Những làng nghề bên Thành Hoàng Đế - kỳ 2: Làng rèn làng đúc chen vai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những tiếng búa của làng rèn Nam Tân, Tây Phương Danh và làng đúc Bằng Châu quanh thành xưa vẫn rậm rịch mỗi ngày.

Nhìn cảnh làm ăn nhộn nhịp ở hai làng nghề này, tưởng như thời những người thợ ở đây đang dốc sức làm binh khí cho các cuộc tiến quân của anh em nghĩa quân Tây Sơn ngày nào...

 

Anh Trương Văn Bằng, 40 tuổi, rèn với máy búa ở lò rèn của mình.
Anh Trương Văn Bằng, 40 tuổi, rèn với máy búa ở lò rèn của mình.

Rộn ràng tiếng búa lò rèn

Mới 6 giờ sáng, những lăng miếu quanh Tử Cấm Thành đã bị đánh thức bởi tiếng búa vang lên từ những lò rèn nằm bên khu thành nội.

“Nghề rèn phải chịu lửa nên mình phải làm sớm để nghỉ trưa sớm. Nhưng thời nay đỡ cực rồi, nhờ có cái quạt máy...” - ông Trương Cẩn, vị “lão tướng” 80 tuổi ở làng rèn Nam Tân, vừa nói vừa giũa một chiếc rựa.

Để giữ được ngọn lửa rèn trước sự lấn lướt của hàng rèn, hàng đúc Thái Lan, Trung Quốc, người thợ ở đây đã gian nan không ít.

Phải cơ giới hóa nghề rèn trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại, một số thợ trẻ ở Nam Tân đã chắt bóp vốn liếng để sắm búa máy (búa điện), lò thổi (nấu/nung sắt) bằng điện, máy đột (cắt) sắt định hình.

“Năm 2004, sau khi theo học khóa học về cơ khí ở Quy Nhơn, tui sắm búa máy, lò điện thay cho búa tay, lò thổi bằng than để tăng sản lượng, hạ giá sản phẩm. Có hai loại máy này mình tăng năng suất gấp năm, gấp mười so với rèn theo lối thủ công...” - anh Trương Văn Bằng (40 tuổi), một trong số năm chủ lò mở ra việc cơ giới hóa nghề rèn ở Nam Tân, kể lại.

Ngoài làm ra thành phẩm, những lò rèn ở Nam Tân còn chuyên dập ra phôi (sản phẩm mới qua sơ chế) để bán cho các lò rèn khác đem về gia công khâu cuối.

Nhờ có phôi, người thợ ít tốn sức hơn nên lớp thợ già, cả đến phụ nữ vẫn làm được; hàng làm ra được nhiều, nhanh, đủ để bán sỉ, lại bán với giá phải chăng nên dễ bán hơn trước.

Phôi từ các lò rèn máy ở đây còn được bán cho bạn hàng các vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây nguyên.

Từ khi có các lò rèn cơ giới, Nam Tân nay chỉ còn 30 lò thủ công, giảm hơn phân nửa so với thời sau hòa bình - thời cực thịnh của rèn Nam Tân, nhưng số sản phẩm làm ra lại nhiều hơn, đa dạng và có chất lượng hơn.

Kịch bản phát triển của Nam Tân cũng là của Tây Phương Danh - làng rèn được “sinh ra” từ Nam Tân và nối dài với Nam Tân. Sinh sau mà lại nhanh nên vai nên vóc, Tây Phương Danh trở thành làng rèn lớn bên cạnh Nam Tân.

“Tây Phương Danh hiện có hơn 600 hộ, trước năm 2000 có đến 97% số hộ theo nghề rèn. Nay chỉ còn 80% số hộ rèn, nhưng 20% còn lại cũng sống dựa nghề rèn, từ buôn bán sắt, phụ liệu nghề rèn, buôn bán hàng rèn...” - Bí thư chi bộ khu Tây Phương Danh Nguyễn Đình Long cho biết.

Sáng danh thợ đúc Bằng Châu

 

Thợ đúc Phan Tường Thiệu bên những sản phẩm mới của làng đúc Bằng Châu như nhông đồng, khoen đồng dùng cho nghề đánh bắt cá xa bờ.
Thợ đúc Phan Tường Thiệu bên những sản phẩm mới của làng đúc Bằng Châu như nhông đồng, khoen đồng dùng cho nghề đánh bắt cá xa bờ.

Lò đúc của thợ Bằng Châu được dựng tại nhà, bên những con đường trải nhựa, trải bêtông trong khu dân cư mang dáng dấp phố thị. Mang ra hai chiếc chuông đồng mới được đúc, ông Trần Néo, 79 tuổi, không giấu được niềm vui khi chúng có tiếng ngân vừa vang xa, vừa trong trẻo và ấm.

“Đúc đồ tiếng công phu lắm. Nhiều khi cái chuông đúc xong kêu tiếng không vừa ý thì người thợ phải đành phá đi để đúc lại. Để được gọi là làng đúc thì cái chính là người thợ của làng phải biết đúc đồ tiếng như chuông, chiêng, thanh la.

Còn đúc những đồ dùng khác như nồi, thau, đồ thờ tự... tuy không dễ nhưng cũng không quá khó như đúc đồ tiếng...” - ông Néo, người thợ đúc cao tuổi nhất của Bằng Châu, giải thích.

Nhưng làng đúc Bằng Châu không dễ giữ nghề trước sức xâm lấn ồ ạt của các mặt hàng công nghiệp thay thế. Và thế cùng tất biến, từ đúc đồng chuyển sang đúc nhôm chưa đủ, thợ Bằng Châu lại mày mò học tiện, học đúc kim loại.

“Hơn 10 năm nay thợ làng mình chuyển qua đúc các linh kiện cho máy bơm nước, máy tàu thủy. Vậy là mình phải nắn khuôn, đúc, tiện, giũa.

Linh kiện máy móc buộc mình làm phải thật chuẩn, thật chính xác. Khó ghê lắm, nhưng nhờ cái tay nghề của thợ đúc đồng nên thợ ở đây đã làm được. Hàng mình làm có chất lượng, được khách hàng tin dùng lắm...” - anh Trần Hữu Chí (42 tuổi) nói trong lúc đang hoàn thiện một linh kiện máy nước anh mới đúc xong tại lò đúc ở nhà.

Năm năm nay một số thợ Bằng Châu mở xưởng đúc lớn hơn tại cụm công nghiệp Đá Trắng nằm kề làng mình.

Tài nghệ của nghề đúc được thừa kế từ tổ phụ hàng trăm năm trước dẫn bước cho người thợ Bằng Châu thời nay, họ không chỉ bắt nhịp được mà còn sáng tạo trong công nghệ đúc mới, tiếp cận được với nhu cầu thực tiễn của khách hàng.

“Tụi tui đang đúc các mặt hàng như cảo (tời) kéo lưới, nhông đồng cho tời của giã cào hay khoen đồng, khoen chì cho lưới các tàu cá xa bờ. Rồi còn đúc một số linh kiện cho các máy thủy điện nữa. Làm hoài cũng không hết việc...” - anh Đặng Văn Hưng (48 tuổi), với 20 năm làm thợ khuôn và cũng là thợ đúc đồng Bằng Châu đang làm cho xưởng đúc Đường Minh, cho biết.

Thật ấn tượng khi những người thợ đúc chỉ quen với các sản phẩm đúc truyền thống nay lại làm chủ được công nghệ cho ra những sản phẩm đúc dùng cho máy móc, cơ giới cùng nhiều sản phẩm đúc khác với nhiều công dụng.

“Qua nhiều thăng trầm, lận đận, nay thì làng đúc Bằng Châu mình đã trụ lại được, đã thích ứng được với thị trường đồ đúc, nhất là đồ đúc cho máy móc thay hàng ngoại nhập. Vậy là người thợ Bằng Châu đã giữ được cái tiếng của làng nghề từ ông cha để lại...” - chủ xưởng đúc Đường Minh, ông Đào Tấn Minh (62 tuổi) bày tỏ.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.