Những người lính đem lại hồi sinh cho vùng đất bom đạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, các chiến sĩ Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng đã phát hiện và tiêu hủy được hàng vạn quả đạn cối, bom bi, ngòi nổ các loại tiềm ẩn trong lòng đất từ hồi chiến tranh. Qua đó, đem lại sự bình yên cho các bản làng quần tụ dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Đánh vật với thần chết

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt nhưng 20 chiến sĩ công binh trẻ trong quân phục xanh tay mang dây thừng, lốp xe đạp, đòn gánh vẫn sẵn sàng vào trận “đánh vật” với 8 quả bom từ 250-270 cân Anh nằm trên phía đồi cao gần mỏ nổ xã Hương Phong, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
 

Chiến sĩ công binh rà tìm bom đạn tiềm ẩn dưới lòng đất. Ảnh: Bùi Oanh
Chiến sĩ công binh rà tìm bom đạn tiềm ẩn dưới lòng đất. Ảnh: Bùi Oanh

Lần đầu tiên thấy bom, máu me nghề nghiệp, tôi lập tức rút máy ảnh trong cặp định chạy theo tác nghiệp nhưng mấy anh chỉ huy trong đội phá hủy bom mìn tươi cười nói: “Nhà báo cứ bình tĩnh, việc tiêu hủy số bom này phải diễn ra từ giờ đến trưa”. Quả thật, để di chuyển một quả bom từ nơi tập kết đến hố tiêu hủy cách nhau khoảng 500 m, ngoài sự kiên trì gan dạ, các chiến sĩ công binh còn phải biết phối hợp nhịp nhàng trong từng thao tác từ thắt dây thừng đến vị trí đặt đòn gánh... Gần một giờ đồng hồ dầm dề dưới trời mưa, hai quả bom to như hai con heo nái đã được các chiến sĩ công binh di chuyển và đặt ngay ngắn vào vị trí tiêu hủy. Tiếp đó, bộ phận kỹ thuật gồm 5 chiến sĩ do đại úy Phan Anh Tuấn chỉ huy cẩn thận kẹp 3 ngòi nổ thuốc TNT và 2 kíp điện. Kéo đoạn dây điện nối từ ngòi nổ lại vị trí kích điện khoảng 200 m, họ kiểm tra lại lần cuối các thao tác. Nháy mắt, một tiếng nổ “ầm…ầm” xé toang bầu trời… Cứ thế, từ sáng sớm tinh mơ đến gần giữa trưa, 8 quả bom lần lượt được tiêu hủy.

Trong lúc các chiến sĩ công binh tiếp tục nhiệm vụ, trung tá Mai Xuân Kỳ, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn Binh đoàn 12, dẫn chúng tôi ra phía triền đồi cách mỏ nổ khoảng 500 m-khu vực tập kết các loại bom mìn do đồng đội của anh mới đào bới từ lòng đất thuộc địa bàn xã Hồng Thượng và Hương Phong. Lật dỡ từng nắp thùng gỗ bên trong có những quả bom nằm ngăn nắp theo từng loại, Trung tá Kỳ giới thiệu: “Đây là bom bi, đây là bom bướm, đây là đạn cối…”. Thấy chúng tôi có vẻ hơi sợ, anh cười trấn an: “Bom mìn mặc dù vô giác nhưng nếu nắm chắc được tính năng của từng loại thì sẽ dễ dàng hơn trong quá trình tìm kiếm, di chuyển, tiêu hủy… Những loại bom bướm, bom bi nguy hiểm nhưng không đáng gờm bằng bom đạn phốt pho. Bởi sau nhiều năm ẩn mình trong lòng đất, lớp kim loại vỏ bọc bên ngoài đã hoen rỉ, tạo điều kiện cho chất phốt pho rò rỉ ra bên ngoài nên hễ gặp không khí là nó tự cháy nổ”. Vậy làm thế nào để lôi bom ra khỏi lòng đất? Anh Kỳ hướng dẫn: “Gặp bom phốt pho, anh em phải dùng băng gạc y tế thấm đẫm nước bao bọc lại chỗ rò rỉ. Tiếp đó, buộc chặt lại rồi dùng bàn trượt hay nhẹ nhàng dùng đòn gánh khiêng về bãi tiêu hủy”.
 

 Trời mưa nhưng các chiến sĩ công binh vẫn phối hợp nhịp nhàng di chuyển bom 270 bảng anh đến bãi tiêu hủy an toàn. Ảnh: Bùi Oanh
Trời mưa nhưng các chiến sĩ công binh vẫn phối hợp nhịp nhàng di chuyển bom 270 cân anh đến bãi tiêu hủy an toàn. Ảnh: Bùi Oanh

Đại tá Thái Vĩnh Tính, Giám đốc Công ty Xây dựng 384, Binh đoàn 12, cho biết, bắt đầu từ tháng 5-2008, đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành rà phá bom mìn trên diện tích 1.200 ha thuộc địa bàn xã Hương Phong nhằm phục vụ cho chương trình tái định cư và mở rộng diện tích đất sản xuất cho đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Với phương châm nhanh chóng, hiệu quả, có lúc đơn vị đã huy động tới cả ngàn chiến sĩ tham gia tìm kiếm bom mìn. Ngoài 8 quả bom mới được tiêu hủy thành công, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị còn phát hiện và tiêu hủy hơn 3.000 quả đạn cối, 1.438 quả bom bi, 1.327 quả đạn khác và 214 ngòi nổ các loại.

Trả lại sự bình yên bản làng

Nhìn nhận về chiến công thầm lặng của những người lính trẻ Binh đoàn 12, ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, xúc động nói: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, A Lưới-địa danh được xem là điểm nút của đường Trường Sơn với vô vàn cung, nhánh đường bộ cơ giới, đường vòng qua đất nước bạn Lào như Ngã ba đường 71 (xã Hồng Vân); Ngã ba đường 72 (xã Phú Vinh); Ngã ba đường 73 (xã Hương Phong); Ngã ba đường 74 (xã Hương Lâm và A Đớt); động Tiến Công (xã Hồng Kim); động Đông So (xã Hồng Bắc); địa đạo A Đon (xã Hồng Quảng). Nhằm chặn đứng tuyến chi viện chiến lược Bắc-Nam, Không lực Hoa Kỳ đã huy động hàng vạn tấn bom “dội” xuống vùng đất này.
 

 Tiêu hủy bom mìn trải lại sự bình yên cho các bản làng. Ảnh: Bùi Oanh
Tiêu hủy bom mìn trả lại sự bình yên cho các bản làng. Ảnh: Bùi Oanh

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng di chứng của nó để lại trên mảnh đất này khó có thể thống kê được. Nay những người lính công binh với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ đã bất chấp mọi gian nan, nguy hiểm dọn sạch số bom đạn còn sót trên địa bàn, hồi sinh “vùng đất chết”, đem lại sự bình yên cho các bản làng”. Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ rà phá bom mìn, Binh đoàn 12 còn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân, các em học sinh trên địa bàn về tác hại và cách phòng tránh các loại bom mìn. Ngoài ra còn giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Những “vùng đất chết” sau bước chân những chiến sĩ công binh được hồi sinh xanh mượt những đồi cà phê, cao su, keo lai… Bây giờ, mỗi khi nhắc đến các anh, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này trìu mến gọi các anh-những chiến sĩ công binh trong quân phục xanh là những con người khuất phục “thần chết”.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null