo trong thôn. Từ năm 2015 đến nay, chị kêu gọi quyên góp quần áo, sách vở cũ tặng người nghèo. 2 năm nay, đều đặn mỗi tuần 1 ngày, chị tham gia cùng với tổ chức từ thiện của ông Lê Nhật Trường (cùng thôn) phát cơm chay miễn phí cho người nghèo trên địa bàn xã và tại Trung tâm Y tế huyện.

Bà Phạm Thị Lý (SN 1948, thôn 2, xã Thăng Hưng) bày tỏ: “Chồng tôi mất sớm, đứa con trai duy nhất cũng qua đời do tai nạn giao thông. Cách đây 2 năm, tôi cũng bị tai nạn gãy chân nên rất khó khăn. Được cháu Cúc hay lui tới hỗ trợ gạo và thức ăn, tôi bớt khó khăn hơn”.

Còn chị Rơ Lan H’Meo-Chủ tịch Hội LHPN xã Thăng Hưng thì cho hay: Tuy khuyết tật nhưng chị Lâm Thị Kim Cúc luôn mạnh mẽ trong cuộc sống và có nhiều đóng góp cho phong trào, hoạt động của Hội cũng như trong công tác nhân đạo, từ thiện trên địa bàn. Chị nhiều lần được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh biểu dương.

Có thể bạn quan tâm

Sôi nổi phong trào "Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi"

Sôi nổi phong trào "Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi"

(GLO)- “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi” là phong trào truyền thống của ngành cao su trong và ngoài tỉnh Gia Lai. Không chỉ dấy lên không khí thi đua sôi nổi, phong trào còn góp phần trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo đội ngũ công nhân vững lý thuyết, giỏi thực hành.

Các đảng viên, cán bộ, công chức xã Phú Cần sinh hoạt định kỳ hàng tuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nam

Phú Cần áp dụng công nghệ số trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, Đảng uỷ xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đã áp dụng công nghệ thông qua phần mềm Kahoot (Phần mềm trắc nghiệm online miễn phí) và đã được đội ngũ cán bộ, công chức của xã đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.