Những “hạt nhân” đoàn kết ở buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có 15 đại biểu được tôn vinh trong Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm 2023. 

Ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho hay: Chương trình do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp tổ chức từ ngày 11 đến 13-12. Cả 15 người đều là hạt nhân đoàn kết và là gương sáng trong cộng đồng.

1. Chia sẻ với P.V khi từ Hà Nội trở về, ông Nay Krem-người uy tín buôn Plei Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) phấn khởi: “Gần 70 tuổi, 4 lần ra Hà Nội song đây là lần mà tôi thấy vui nhất. Tôi là đại diện duy nhất của tỉnh cùng với gần 70 đại biểu khác trên toàn quốc được vào Phủ Chủ tịch gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước rất gần gũi, bắt tay, hỏi han từng người, dành nhiều sự quan tâm đến đội ngũ người có uy tín cũng như cuộc sống của đồng bào DTTS”.

Ông Nay Krem cũng là người uy tín duy nhất trong 15 đại biểu tiêu biểu của tỉnh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Với ông, đây vừa là niềm vinh dự và cũng là động lực để bản thân tiếp tục nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Ông Nay Krem (thứ 7 từ trái sang) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trung Tuyến

Ông Nay Krem (thứ 7 từ trái sang) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trung Tuyến

Từng có nhiều năm là Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Thiện nên ông Krem nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo. Khi được cộng đồng tin tưởng, bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, ông từng bước giúp người dân xóa bỏ hủ tục; nâng cao tinh thần cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động, xúi giục; hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao; di dời vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn để thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe...

Nói thôi chưa đủ, gia đình ông còn luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện. Đơn cử, trong phát triển kinh tế, dù tuổi cao song ông cùng các con, chăm sóc 10 ha các loại cây trồng như: mì, lúa, khoai lang và nuôi 20 con bò.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, chỉ tính riêng 6 ha khoai lang, gia đình ông đã thu về 1,2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, ông Krem cũng là hộ duy nhất trong thôn còn giữ bộ chiêng cổ, dùng trong các lễ hội quan trọng của cộng đồng.

Ông Krem tự hào khoe: “Buôn Plei Rbai đông dân nhất xã với 445 hộ. Đến nay, 100% hộ dân thực hiện tốt hương ước, quy ước trong việc cưới, việc tang nên không còn chuyện tổ chức ăn uống dài ngày gây lãng phí. Các hộ chăn nuôi gia súc đều làm chuồng trại xa nơi ở và chú ý giữ vệ sinh quanh nhà. Cuối năm 2023, buôn Plei Rbai chỉ còn 12 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo”.

2. Nhớ lại khoảnh khắc được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà A Hà-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người uy tín buôn Ama H’Li 2 (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) vẫn rưng rưng xúc động.

Bà chia sẻ: “Bác nằm đó như đang ngủ. Nhìn Bác, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi. Hai chữ “Bác ơi” cứ nghèn nghẹn không thốt ra được”. Cũng trong giây phút ấy, bà A Hà thầm hứa sẽ cố gắng noi gương Bác, sống giản dị và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước mỗi nhiệm vụ được phân công.

Bà A Hà cùng đoàn đại biểu người uy tín tiêu biểu của tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung Tuyến

Bà A Hà cùng đoàn đại biểu người uy tín tiêu biểu của tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung Tuyến

Bà A Hà cũng là nữ đại biểu duy nhất của tỉnh tham dự Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc. Từ năm 2019 đến nay, bà đảm nhận một lúc “3 vai” và luôn xây dựng kế hoạch, phân bổ thời gian hợp lý để công việc không bị chồng chéo.

Trong vai trò bí thư chi bộ, bà quán triệt đầy đủ, triển khai kịp thời các văn bản của cấp ủy cấp trên đến từng đảng viên; duy trì, điều hành các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề; quản lý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên... Là trưởng thôn, bà sâu sát cơ sở, trực tiếp triển khai đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

“Để đảm bảo 100% thanh niên trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Chi bộ phân công mỗi đảng viên phối hợp chặt chẽ với Ban Nhân dân thôn phụ trách từng hộ, từng thanh niên. Nhờ đó, hàng năm, 100% thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều tham gia khám tuyển. Trong công tác giảm nghèo cũng tương tự. Buôn Ama H’Li 2 hiện chỉ còn 16 hộ nghèo”-bà A Hà cho hay.

Trong số 15 người có uy tín tiêu biểu của tỉnh tham gia chương trình, 1 người được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; 14 người nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Nói về tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm của người dân trong buôn, bà A Hà thông tin: Cách đây vài năm, Ban Nhân dân thôn vận động người dân tham gia đóng góp ngày công làm 640 m đường giao thông ra nghĩa địa.

Sau khi họp bàn, các hộ dân đồng thuận, hộ nào không tham gia sẽ đóng tiền để gây quỹ. Ngoài dùng vào việc mua nước uống hàng ngày phục vụ người dân làm đường, số tiền quỹ còn dùng để mua sắm các thiết bị như loa, đài, bàn ghế để bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trở lại câu chuyện về chuyến đi Hà Nội mới đây, bà A Hà cầm chiếc điện thoại và mở đoạn ghi âm, rồi nói như khoe: “Những ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị biểu dương, tôi đều ghi âm lại.

Tôi dự định, trong buổi họp thôn gần nhất sẽ để mọi người cùng nghe để hiểu Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS. Từ đó, mỗi người dân sẽ có thêm động lực, niềm tin vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng buôn làng ngày càng khang trang, sạch đẹp”.

Có thể bạn quan tâm

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.