Những mảnh đời ba gác: Hai mảnh đời khốn khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một người đang ở nhà thuê, vợ chết bỏ lại 4 đứa con thơ dại, có đứa chưa đầy một tháng tuổi. Người kia bị bạn chạy ba gác hãm hại phải cắt bỏ hẳn một chân nhưng vẫn gắng mưu sinh...

 

 Từ Quang Tú vất vả mưu sinh bằng xe ba gác
Từ Quang Tú vất vả mưu sinh bằng xe ba gác


Xót xa cảnh gà trống nuôi con

Tôi tìm đến căn phòng trọ ở ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM, nơi 5 cha con anh Bùi Minh Luân (37 tuổi) tá túc. Trong căn phòng chừng 10 m2, đặt chiếc bàn thờ luôn nghi ngút khói nhang. Mấy đứa con anh Luân ngơ ngác nhìn tôi rồi nói: “Ba con mới bồng em qua gửi nhà hàng xóm”.

Đợi một lúc, anh Luân cũng về, trên tay bế đứa con còn đỏ hỏn. “Vợ em mới mất. Mấy tháng đầu ở nhà lo cho các con, nhưng giờ không còn gì để sống phải gửi bé mới sinh tranh thủ chạy cuốc xe”, anh Luân ngậm ngùi tâm sự. Minh Nhân, đứa con mới sinh, đói sữa khóc thét. Người cha lật đật lấy hộp sữa đổ vào chai cho con bú, rồi đưa võng ầu ơ: “Đêm nằm nước mắt láng lai/Tay cha bồng con dại, miệng cha nhai hột ngọc trời/Phần cha không sữa con ơi/ Nhai cơm, sún nước ăn chơi cho cha nhờ”. Giọng hát buồn não nùng nhưng Luân không khóc. Anh không khóc mà tôi thì rưng rưng. Hình như người đàn ông này đã khóc hết nước mắt từ ngày vợ anh ra đi đột ngột rồi.

“Quê em ở An Giang. Do khổ quá nên lên Sài Gòn chạy ba gác thuê cho cửa hàng vật liệu xây dựng. Bà xã quê Bình Thuận lên đây cũng đi làm thuê. Hai đứa cùng khổ nên thấu hiểu nhau rồi lấy nhau”, Luân bộc bạch. Không có tiền sắm xe ba gác, anh Luân chấp nhận chạy xe ba gác thuê với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền lương của vợ mỗi tháng gia đình anh có hơn 10 triệu. 9 năm, vợ anh Luân đẻ sồn sồn 4 đứa con, đứa đầu nay chỉ 10 tuổi. Vì thế, để trang trải tiền thuê nhà, ăn uống, chi phí học tập cho con... là một cái gánh quá nặng. “Liệu cơm gắp mắm vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng em vẫn cố gắng cho các con ăn học. Được cái là hai đứa lớn đứa nào cũng chịu học. Thằng thứ 2 năm nào cũng có giấy khen. Nhưng giờ vợ mất rồi, không biết cuộc đời cha con em sẽ về đâu”, Luân bùi ngùi.


 

 Ai cũng cám cảnh gà trống nuôi con của anh Luân
Ai cũng cám cảnh gà trống nuôi con của anh Luân



Cảnh anh Luân gà trống nuôi 4 đứa con quá tội nghiệp. Căn phòng bừa bộn như ổ chuột. Bếp lạnh ngắt. Những vỏ mì tôm vung vãi khắp nơi. “Nếu không gửi được bé mới sinh, em chỉ còn cách bế con suốt ngày. Nếu gửi được cu Nhân thì chạy ra mua cơm bình dân về ăn, còn không thì cha con em mì tôm qua cơn đói”, anh Luân nói.

Mì tôm và sữa hộp là của một số người mang tới cho. Khi còn vợ cũng đã túng thiếu quanh năm, nay thì cha con anh Luân khốn cùng hơn. Mở cái ví cũ, Luân phân trần: “Trong túi em còn có hơn hai triệu đây thôi. Ông chủ vẫn kêu chạy xe, nhưng ôm con dại như vậy chẳng thể nào chạy được. Không lẽ mỗi lần chạy xe lại bế con sang gửi hàng xóm”. Tôi hỏi: “Sao không gửi con cho phía nội hoặc phía ngoại ở quê?”. Luân cho biết: “Ông nội sống một mình và đi làm thuê, mà em đã gửi bé Minh Nghĩa cho nội. Còn bà ngoại ở Bình Thuận cũng khó khăn, đơn chiếc, bệnh tật chẳng thể nhờ cậy được”.

Nhìn những đứa bé thơ dại mồ côi ai mà không mủi lòng. Thấy Ngọc Vy (8 tuổi), Xuân Vỹ (7 tuổi) chia nhau những cuốn vở các nhà hảo tâm tặng, tôi hỏi: “Cháu có nhớ mẹ không?”. Ngọc Vy rơm rớm nước mắt: “Con nhớ mẹ lắm. Đêm nào cũng mơ thấy mẹ. Mẹ mất, cha cứ cho ăn mì tôm không à”.

Cám cảnh anh ba gác cụt chân

Thật khó hình dung một người cắt gần hết một chân vẫn mưu sinh bằng nghề chạy ba gác. Nhưng, với Từ Quang Tú (31 tuổi), hiện tại công việc chạy ba gác vẫn là cần câu cơm.

Từ vùng quê nghèo ở Thái Bình, anh Quang Tú vào Đồng Nai mưu sinh. Tú vay mượn tiền mua được chiếc ba gác chở sầu riêng bỏ mối. “Công việc đang rất thuận lợi, mỗi tháng kiếm mấy chục triệu. Rồi tình cờ em quen chú Lâm Hồng Phước. Chú kể hoàn cảnh rất tội, lại cũng buôn bán sầu riêng lẻ nên em cho làm cùng. Ai ngờ chú hãm hại em vì muốn chiếm mối”, Quang Tú kể.


 

Cụt chân, Từ Quang Tú vất vả với việc khuân vác hàng hóa - ẢNH: QUANG VIÊN
Cụt chân, Từ Quang Tú vất vả với việc khuân vác hàng hóa - ẢNH: QUANG VIÊN


Tú nhớ như in ngày tai họa. Đó là ngày 28.4.2018. 11 giờ đêm hôm trước, Tú cầm tài chở ông Phước từ Biên Hòa (Đồng Nai) xuống Cai Lậy (Tiền Giang) lấy sầu riêng. Trên đường về đến gần Biên Hòa, ông Phước bất ngờ kêu đổi tài, còn Tú xuống ngồi bên thùng đồ bên trái xe. Ông Phước đang chạy giữa đường bình thường, nhưng khi chạy lên cầu Hóa An thì đột ngột sang trái ép Tú vào thành cầu.

“Lúc đó chân trái em bị ép giữa xe và lan can cầu nát bét, máu chảy lênh láng. Em kêu chú ơi cứu cháu với! Nhưng ông Phước chửi thề, rồ ga làm em ngã xuống đường và lùi xe cán qua chân phải em rồi bỏ em một mình. Em được một chú cũng chạy xe ba gác đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau này, chú đó nói đưa em vô bệnh viện nhưng nghĩ là em chết rồi”, chàng ba gác tội nghiệp kể.

Ông Phước đã bị khởi tố. TAND TP.Biên Hòa tuyên phạt Phước 3 năm tù giam, buộc Phước tiếp tục bồi thường chi phí điều trị và các tổn thất khác cho Quang Tú số tiền 314.463.000 đồng và cấp dưỡng cho Quang Tú đến hết đời. “Thế nhưng cho đến nay ông Phước chưa trả một đồng xu nào theo quyết định của tòa án”, Quang Tú bức xúc. Theo tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, Lâm Hồng Phước đã từng bị TAND tỉnh Bình Định xử về tội giết người và cướp tài sản công dân vào năm 1988.

Tú cho biết vợ làm điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa) với mức lương 7 triệu đồng một tháng. Hai con nhỏ và vợ chồng Tú vẫn tá túc trong căn phòng thuê chật hẹp. “Bị cắt bỏ cả khúc chân tới đùi, xương đùi còn bắt 9 đinh, bác sĩ nói em không thể làm việc nặng, nhưng túng thiếu quá phải chạy ba gác anh ạ”, Tú tâm sự. Thật khó hình dung một người thương tật như Tú xoay xở thế nào để chạy ba gác chở hàng hóa nặng, cồng kềnh. Thế nhưng, với Tú hiện nay không còn cách nào khác kiếm sống ngoài việc chạy ba gác.

Hôm đó, tôi có dịp theo chân chàng ba gác cụt chân đến một chung cư chở một số vật dụng nội thất đến nơi khác cho một người. Chống nạng nặng nhọc đi từng bước, song Tú cố gắng chuyển từng món đồ lên xe, mồ hôi ướt đẫm gương mặt. Những vật dụng nặng, cồng kềnh hơn, Tú phải nhờ đến sự trợ giúp của chủ nhà. “Cuốc này được 300.000 anh ạ. Vất vả nhưng có tiền trang trải cuộc sống cũng phải ráng”, Tú thổ lộ. Tôi hỏi: “Nếu chở hàng hóa nặng hơn thì phải làm sao?”. Tú cho biết: “Em kêu một người bạn phụ giúp. Chia nhau tiền mà sống”.

(còn tiếp)


Cần sự giúp đỡ

Khi tôi viết xong loạt bài, anh Bùi Minh Luân gọi điện cho biết hiện nay cuộc sống của cha con anh thật sự lâm vào bế tắc. Những bữa cơm chỉ cần đủ no để tồn tại là ao ước lớn nhất của anh Luân lúc này. Trong nhà anh Luân chỉ còn vài thùng mì tôm cuối cùng của những nhà hảo tâm giúp đỡ. Còn chàng ba gác cụt chân mòn mỏi chờ cơ quan thi hành án TP.Biên Hòa (Đồng Nai) có biện pháp nhằm bắt buộc bị cáo Lâm Hồng Phước thực hiện nghĩa vụ mà tòa án đã phán quyết để tiếp tục điều trị bệnh và trang trải cuộc sống.


Theo QUANG VIÊN (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.