Những người "quên" Giao thừa để giành giật sự sống cho bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nhiều người được đón khoảnh khắc Giao thừa quây quần ấm cúng bên gia đình thì những y-bác sĩ tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) phải trắng đêm gồng mình giành giật sự sống cho bệnh nhân. 
 


Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) ngày cuối năm tất bật đến nghẹt thở bởi bệnh nhân đến nhập viện cấp cứu gia tăng so với ngày thường. Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu-cho hay: Trong ngày và đêm 30 Tết, lượng bệnh nhân cấp cứu tăng đột biến, nhiều ca trong số đó là các trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến thanh-thiếu niên sử dụng rượu bia gia tăng trong ngày này. Mỗi tua trực chỉ có 2 bác sĩ và 8 điều dưỡng làm việc liên tục trong 24 giờ đồng hồ nên mọi người không có giây phút nghỉ ngơi.

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu gia tăng vào đêm giao thừa. Ảnh: Văn Ngọc
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu gia tăng vào đêm Giao thừa. Ảnh: Văn Ngọc


Hàng chục năm trong nghề, bác sĩ Thuấn đã trải qua nhiều đêm Giao thừa như thế ở bệnh viện. Ông kể rằng, khi con ông còn nhỏ, chúng thường hỏi rằng ba đi đâu mà đêm giao thừa nào cũng vắng nhà. Rồi các con nài nỉ ông ở cùng nhà đón Giao thừa. “Lắm lúc nghĩ cũng chạnh lòng vì Giao thừa không được ở bên gia đình như người ta. Nhưng nghề mình là vậy, mãi rồi cũng quen, vợ con cũng thông cảm, động viên”-bác sĩ Thuấn trải lòng.

Trong khi đó, bác sĩ trẻ Đàm Thị Út Thảo đã có Giao thừa đầu tiên tại bệnh viện từ khi theo nghề y. Bác sĩ Thảo chia sẻ: “Bệnh nhân vào liên tục khiến chúng tôi chẳng còn để ý đến thời gian nữa, cũng không biết khoảnh khắc Giao thừa đến lúc nào. Lúc trước, tôi định đến Giao thừa sẽ gọi điện về hỏi thăm sức khỏe cha mẹ nhưng loay hoay cũng không có thời gian, lúc nhớ ra đã khuya quá rồi. Những ca trực thế này sẽ giúp tôi thêm yêu và trách nhiệm hơn với nghề của mình”.   

Nhiều ca bệnh nặng cần được xử lý kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Ảnh: Văn Ngọc
Nhiều ca bệnh nặng cần được xử lý kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Ảnh: Văn Ngọc


Có mặt tại Khoa Cấp cứu vào đêm Giao thừa mới cảm nhận hết sự căng thẳng và áp lực của những người khoác lên mình tấm áo blouse trắng. Khoảng 23 giờ, 2 bệnh nhân L.T.P. và L.M.H. (cùng SN 2004, cùng trú tại xã Đak Yă, huyện Mang Yang) được xe cấp cứu chở vào bệnh viện trong tình trạng mê man, chảy máu nhiều ở vùng mặt và đầu vì tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku. 2 nạn nhân được xác định cùng đi trên 1 chiếc xe máy, người nào cũng nồng nặc mùi bia rượu. Khi đang tập trung cho các ca bệnh khác, các điều dưỡng, bác sĩ tại đây phải tiếp tục sơ cứu khẩn cấp, cầm máu và tiến hành chụp phim để xác định tình trạng bệnh rồi chuyển bệnh nhân đến khoa chuyên môn điều trị.

23 giờ 59 phút, cánh cửa phòng cấp cứu lại mở toang đón bệnh nhân N.D.K. (SN 2004, trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) bị chấn thương vùng đầu do điều khiển xe máy tự ngã. Xác định trường hợp nguy hiểm bởi vết thương vùng đầu, các y-bác sĩ nơi đây khẩn trương thăm khám, hội chẩn để xử lý kịp thời. Bà P.T.Q-mẹ bệnh nhân K. buồn bã cho biết: “Tối nay, nó xin đi nhậu ở nhà bạn một chút rồi về. Khi có người gọi điện báo tai nạn, tôi hoảng hốt chạy ra thì điếng người vì con bị chấn thương ở đầu. Mâm cơm cúng còn đang dang dở ở nhà mà bây giờ phải trải qua Giao thừa ở bệnh viện thế này, chẳng còn tâm trí nào mà đón Tết nữa”.

Khoa Cấp cứu những ngày này còn là nơi bị đặt trong tình trạng “báo động” bởi là tuyến đầu đón tiếp các bệnh nhân đến từ vùng dịch. Theo đó, tại đây đã bố trí 4 phòng cách ly cho các bệnh nhân đến từ các địa phương có dịch gồm: Phú Thiện, Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa, Kông Chro. Bởi vậy, các y-bác sĩ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch từ khâu đón tiếp đến sơ cứu ban đầu. Sau khi được sơ cứu, các bệnh nhân từ vùng dịch sẽ được cách ly để chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian 3-4 ngày trước khi có kết quả, các nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu là những người tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lây bệnh cao nhất.

Các nhân viên y tế phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: Văn Ngọc
Các nhân viên y tế phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: Văn Ngọc


Bác sĩ Sơn Gia Nguyên-Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc bày tỏ: “Được tăng cường hội chẩn những ca bệnh nặng ở Khoa Cấp cứu những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thế này mới thấy bác sĩ, điều dưỡng ở đây vất vả thế nào. Vừa phải làm sao cấp cứu một cách nhanh nhất, kịp thời nhất mà còn đảm bảo an toàn phòng dịch tuyệt đối cho mình và mọi người xung quanh. Những bộ đồ bảo hộ kín mít, bí bách thế nhưng ở bộ phận tiếp đón bệnh nhân cấp cứu, các nhân viên y tế phải mặc nó suốt cả ngày”.   
 
4 giờ sáng mùng 1 Tết, màn sương mù dày đặc đã phủ trắng khoảng sân trước bệnh viện. Bên trong Khoa Cấp cứu, các y-bác sĩ vẫn đang tất bật với những ca bệnh. Một năm mới đã đến như thế.

 

LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

(GLO)- Chỉ từ tháng 12-2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại. Số lượt người đến tiêm phòng vắc xin dại cũng tăng cao do người dân lo ngại ổ dịch chó dại đã và đang tồn tại trong cộng đồng, vì vậy, chủ động tiêm phòng vắc xin dại khi chẳng may bị chó mèo cào, cắn.

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua vai trò của việc tập thể dục trong việc giúp não khỏe mạnh.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.